Bệnh ghiền đánh bạc

TT – Theo nhiều nghiên cứu tại Hoa Kỳ, khoảng 1% người chơi bạc được đánh giá là nghiện cờ bạc. Các nghiên cứu ở nhiều nước khác nhau có tỉ lệ cũng gần tương đồng với các nghiên cứu tại Hoa Kỳ.

Bệnh ghiền đánh bạc

H.T., 31 tuổi, một thầy giáo dạy tiểu học tại TP Hải Phòng, đến tham vấn tại trung tâm tham vấn tâm lý với trạng thái căng thẳng, chán nản, mất niềm tin vào bản thân, đổ vỡ gia đình…

Suốt ngày nghĩ đến cờ bạc

Trước đây, H.T. là một thầy giáo trẻ, có năng lực và một gia đình êm ấm với vợ cũng là giáo viên và một con trai 4 tuổi. Tuy nhiên, cách đây khoảng hai năm, khi T. bắt đầu tham gia các trò chơi cờ bạc tại trường cùng đồng nghiệp những lúc rảnh rỗi thì cuộc sống bắt đầu có nhiều xáo trộn. Hơn một năm lại đây, thời gian tham gia trò cờ bạc tăng lên, kèm theo đó số tiền cũng tăng nhanh. Không chỉ chơi với các bạn cùng trường, T. bắt đầu tham gia các sòng bạc ở Hải Phòng với số tiền lớn.

Khi đến làm việc với chúng tôi, T. chia sẻ đã nợ hơn 1 tỉ đồng. T. và gia đình mất khả năng chi trả, cuộc sống xáo trộn, bỏ bê công tác ở trường, mâu thuẫn vợ chồng luôn căng thẳng, bán nhà cửa để trả nợ, suốt ngày chỉ nghĩ đến cách kiếm được tiền để vào sòng bạc. T. bị mọi người trong gia đình chỉ trích, bạn bè xa lánh, cảm giác bi quan và lo âu thường trực…

Các vấn đề trên của T. được chúng tôi xác nhận là một trường hợp cờ bạc bệnh lý (hay còn gọi là nghiện cờ bạc), một tình trạng bệnh lý thuộc vấn đề rối loạn kiểm soát xung lực.

Rối loạn cảm xúc

Có thể chữa khỏi

Khi rơi vào trạng thái cờ bạc bệnh lý thì việc tuân thủ điều trị là cực kỳ quan trọng. Các nhà tâm lý lâm sàng và các bác sĩ tâm thần thường chia sẻ mô hình điều trị và phục hồi bởi hóa dược và các liệu pháp tâm lý. Trong đó việc duy trì phục hồi là rất quan trọng, điều này phải được các thành viên trong gia đình, bạn bè và nhà công tác xã hội hoặc nhà tâm lý giúp đỡ.

Phần lớn người chơi cờ bạc không ảnh hưởng nghiêm trọng lắm đến cuộc sống của họ. Tuy nhiên, khi người chơi bạc quá mức thường gây hại và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Khi các khoản tiền chơi ngày càng tăng thì nợ nần cũng tăng lên, người chơi dẫn tới phá sản và bắt đầu có hành vi lừa lọc, trộm cắp… tiền bạc. Họ bắt đầu phải vay nặng lãi của các tổ chức để có tiền chơi bạc dẫn tới sự phá sản, mâu thuẫn trong gia đình, nguy hiểm cho các mối quan hệ, bỏ bê công việc, hoặc bỏ việc, mất các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp… Nghiên cứu của Laura Paul qua cuốn sách Teen đánh bạc và tương lai của họ cũng cho thấy có khoảng 20% thanh thiếu niên là con bạc bệnh lý có nguy cơ tự tử.

Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy sự lạm dụng cờ bạc dần dẫn tới tình trạng cảm xúc bất lợi cho người chơi, điều đó cũng tăng nguy cơ hành vi bạo lực của họ. Như vậy, cờ bạc bệnh lý thường có mối quan hệ với các rối loạn cảm xúc, rối loạn kiểm soát xung lực hay rối loạn hành vi như trầm cảm, lo âu, nhân cách chống đối xã hội, rối loạn giấc ngủ, lạm dụng chất… Các nghiên cứu khác nhau cũng cho thấy khoảng 70% người nghiện cờ bạc có kèm theo các rối loạn tâm thần.

Nghiện cờ bạc có thể có vô số hiệu ứng tiêu cực đối với gia đình như bạo lực gia đình hay ngược đãi trẻ em.

Cố kiềm chế nhưng không được

Hội Tâm thần học Hoa Kỳ từ năm 1992 đã đưa ra thuật ngữ cờ bạc bệnh lý như một rối loạn kiểm soát xung lực trong bảng tiêu chuẩn chẩn đoán các rối loạn tâm thần. Một số dấu hiệu triệu chứng để đánh giá một trường hợp cờ bạc bệnh lý bao gồm:

– Bệnh nhân chơi bạc dai dẳng, tái diễn nhiều lần.

– Luôn bận tâm đến bài bạc, ví dụ như bận tâm đến việc nhớ lại kinh nghiệm cờ bạc đã qua đến dự đoán các toan tính sắp tới, hoặc bận tâm đến phương tiện kiếm tiền đánh bạc.

– Đã nhiều lần cố gắng kiềm chế, hạn chế hoặc ngừng cờ bạc nhưng không có kết quả.

– Cờ bạc dùng để thoát khỏi những khó khăn hoặc để khuây khỏa cảm giác bất lực, cảm giác tội lỗi, lo âu hay trầm cảm.

– Sau khi mất tiền ở cuộc chơi, thường chơi trở lại vào ngày khác để gỡ lại số tiền đã mất.

– Có nhiều hành vi phạm pháp như làm giả, buôn lậu, ăn cắp, biển thủ tiền để đánh bạc.

– Tin tưởng vào người khác để có tiền bạc hoặc để thoát khỏi tình trạng túng quẫn vì cờ bạc…

Gửi tiền cho người khác giữ

Theo các nhà thực hành tại Hoa Kỳ, việc ngăn ngừa khỏi rơi vào các tình trạng cờ bạc bệnh lý là cực kỳ quan trọng, do đó phải phân tích các yếu tố dưới đây.

– Trước khi chơi cờ bạc, người chơi thường tìm kiếm loại hình, địa điểm chơi… Do vậy, nếu có sự thôi thúc tìm kiếm này, hãy ngăn chặn ngay bằng cách kêu gọi ai đó giúp đỡ. Hãy suy nghĩ về những hậu quả khi tham gia trò chơi, tự nghiêm cấm bản thân suy nghĩ về trò chơi và những yếu tố liên quan ngay lập tức.

– Nếu không có tiền bạn không thể chơi cờ bạc. Do vậy, các nhà lâm sàng khuyên bạn nên giữ một lượng tiền rất nhỏ trong túi, hãy gửi tiền vào ngân hàng hay có thể để người thân giữ tiền giúp.

– Nếu không có thời gian bạn cũng không thể chơi bạc. Có thời gian, bạn hãy lên kế hoạch cho những chương trình giải trí cùng gia đình nghỉ ngơi, thư giãn…

– Hãy luyện tập thể thao, nghe nhạc, đi câu… Tránh những môi trường hấp dẫn hoặc địa điểm có thể lôi kéo vào trò chơi cờ bạc.

– Khi bạn trầm cảm, cô đơn, chán nản… hãy tìm cách giải phóng, thậm chí nhờ giúp đỡ từ một trung tâm chuyên khoa. Điều đó giúp bạn tránh cờ bạc và một số hành vi tiêu cực…

LÊ MINH CÔNG
(Bệnh viện Tâm thần T.Ư2)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.