Dân Ai Cập vui mà lo

TT – Khuất phục sức mạnh và ý chí của nhân dân, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã buộc phải ra đi. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc cách mạng và tương lai phía trước vẫn còn nhiều bất định.

Dân Ai Cập vui mà lo

Người Ai Cập nhảy múa trên đường phố ăn mừng chiến thắng lịch sử – Ảnh: AFP

Suốt đêm 11 rạng sáng 12-2, hàng trăm ngàn người Ai Cập đã đổ ra đường phố thủ đô Cairo nhảy múa và cầu nguyện trong niềm vui vô bờ. Sau 18 ngày đấu tranh không biết mệt mỏi, họ đã lật đổ tổng thống Mubarak.

Pháo hoa bùng nổ bầu trời Cairo, khắp nơi vang lên tiếng hô: “Hãy ngẩng cao đầu, bạn là người Ai Cập”, “Ai Cập đã tự do”. “Người dân mạnh hơn tất cả – Reuters dẫn lời người biểu tình Mohammed al-Sheikh (22 tuổi) – Họ tấn công chúng tôi bằng mọi thứ. Chúng tôi không có vũ khí nhưng có ý chí. Những kẻ thống trị phải hiểu rằng phẩm giá của nhân dân quan trọng hơn tất cả”.

Lãnh đạo phe đối lập Mohamed ElBaradei khẳng định người Ai Cập đã chờ đợi giây phút này suốt hàng thế kỷ qua.

Nhiều nước vỗ tay khi ông Mubarak ra đi

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã ca ngợi việc ông Mubarak từ chức là chiến thắng lịch sử của nhân dân Ai Cập. Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố “người dân Ai Cập đã cất lên tiếng nói”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon ca ngợi ông Mubarak đã thực hiện một quyết định khó khăn. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi người dân Ai Cập tiếp tục tiến bước tới tự do. Thủ tướng Đức bày tỏ hi vọng Ai Cập sẽ tiếp tục giữ vai trò duy trì hòa bình ở Trung Đông. Ở thế giới Hồi giáo, Iran mô tả người Ai Cập đã “giành một chiến thắng vĩ đại”. Tại Yemen, hàng ngàn người đổ ra đường hô vang: “Hôm qua là Tunisia, hôm nay là Ai Cập và ngày mai là Yemen”. Người Tunisia thì ra đường ăn mừng và nhảy múa.

Trò chơi hai mặt của quân đội

Dù ông Mubarak đã từ chức, nhưng hãy còn quá sớm để khẳng định đất nước Ai Cập đã tự do. Ông Mubarak đã trao lại quyền lực cho quân đội do Bộ trưởng quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi lãnh đạo.

Giới phân tích phương Tây và các chuyên gia chính trị Ai Cập đặt câu hỏi liệu quân đội hùng mạnh có sẵn sàng chia sẻ quyền lực với người dân.

Theo báo New York Times, trong hơn hai tuần qua quân đội Ai Cập đã chơi trò hai mặt. Hai nhân vật quan trọng nhất trong Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang là ông Tantawi và trung tướng Sami Hafez Enan xuất hiện trên đường phố, trò chuyện với người biểu tình, tỏ dấu hiệu quân đội không ủng hộ ông Mubarak.

Nhưng cùng lúc, quân đội tỏ thái độ hờ hững với những hành vi bạo lực của chính quyền và chấp nhận cam kết cải tổ của ông Mubarak cho đến khi ông này hết cửa và phải ra đi. Khi đó, bảo vệ vị thế của quân đội có lẽ quan trọng hơn việc ủng hộ một tổng thống già nua và suy yếu.

Nguyên nhân là quân đội Ai Cập sẽ thiệt hại nặng nề về cả kinh tế lẫn chính trị nếu các cải tổ dân chủ thật sự được áp dụng tại nước này. Trong ba thập niên ông Mubarak nắm quyền, quân đội Ai Cập nắm giữ quyền lực lớn lao và các thành viên của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

Hơn nữa, nếu một chính quyền dân chủ, độc lập áp dụng các chính sách ít thân Mỹ, quân đội Ai Cập sẽ mất nguồn viện trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ. Ước tính mỗi năm quân đội Ai Cập nhận tới 1,3 tỉ USD viện trợ từ Mỹ.

Những dự báo

Một số nhà quan sát phương Tây dự báo có thể quân đội Ai Cập sẽ xây dựng một cơ cấu chuyên quyền và chỉ trao cho các lực lượng đối lập một chút quyền lực mang tính hình thức. “Ai Cập chưa tiến đến dân chủ mà đang rơi vào tình trạng thiết quân luật – Reuters dẫn lời chuyên gia John Alterman của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế nhận định – Hướng đi tương lai của đất nước này là điều còn chưa rõ ràng”.

Người dân Ai Cập sẽ làm gì nếu quân đội muốn chuyên quyền? Ông Ahmed Sleem, nhà tổ chức nhóm đối lập của ông ElBaradei, trả lời một cách giản dị: “Chúng tôi biết đường đi đến quảng trường Tahrir (địa điểm trung tâm của các cuộc biểu tình ở Cairo)”. Theo ông Amre Moussa – tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, để đi đúng hướng, Ai Cập cần tổ chức bầu cử tự do từ 6-7 tháng tới. Đó là một nhiệm vụ đầy phức tạp. Mới đây Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh với quân đội Ai Cập rằng chỉ có dân chủ thật sự mới thỏa mãn người dân nước này.

Vai trò của Mỹ với một Ai Cập mới

Trong suốt thời gian người dân Ai Cập biểu tình, Mỹ đã tỏ thái độ ngập ngừng, quanh co do không muốn mất đi một đồng minh quan trọng ở Trung Đông như ông Mubarak, nhưng cũng không thể không ủng hộ những kêu gọi đòi tự do chính trị và dân chủ. Theo báo Wall Street Journal, trong suốt 18 ngày qua, lãnh đạo quân đội Mỹ đã liên hệ chặt chẽ với quân đội Ai Cập.

Báo này cho biết các quan chức Mỹ kỳ vọng quân đội Ai Cập sẽ đóng vai trò tích cực trong việc duy trì ổn định xã hội ở Ai Cập và hình thành một nhà nước dân chủ, cũng như ngăn chặn Tổ chức Anh em Hồi giáo hay các nhóm Hồi giáo khác giành quyền kiểm soát. “Quân đội Ai Cập sẽ phải đứng vững và tạo ra một chính phủ chuyển tiếp trong những tháng tới” – Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ.

Tạp chí Time dẫn lời một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ chính quyền Mỹ sẽ hỗ trợ việc phát triển các đảng phái chính trị ở Ai Cập để ngăn chặn nguy cơ một nhà độc tài mới lên nắm quyền hoặc tình trạng hỗn loạn chính trị. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang chuẩn bị một gói hỗ trợ các tổ chức đối lập Ai Cập, được thiết kế để hỗ trợ cải tổ hiến pháp, phát triển dân chủ và tổ chức bầu cử.

HIẾU TRUNG

 ————————————

* Tin bài liên quan:

>> Tổng thống Mubarak từ chức
>> Ai Cập: Tổng thống chuyển giao quyền lực nhưng không từ chức
>> Ai Cập: quân đội có thể sẽ can thiệp
>> Ai Cập: biểu tình bước sang ngày 16
>> Người biểu tình Ai Cập tăng sức ép lên Tổng thống Mubarak
>> Ai sẽ là tổng thống tiếp theo của Ai Cập?
>> Ai Cập: Đảng cầm quyền “tái cơ cấu”
>> Ông Mubarak và gia đình rời khỏi Cairo

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.