Tuyển nữ Việt Nam giữ “vàng” SEA Games cách nào?

(Dân trí) – Với tư cách đội ĐKVĐ, nhiệm vụ của thầy trò HLV Trần Vân Phát năm 2011là bảo vệ tấm HCV ở SEA Games 26 (Indonesia). Được đánh giá vượt trội về kinh nghiệm, nhưng chỉ tiêu giữ ngôi của tuyển nữ Việt Nam sẽ chẳng dễ khi hàng loạt trụ cột giã từ sân cỏ.

Đặt niềm tin vào bộ khung trẻ

 

HLV Trần Vân Phát quyết định sát cánh cùng tuyển nữ Việt Nam trong cuộc hành trình bảo vệ ngôi Vô địch SEA Games là thuận lợi lớn với BĐVN. Khả năng hiểu biết cặn kẽ, sâu rộng về bóng đá nữ khu vực, cùng tài lựa chọn chiến thuật cho từng hoàn cảnh của ông thầy người Trung Quốc sẽ giúp tuyển Việt Nam có nhiều cơ hội thành công trên đất khách.

 

Đẳng cấp cầm quân của ông Phát là điều chẳng cần phải kiểm nghiệm thêm, nhưng những người làm bóng đá đều hiểu rằng nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV đang sở hữu là chỉ tiêu chẳng hề dễ dàng với tuyển Việt Nam, ngay cả khi chúng ta luôn được đánh giá vượt trội về kinh nghiệm trận mạc và tinh thần thi đấu.

 

 Bảo vệ tấm HCV là nhiệm vụ không dễ cho tuyển Việt Nam – Ảnh: Mạnh Hoàng
 

So với lúc tuyển nữ Việt Nam đăng quang tại Lào cách đây gần 2 năm (2009), hàng loạt trụ cột đã chia tay đội tuyển để chuẩn bị cho mình một tương lai mới như: Văn Thị Thanh, Đoàn Thị Kim Chi, Đào Thị Miện, Mai Lan…những gương mặt thuộc thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam, là những người giữ vai trò “xương sống” trong lối chơi suốt nhiều năm qua.

 

Buộc phải chia tay với hàng loạt cầu thủ chủ lực, HLV Trần Vân Phát sẽ phải đặt niềm tin và chờ đợi lứa kế cận sẽ tiến bộ để lĩnh nhận nhiệm vụ giữ ngôi “hậu” tại SEA Games 26. Lường trước những khó khăn sắp đối mặt ở Indonesia, trong năm 2010 ông thầy người Trung Quốc dành cả Á vận hội để thực hiện thử nghiệm về nhân sự, giúp các cầu thủ trẻ tôi luyện thêm kinh nghiệm trước những đối thủ mạnh hàng đầu châu lục.

 

Nhờ mạnh dạn thực hiện thử nghiệm, tuyển nữ Việt Nam đã tìm ra được nhiều gương mặt triển vọng hứa hẹn lấp đầy những khoảng trống do lứa đàn chị để lại trong đội hình như: Lê Thị Thương, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Muôn, Ngọc Anh, Nhiêu Thùy Linh, Nguyễn Minh Nguyệt, Huyền Linh. Bên cạnh đó, là sự phục vụ của một số cựu binh từng giành HCV năm 2009 là Kim Hồng, Kiều Trinh, Kim Tiến, Bùi Thị Phượng…

 

Qua các trận đấu tại ASIAD 16, những cầu thủ được trao cơ hội đều cho thấy rõ sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn và cả bản lĩnh thi đấu. Để giữ vững thành tích mà lứa đàn chị đã giành được là nhiệm vụ không dễ khi Thái Lan, Myanmar, Indonesia đều có sự đầu tư mạnh mẽ. Nhưng cơ hội hiện thực hóa mục tiêu vẫn rộng mở cho tuyển Việt Nam, nếu HLV Trần Vân Phát tìm ra công thức phù hợp giúp các nữ tuyển thủ phát huy tối đa bản lĩnh trận mạc.

 

Rèn luyện bản lĩnh những chuyến “xuất ngoại”
 

 Các nữ cầu thủ Việt Nam có nhiều cơ hội “thử lửa” trước SEA Games – Ảnh: Thục Linh
 

Xác định rõ những khó khăn và rủi ro đang chờ đón ở chu kỳ chuyển giao thế hệ, trong những ngày đầu năm 2011, lãnh đạo VFF và HLV Trần Vân Phát đã sớm lên kế hoạch tập trung, tập huấn để đội tuyển nữ Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất cho cuộc hành trình giữ “vàng” tại SEA Games 26.

 

Thầy trò HLV Trần Vân Phát sẽ có ít nhất 2 đợt tập huấn tại Đài Loan (Trung Quốc) và Nam Ninh (Trung Quốc), xen kẽ vào là những chuyến tích lũy thể lực ngắn ngày tại Tam Đảo, Trung tâm Thành Long (TP.HCM). Trước khi lĩnh nhận mục tiêu giữ “vàng” trên đất Indonesia, tuyển Việt Nam sẽ trải qua những đợt “thử lửa” quý giá tại vòng loại môn bóng đá nữ Olympic London 2012 với một số đối thủ mạnh.

 

Olympic London có thể là sân chơi vượt tầm đối với bóng đá nữ Việt Nam, nhưng các trận vòng loại này lại là cơ hội thuận lợi để HLV Trần Vân Phát thực hiện những thử nghiệm nhân sự – lối chơi, từ đó tìm ra những miếng đòn sắc bén cho cuộc chiến giữ ngôi “vua” Đông Nam Á.

 

Ngọc Quỳnh

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.