Ba áp đặt, con chán nản

TT – Hiện nay có những bạn trẻ cô độc trong chính ngôi nhà của mình, hay nói khác đi sự thiếu dân chủ trong mối quan hệ giữa ba mẹ và con cái dần dẫn tới những khó khăn cho sự phát triển tâm lý của bạn trẻ.

Ba áp đặt, con chán nản

M.A. có ba là một nhà kinh doanh thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mẹ là cán bộ ngành thuế, chị gái đang làm việc cho một quỹ đầu tư của nước ngoài. Trong gia đình M.A. mọi người ít có thời gian nói chuyện hay chia sẻ với nhau, ngay đến việc ăn cơm chung cũng không có.

Quyết định mọi vấn đề trong gia đình chỉ toàn là mệnh lệnh của ba.

Mất hứng đi du học

Ngay từ nhỏ M.A. đã thích trở thành một nhà nghiên cứu về công nghệ hóa, sức học của em chắc chắn thi đậu ngành học mình yêu thích, em lại rất giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, khi học hết phổ thông, ba mẹ M.A. nhất quyết bắt em phải sang Mỹ du học về ngành công nghệ thông tin hoặc quản trị kinh doanh. Em phải lựa chọn công nghệ thông tin tại Mỹ mà không hề thích thú và mong muốn.

Khoảng cách gần

Cha mẹ và con cái cần có một khoảng cách đủ gần để có thể chia sẻ và lắng nghe nhau như những người bạn.

Điều đó giúp các em bộc lộ những khó khăn mà mình phải trải qua, giúp những người trong nhà hình thành các kỹ năng kiểm soát những cảm xúc khó khăn của bản thân.

Sang đất khách quê người du học, M.A. càng cảm thấy cô đơn, chán nản, mệt mỏi và không có hứng thú cũng như định hướng học tập. Em không ăn chơi đua đòi, suốt ngày cắm đầu vào các trò chơi máy tính.

Môi trường một mình thuận tiện, lại học ngành suốt ngày sử dụng máy tính, cộng thêm sự chán nản, cô đơn, kém kiểm soát bản thân, M.A. có triệu chứng nghiện Internet, học hành sa sút, các mối quan hệ bị khủng hoảng.

Ba em phải bay sang Mỹ đưa em về Việt Nam và cho em học hệ tại chức một trường đại học, vẫn ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về Việt Nam em vẫn khó tập trung học tập, vẫn nghiện Internet và khó thoát khỏi nó, cần phải điều trị phục hồi một thời gian dài.

Định tự tử

H.A., nữ sinh một trường trung học phổ thông tại Biên Hòa, đến với chúng tôi do luôn cảm giác lo sợ, chán nản, mất định hướng, hay cáu gắt với những người xung quanh. Em được mẹ đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý sau khi định lấy dây tự tử. Đây là một trường hợp có dấu hiệu trầm cảm kèm theo những rối loạn cảm xúc ở lứa tuổi học sinh.

H.A. có mẹ buôn bán nhỏ, bố chạy xe ôm. H.A. có hai em, một gái và một trai, đời sống kinh tế gia đình trung bình so với những người xung quanh nơi em ở. Mẹ H.A. là người nhẫn nhục, cam chịu, có nhiều khó khăn về cảm xúc.

Bố em là người cực kỳ gia trưởng, hay uống rượu và đánh mắng vợ con. H.A. cho rằng mình sống trong gia đình mà như địa ngục, tuổi mới lớn mà em không thể bộc lộ hay chia sẻ suy nghĩ của mình với bố hay mẹ.

Em thậm chí còn thường xuyên bị bố đánh mắng, áp đặt những suy nghĩ gia trưởng đối với em. Sự xúc phạm càng tăng lên, thậm chí bố còn đánh mắng em trước mặt bạn bè.

Không lắng nghe nhau

Tiếp cận một trường hợp có những khó khăn tâm lý thường phải tìm hiểu đa nguyên nhân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là rất nhiều trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên có các biểu hiện của rối loạn hành vi và cảm xúc do thiếu hụt sự chia sẻ, yêu thương và dân chủ trong gia đình.

Hai trường hợp trên chỉ là số ít trong số những thân chủ mà tôi đã trực tiếp làm việc.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự uy quyền quá mức, ở Việt Nam thường gọi là sự gia trưởng của người cha, sự thiếu chia sẻ, động viên của người mẹ cũng có thể là một nguy cơ ly tán gia đình.

Việc thiếu dân chủ và không có sự lắng nghe lẫn nhau sẽ là cơ hội để con cái hay mỗi thành viên trong gia đình bộc lộ những khó khăn của mình bằng nhiều cách tiêu cực khác nhau, như nghiện Internet, chống đối xã hội, hay dồn nén và bộc lộ thành những rối loạn cảm xúc như trầm cảm, lo âu, phân ly…

Lứa tuổi thanh thiếu niên là lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý một cách chóng mặt. Sự thay đổi quá nhanh về tâm sinh lý, sự muốn khẳng định cái tôi của các em làm cha mẹ cảm thấy mất mát lớn và khó khăn trong việc theo kịp những diễn biến cảm xúc và hành vi của các em.

Chính vì thế, nếu không chuẩn bị kịp những kiến thức và kỹ năng khi nói chuyện hay hành xử với con mình, cha mẹ cũng sẽ bị sốc và vô hình trung ta ngày càng sa vào chuyện cấm đoán, gia trưởng với các em. Điều đó càng tạo nên mối quan hệ rạn nứt và xa lạ lẫn nhau, nếu không kiểm soát tốt các em có thể dẫn tới những rối loạn hành vi và cảm xúc ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

LÊ MINH CÔNG (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.