Trấn an du học sinh trong dư chấn

TT – Đang ở Nhật trong thời khắc của những cơn dư chấn nhưng Nguyễn Quang Hưng lúc nào cũng chỉn chu với cặp sách công chức trên tay. Gương mặt sẵn sàng mỉm cười, đôi mắt nhìn vào máy tính khi một bản tin báo phóng xạ hay động đất rung lên.

Trấn an du học sinh trong dư chấn

Nguyễn Quang Hưng xin đi nhờ xe lên các tỉnh thuộc khu vực Tohoku bị sóng thần để hỗ trợ du học sinh Ảnh: LAN PHƯƠNG

Những ngày thảm họa sóng thần xảy ra ở Nhật, hàng trăm du học sinh và người lao động đã tìm cách chạy để thoát khỏi Nhật Bản. Nhưng ngay cả sau khi sóng thần xảy ra, vẫn tiếp tục có những gia đình du học sinh vì quá lo lắng cho con cái đã mua vé máy bay và ép buộc con mình về nước.

Và cũng trong những thời khắc khó khăn đó, Nguyễn Quang Hưng như một người ruột thịt, một người bạn lo lắng cho hầu hết những ai xung quanh anh có thể lo lắng được.

Hãy ở lại Nhật

“Ba mẹ tớ thì nghe tớ giải thích, nhưng những người quen của ba mẹ ai cũng lo lắng tớ ở Nhật có thể bị sao đó. Thế là tớ nói mẹ gọi tất cả mọi người tập trung lại, tớ điện thoại về cho mọi người nghe tiếng nói của tớ, giải thích hết để mọi người yên tâm.” – Hưng chia sẻ về cách mình đã làm khi những thông tin sóng thần, động đất, chết người, sập nhà… liên tục dồn đuổi nhau trên các bản tin truyền hình và báo in mà cha mẹ ở nhà có thể xem được.

Hưng lý giải: “Tụi mình học ở Tokyo, quá xa khu vực bị sóng thần và động đất. Đúng là ở đây có mất điện, tàu điện bị dừng… nhưng chỉ vài ngày sau mọi thứ lại như cũ. Có sao đâu”.

Những lời giải thích của riêng Hưng đơn giản hơn rất nhiều so với những gì ngay sau đó anh phải làm với bạn bè, với những sinh viên trong nhóm du học sinh cùng Trường Đông Du.

Ngay sau khi thảm họa, Hưng và các thành viên của diễn đàn dongdu.org cùng nhau cập nhật tình trạng của bạn bè, người thân mình qua điện thoại và triển khai ngay một biểu đồ trên mạng cho mọi người tưởng tượng rõ hơn về các khu vực liên quan đến thảm họa cùng mức độ ảnh hưởng.

Ngay khi thông tin về sóng thần được đưa lên báo chí, Hưng cùng ba người bạn nữa trong nhóm Đông Du triển khai kế hoạch hành động tổng thể, giúp đỡ và trấn an các nhóm du học sinh mới sang (vốn còn yếu tiếng Nhật và hoang mang nhiều nhất).

Liên lạc với các nhóm du học sinh ở từng vùng bị ảnh hưởng, tạo mạng lưới cập nhật tin tức tất cả bạn bè họ quen biết trong khu vực cùng học tập.

Hưng và bạn bè anh phải liên tục dặn dò các bạn học sinh đang kẹt ở vùng bị cô lập phải có đồ ăn, phải chuẩn bị sẵn trường hợp cần di tản khẩn cấp, phải liên tục giữ liên lạc với anh và những người thông tin ở Đông Du. Hưng liên tục trả lời các cuộc điện thoại như tin phóng xạ thế nào, làm sao mua được vé máy bay về VN, có thêm động đất không…

Nhiệm vụ tự nguyện ấy đã làm Quang Hưng, ngay cả trong những ngày tất bật với công việc của mình, lúc nào cũng phải ôm kè kè điện thoại và máy tính trong tay, đọc báo liên tục và dịch ngay các bản tin khẩn cấp đưa lên diễn đàn cho các bạn sinh viên nắm được.

Hưng nhận ra thảm họa với nhiều thông tin bị nhiễu loạn và gây ra một cuộc tháo chạy hoàn toàn dựa trên một nỗi sợ mơ hồ từ lời truyền miệng.

Khi một nhóm sinh viên ở Morioka, tỉnh Miyagi, gọi điện hỏi Hưng có nên đi về không, anh đã mạnh dạn dặn dò họ: “Nếu là tớ sẽ không về. Khu vực của các bạn không có sóng thần, nhưng hãy chú ý luôn chuẩn bị sẵn đồ đạc để di tản khi có lệnh của chính phủ”.

Nghe lời anh, nhiều sinh viên đã không tháo chạy trong những giờ phút mà tất cả mọi người đều đổ xô thoát khỏi Nhật Bản. Vài ngày sau đó, khi đang trò chuyện với chúng tôi, cũng chính những sinh viên ở Morioka đã gọi điện cho Hưng báo rằng thành phố đã có xe buýt, nhà còn nhiều đồ ăn, mọi thứ gần như bình thường trở lại.

Trấn an cả phụ huynh

Không chỉ với bạn bè, đôi khi Hưng còn phải điện thoại với cả phụ huynh của các bạn để họ hiểu rằng con em mình không cần về vì tình hình đã an toàn và còn nhiều nhiệm vụ khác phải hoàn thành ở Nhật.

Hưng bày tỏ: “Đọc báo, nhiều người cứ loạn lên vì tưởng thảm họa đến ngay chỗ người thân mình ở. Nhưng thực tế đâu có như vậy, thành phố Sendai có mất điện, mất nước, mọi người phải xếp hàng mua thực phẩm, nhưng ở đấy không có thảm họa, không có sóng thần. Còn khu vực Tohoku (vùng có Sendai và Miyagi -PV) là khu vực động đất nhiều như cơm bữa ở Nhật chứ đâu riêng gì lần này”.

Những ngày cùng Hưng đến vùng thảm họa sóng thần, chỉ cần nghe tin trên đài báo có loại rau và sữa nhiễm phóng xạ là Hưng lập tức phải vừa kiểm tra tin chi tiết trên báo, nghe giải thích của nhà khoa học trên truyền hình Nhật Bản, vừa chép tay tóm tắt thông tin và phải viết ngay một bài tổng hợp trên diễn đàn của Đông Du, giúp các du học sinh có thông tin đầy đủ để lựa chọn phản ứng trước mọi việc.

Đôi khi ngay lúc ấy anh còn nhận được nhiều cuộc điện thoại thắc mắc bất an xung quanh những sự kiện báo chí vừa đưa. Lúc ấy Hưng phải dừng lại và giải thích chi tiết, cặn kẽ và kiên nhẫn, vì có khi cả chục cuộc điện thoại gọi đến anh phải trả lời một câu giống nhau.

Vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc từ Học viện Kỹ thuật Tokyo, Quang Hưng đang học tiếp thạc sĩ tại khoa điện – điện tử.

Sáu năm du học ở Nhật cũng là chừng ấy thời gian anh gắn bó với tập thể sinh viên đi ra từ Trường Nhật ngữ Đông Du ở Việt Nam – những người đã nâng đỡ Hưng và nhiều bạn bè khác khi vừa chân ướt chân ráo sang Nhật, là hình ảnh trìu mến nhất anh giữ trong tâm hồn suốt sáu năm qua.

Vì điều đó, Nguyễn Quang Hưng đã nhận vào mình một trách nhiệm tự nguyện với cuộc sống và cả sự bình an của những du học sinh khi họ qua Nhật bắt đầu một cuộc sống mới.

Một trách nhiệm bền bỉ và tự nhiên như tình yêu với nước Nhật, cả khi những cơn dư chấn qua đi.

LAN PHƯƠNG

Đi ngang vùng sóng thần và ở lại

Đó là lựa chọn của ông Takahashi Nobuyuki, trưởng một trại lánh nạn mà phóng viên  Tuổi Trẻ gặp ở Ishinumaki. Trại lánh nạn cho 150 người trong ngôi trường trung học Ishinumaki của ông Takahashi chẳng có không khí ảm đạm, đau buồn, mà mọi người lúc nào cũng tất bật một cách có trật tự với công việc của mình.

Phóng viên Lan Phương (trái) và ông Takahashi Nobuyuki trong trại lánh nạn với 150 ngườiẢnh: CTV

Ông Takahashi cũng chẳng phải là người lánh nạn tại Ishinumaki. Khi có việc từ Sendai đến nơi này thì sóng thần xảy ra. Sự thảm khốc và tình trạng nguy kịch của người dân nơi đây chỉ khiến ông suy nghĩ một điều: “Ở đây, mỗi người phải có một nhiệm vụ gì đó” và quyết định ở lại nhận trách nhiệm của một trưởng trại.

Đầu tiên, ông biến một khoảng trống bên hông khu người dân xếp giường ngủ thành một sân chơi cho trẻ em. Sân chơi chỉ là một tấm thảm trải rộng cho ấm. Ban ngày, 18 đứa trẻ của trại sẽ chơi ở khu ấy, không chạy nhảy hoặc xô đẩy vào việc của người lớn.

Mỗi ngày, tự ông nghĩ ra một trò chơi hoặc trò xếp giấy nào đó dạy các em nhằm không ảnh hưởng đến công việc chung của toàn trại. Giờ học bài, đọc sách, ăn trưa của các em cũng được dán kỹ lưỡng lên bức tường bên hông. Giờ ăn trưa, chính các em nhỏ phải cùng với những phụ nữ bưng phần ăn đến chia cho mọi người.

“Các em học về cách phân chia công bằng với mọi người, ngay cả lúc khó khăn nhất!” – một bà mẹ xoa đầu con trai mình khi thằng bé đang đếm số chai nước và cơm nắm cho một bà cụ yếu không thể đi nhận đồ ăn được.

Phụ nữ nấu ăn. Thanh niên khỏe mạnh làm những công việc nặng hơn, như đi lấy nước uống, cọ rửa nhà vệ sinh, và nhất là các việc ngoài trời như phụ lực lượng phòng vệ nấu ăn hay hướng dẫn các đoàn xe công tác đến đậu đúng chỗ không cản trở mọi người đi lại. Những người già yếu có thể nghỉ ngơi hoặc dạy bọn trẻ tập đọc khi có thể.

Ngày đầu tiên, khi 150 người từ dưới cảng Ishinumaki được đưa về đây lánh nạn, ở trại đã xảy ra một cuộc tranh cãi nảy lửa. Hôm đó, nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima nổ. Chính phủ đưa ra cảnh báo người dân không nên ra ngoài.

Lúc đó ở trại đã có người coi đó là chuyện ngớ ngẩn, phản đối lệnh không ra ngoài ngày hôm đó của trại. Vài người khác hùa theo nên cãi lại.

Ông Takahashi đã tập hợp tất cả mọi người lại để cùng nói về chuyện đó. Cuối cùng, khi mọi người đưa ra hết ý kiến của mình, ông bảo mọi người hãy biểu quyết bằng cách vỗ tay. Ngày hôm đó, cuộc tranh cãi vốn có thể làm mất đoàn kết cả trại trong những ngày sau này đã được đầu óc tổ chức nhanh nhẹn của ông giải quyết ngay lập tức.

Ông Takahashi cho biết: “Đông người thế này, mọi người cần phải có việc làm để không nảy sinh những vấn đề phức tạp. Khi mọi người đã xong việc của mình và rảnh một chút, tôi đề nghị họ cùng chung tay ngồi xếp 1.000 con hạc giấy. Cầu nguyện cho những người đã mất cũng là một công việc rất ấm áp và quan trọng”.

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.