10 năm chuyên nghiệp

TT – Ông chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia bảo rằng “nhiều người (cầu thủ, HLV, lãnh đạo CLB) luôn tìm cách đổ vấy trách nhiệm về phía người cầm cân nẩy mực” để giải thích cho những hình ảnh không đẹp trên sân cỏ V-League.

Bình luận

10 năm chuyên nghiệp


Tuy nhiên tôi từng tiếp xúc nhiều cầu thủ và họ nói ngược lại: “Chúng tôi tập luyện, thi đấu mệt nhọc nhưng lại gặp phải những quyết định vớ vẩn của trọng tài (có thể do năng lực hạn chế và cũng có thể có vấn đề về đạo đức) thì làm sao bình tĩnh được. Trọng tài luôn bảo họ là con người nên đôi lúc cũng sai sót thì cầu thủ cũng là những con người chứ không phải thánh để cắn răng chịu đựng mãi những bất công! Thậm chí có người còn nói: Nếu trọng tài không có vấn đề thì làm sao có định nghĩa tếu về bóng đá: đó là cuộc thi tài của 22 con người, song phân định thắng thua lại do một người là trọng tài”!?

Ngay “chiếc còi vàng” Dương Văn Hùng mới đây cũng tâm sự trên một tờ báo, một trong những sự cố khiến ông buồn nhất về các đồng nghiệp là câu chuyện “bẻ còi” trên sân Long An trong trận Đồng Tâm Long An – Đà Nẵng. Một bàn thắng phạm luật việt vị rất rõ, rất dễ nhận biết vậy mà trọng tài lại công nhận khiến “HLV Huỳnh Đức phải dạy cho trọng tài biết về luật”. Sau đó, trọng tài đã “bẻ còi” hủy bàn thắng, dẫn đến phản ứng của Đồng Tâm Long An!

Những mâu thuẫn giữa trọng tài với cầu thủ còn kéo dài dài, và có lẽ chỉ chấm dứt khi trên thế gian không còn trò chơi đá bóng!

Tuy nhiên, câu chuyện hôm nay chúng tôi không bàn đến chuyện trọng tài đúng hay cầu thủ đúng. Điều muốn nói ở đây là một chuyện ai cũng thấy rõ mồn một: bóng đá VN ngày càng thiếu văn hóa. Cầu thủ thì đốn nhau như kẻ thù. Rồi cầu thủ gây hấn với trọng tài. Trọng tài đôi co với cầu thủ. Ngay các HLV cũng nhảy chồm chồm mắng trọng tài…

Bóng đá VN đi vào con đường gọi là chuyên nghiệp đúng mười năm. Đáng buồn thay, cái hay cái lợi thì mới thấy chút chút nhưng cái xấu đầy rẫy. Tôi chợt nhớ đến một phát biểu của ông Lê Bửu đưa ra khi bóng đá VN bắt đầu theo con đường chuyên nghiệp: “Cứ có mớ tiền của các doanh nghiệp giúp cầu thủ thu nhập cao, rồi thuê mấy anh tây đen, tây trắng là người ta bảo đó là bóng đá chuyên nghiệp. Thiệt là tầm bậy…”. Sau mười năm làm bóng đá chuyên nghiệp, đến giờ thì nhân tài vẫn khan hiếm (hiếm hơn cả ngày xưa chưa chuyên nghiệp), trọng tài vẫn yếu kém, người điều hành cũng chẳng khá hơn lớp cũ, khán giả ngày càng thưa thớt…

Ngay cả chuyện thuê cầu thủ ngoại để mong họ là tấm gương cho nội binh học hỏi thì hóa ra họ truyền nghề chơi bời lẹ hơn nghề đá bóng. Nghĩ cũng phải thôi, khi trong mấy trăm anh chàng nước ngoài đã từng và đang thi đấu tại V-League, số có tài và có đạo đức như Kiatisak có lẽ đếm trên đầu ngón tay.

Mười năm, càng nghĩ càng ngao ngán cho chuyên nghiệp…

TRƯỜNG HUY

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.