Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

(Dân trí) – Tháng 9/1970, vị Tổng thống bù nhìn chính quyền Sài Gòn – Nguyễn Văn Thiệu đã có một lần thoát chết trước nòng súng của nữ du kích Trịnh Thị Thanh Mão. Hiện chị Mão đang ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Chuyện xảy ra tại một làng quê heo hút bên con dòng sông Thạch Hãn của 41 năm về trước. Nhưng đến nay ký ức của những năm kháng chiến oanh liệt vẫn in đậm trong tâm chí người nữ du kích năm nào. Đến bây giờ mỗi khi nhớ lại, quá khứ lại hiện về đầy ly kỳ và xúc động.

Ký ức hào hùng

Chiến tranh đã đi qua nhưng những ký ức của cuộc chiến tranh tàn khốc vẫn còn mãi.

Chúng tôi thăm nhà chị vào những ngày cuối tháng tư trên mảnh đất lửa Quảng Trị. Lúc chúng tôi đến nhà, chị đang vào bếp chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc để đón tiếp những đồng đội năm xưa đã cùng vào sinh ra tử đang vào thăm lại chiến trường nhân dịp 30/4. 

Trong ngôi nhà khá rộng rãi và ngăn nắp, chị thắp lên nén nhang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh. Và câu chuyện của hơn 40 năm về trước lại ùa về.

Chị rớt nước mắt nói về những đồng đội đã hi sinh và câu chuyện đã qua của mình

Sinh ra trong tại một làng quê nghèo của Quảng trị nơi có bề dày về truyền thống cách mạng, gia đình chị Mão có 4 anh chị em, 1 trai, 3 gái. Bố tham gia cách mạng bị địch bắt tra tấn dã man và hy sinh. Nỗi đau mất cha, nhân dân bị áp bức, đất nước bị chà đạp đã thôi thúc người con trai tuổi còn trăng non xung phong theo bộ đội giết giặc.

Nợ nước, thù nhà phải trả. Năm 1964, khi đó chỉ mới 14 tuổi, chị đã quyết định tiếp bước bố và anh trai đi theo con đường cách mạng. Chị tham gia Đội thiếu niên An ninh mật làng Hà Xá và được giữ chức vụ Đội trưởng. Đội hoạt động trên địa bàn hết sức nguy hiểm, phức tạp; ban ngày là địch chiếm đóng càn quét, ban đêm là lực lượng cách mạng của ta bí mật về hoạt động.

Những ngày đầu tham gia cách mạng, dù tuổi đời còn trẻ song bằng mưu trí, sự khôn khéo, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lúc chị cải trang thành đứa trẻ chăn trâu, đứa cắt cỏ thuê để bí mật chuyển vũ khí, thuốc men vào căn cứ cách mạng; khi chị hóa thân vào làm người bán hàng rong trà trộn vào lòng địch cài bom hẹn giờ nổ đánh xe, tiêu diệt địch…

“Lợi dụng tình hình địch không để ý đến trẻ con nên mình dùng những hội viên nhỏ chơi các trò chơi dân gian để tiếp cận địch, nghe ngóng động tĩnh của địch sau đó báo về cho cán bộ của ta. Nhờ vậy mà mình biết được ý đồ của địch từ đó có những phương pháp tác chiến hiệu quả” – chị Mão chia sẻ.

Không lâu sau, Đội thiếu niên An ninh Hà Xá từng bước lập những chiến công vang dội. Tiêu biểu như lần đội đánh cháy 4 xe của địch trong đó có 3 xe chở vũ khí, quân trang; 1 xe của viên quận trưởng Hương Trà. Đặc biệt tự tay chị đánh cháy 2 trong 4 xe của địch. Từ đó Đội thiếu niên An ninh Hà Xá đã tạo được cơ sở cách mạng vững chắc và lòng tin cho nhân dân cùng chiến đấu. Đến năm 18 tuổi chị vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.


Chị Mão (phải, cầm súng) những năm chiến tranh

Nằm trong lòng địch

Năm 1969, Bác Hồ kính yêu qua đời, một buổi lễ truy điệu Bác được tổ chức tại thôn Hà Xá. Để qua mắt địch, ta đã ngụy trang dưới hình thức một buổi lễ cầu an cho nhân dân. Buổi lễ diễn ra thật trang nghiêm trong sự có mặt nhân dân làng Hà Xá, trong đó có cả quân nhân Sài Gòn cũng có mặt rất đông.

Đúng giây phút thiêng liêng ấy ông Trịnh Cách – Hội chủ của làng – khấn vái xong, giới thiệu ông Hà Tồ lên tuyên bố lý do buổi lễ. Tất cả mọi người đều đứng dậy rất chỉnh tề chuẩn bị làm lễ, bất ngờ ông Hà Tồ tuyên bố: “Lễ truy điệu Bác Hồ, một phút mặc niệm bắt đầu”. Bị lừa một cú đau, ngụy quyền lồng lộn như con hổ giữ. Sau lần đó, qua những tên tay sai, chúng đã bắt và giết nhiều chiến sĩ của ta. Chị Mão cũng nằm trong số đó. Chị đã bị bắt ở tù 1 năm. Địch đã dùng mọi biện pháp tra tấn dã man nhưng chị kiên quyết không khai.

“Lúc bị bắt tôi 19 tuổi nhưng phải khai xuống 16 tuổi để chúng tha nhưng chúng vẫn dùng mọi biện pháp tra hỏi nhưng một mực tôi không khai, cuối cùng bọn chúng phải trả tự do” – chị nói.

Ra tù chị không liên lạc được với cán bộ của ta nên cũng rất lo lắng. Nhưng đáng sợ hơn, vừa ra tù, chị đã bị quân địch giao nhiệm vụ làm trung đội Phó lực lượng Nhân dân ở địa phương. Thời điểm này địch mở rộng cuộc càn quét, thực hiện chiến dịch 3 sạch: “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch”. Nhiều cơ sở cách mạng của ta bị phá vỡ, các chiến sĩ cách mạng bị bắt và giết. Không còn lựa chon nào khác cuối cùng chị đành nhận nhiệm vụ địch giao với ý nghĩ nung nấu sẽ lợi dụng để phục vụ cách mạng.

“Khi đó không còn con đường nào khác để thoái thác. Tôi nhận được súng nên sẵn súng đạn trong tay tôi bí mật rải truyền đơn, cài mìn nổ để cho dân tin là cách mạng vẫn ở đâu đó. Mỗi lần mình làm vậy, địch hoang mang tưởng là quân ta đang ở đây nên bọn chúng chỉ dám hoạt động ban ngày, ban đêm không tên nào dám lai vãng” – chị kể.

Chị Mão hoạt động trong lòng địch để giúp bộ đội

Gần 3 tháng sau khi ra tù chị mới liên lạc được với cán bộ của ta. Chị được bầu làm Thị ủy viên xã Quảng Hà. Chị vừa nằm trong lòng địch vừa hoạt động bên phe ta. Sau này chị được lực lượng an ninh Quảng Hà giao cho nhiều trọng trách quan trọng như đưa đón những chiến sĩ biệt động thành của ta dưới dạng thầy tu, sinh viên, thương gia… để vào nội thành hoạt động tìm cơ hội tiêu diệt địch.

Đến câu chuyện ám sát Nguyễn Văn Thiệu

Những năm hoạt động cách mạng, có một kỉ niệm mà chị không bao giờ quên là lần ám sát hụt Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Năm 1970, tại trường tiểu học thôn Bồ Bản, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, quân đội và chính quyền ngụy Sài Gòn tổ chức khánh thành hệ thống “ấp chiến lược” và bình định nông thôn. Theo thông tin của ta tham dự buổi lễ sẽ có nhiều quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn. Lúc đó chị cùng hai đồng chí là anh Thành và chị Hạnh có nhiệm vụ ám sát tên quận trưởng Ấm và chị là người nổ súng; hai đồng chí ở vòng sau yểm trợ nếu có gì bất trắc.

Nhưng trước buổi lễ, một nguồn tin mật báo về trong buổi lễ ngày hôm đó sẽ có Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về dự lễ. Từ trước ngày hôm đó quân địch ồ ạt về làng Bồ Bản bảo vệ Thiệu.

“Lúc đó tôi với tư cách là Trung đội phó lực lượng Nhân dân tự vệ cũng được điều động về hành binh danh dự. Quân địch sẽ không chú ý nên tôi nghĩ cơ hội thành công rất lớn” – chị cho biết. Cơ hội đã đến. Trước ngày ám sát Tổng thống Thiệu, chị chuẩn bị chu đáo, mọi vị trí đã được bố trí sẵn sàng hành động.

Cuối cùng giây phút chờ đợi đã đến. Tổng thống Thiệu xuất hiện trong bộ comple màu xám tro bước lên lễ đài dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của cảnh sát, binh lính vòng trong vòng ngoài. Hôm ấy bỗng trời nổi cơn giông gió thổi mù mịt. Thấy cơ hội ngàn năm có một đã tới, chị nhanh nhẹn quàng chiếc áo mưa, chen vào đám đông rút súng nhằm thẳng vào Tổng thống Thiệu bóp cò. Cạch, cạch 2 phát nhưng súng không nổ. Lúc này mặt chị tái đi, khẩu K54 trên tay chị rung rung như chùn xuống. Quá may mắn, lúc này quân lính đang bao vây lấy Thiệu che mưa nên không phát hiện ra chị. Ngay lập tức, chị cùng hai đồng đội quyết định rút lui.

Khẩu súng lục K54 chị Mão dùng mưu sát Tổng thống  Nguyễn Văn Thiệu hiện đang được trưng bày tại Phòng VHTT huyện Triệu Phong.

Lý giải vì sao súng không nổ, chị Mão cho biết: “Trước ngày ám sát tôi đã bắn thử kiểm tra súng vẫn bình thường nhưng không hiểu sao khi mưu sát tôi bóp có lại không nổ. Rất có thể súng cài đặt sẵn và khâu bảo quản không cẩn thận dính cát bên trong nên không nổ được”. Kể đến đây chị tặc lưỡi lắc đầu: “Tiếc thật nếu sau cái bóp cò đó súng nổ thì Thiệu đã tiêu rồi”.

Sau lần ám sát không thành, quân địch tỏ ra nghi ngờ chị và chị thường bị chúng dò xét. Trước tình hình đó, chị xin cấp trên chuyển về căn cứ ở vùng núi hoạt động. Đến năm 1971 chị được chuyển lên chiến khu và được bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy Triệu Ái.

Vết thương lòng và mong ước đi tìm đồng đội

Chiến tranh qua đi câu chuyện của hơn 40 trước vẫn mới như ngày hôm qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Trong một trận chiến ác liệt chị trúng đạn địch và bị thương rất nặng. Vết thương không lấy đi tính mạng nhưng nó đã cướp đi thiên chức làm mẹ của chị.

Tháng 4/1972, trong một cuộc tấn công để giải phóng thành cổ Quảng Trị, chị Mão bị trúng đạn của quân thù và bị thương rất nặng, không chiến đấu được, chị phải chuyển ra hậu phương miền Bắc để chữa trị và an dưỡng.

Đến năm 1973, nhân dịp đại hội Thanh niên thế giới tổ chức tại Cộng hòa dân chủ Đức, chị vinh dự được Trung ương cử đi dự để tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nhân dân Việt Nam. Tại hội nghị chị đã vạch trần được âm mưu, tội ác của bọn cướp nước và tay sai đê hèn làm rung động hàng triệu con tim bạn bè khắp năm châu.

Sau ngày đất nước thống nhất, chị được bố trí về công tác tại Huyện Đoàn Triệu Phong. Năm 1980 chị chuyển về công về Phòng Văn hóa thông tin huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Công việc hàng ngày của chị là bảo quản và hướng dẫn cho du khách tới thăm nhà Lưu niệm của cố tổng Bí Thư Lê Duẩn tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Hàng ngày chị đạp xe đạp hàng chục cây số đến nơi làm việc. Khó khăn thì còn nhiều lắm bởi sau chiến tranh chị bị thương nặng nên sức khỏe giảm sút nhiều nhưng chị vẫn âm thầm, lặng lẽ vun đắp cho đời bằng bằng công việc thường ngày giản dị. “Mình may mắn hơn đồng đội là còn sống vì vậy còn chút sức nào tôi còn phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng” chị nói.

Có lẽ, công việc ở đây lại cho chị tìm thấy niềm vui, bởi tình đồng đội gắn bó bao năm. Chị cảm thấy đồng đội đang ở đâu đó rất gần mình, được giới thiệu về cuộc cách mạng của nhân dân ta, nói mảnh đất Quảng Trị anh hùng, kiên cường. Giới thiệu cho nhân dân cả nước và thế giới biết nơi đây có những con người quật cường như thế.

Nhớ về đồng đội đặc biệt là 5 người bạn cùng vào sinh ra tử cùng chị đã hy sinh, chị đã lập một cái am trước nhà mình để thờ cúng. Hàng ngày, chị đều thắp một nén nhang để tưởng nhớ đồng đội những người đã hy sinh cho Tổ quốc những người đã ngã xuống cho chúng ta được sống.

Chị Mão lập am thờ tại nhà để tưởng nhớ 5 người đồng đội.

Năm 2005 chị nghỉ hưu theo chế độ, trở về quê nhà sống một mình cho đến ngày nay. Dù đã về hưu nhưng chưa bao giờ chị cho phép mình nghỉ ngơi. Hơn ai hết chị là người thấu hiểu nỗi đau vô hạn là sự hy sinh của đồng đội, đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Vì vậy chị vẫn đau đáu một hy vọng tìm được mộ đồng đội của mình để đưa về quê hương an nghỉ. Mỗi khi có người thân điện vào nhờ chị hỏi thông tin của người thân mất tích chị luôn sẵn sàng giúp đỡ mà không nghĩ sẽ được sẽ được cảm tạ.

Vì những cống hiến lớn lao cho quê hương và Tổ quốc, chị Mão đã lần lượt nhận được 2 danh hiệu Dũng sĩ diệt xe cơ giới, 3 huân chương chiến công hạng III, là chiến sĩ thi đua đoàn khu Trị – Thiên năm 1971-1972, huy chương vì sự nghiệp văn hóa. Năm 2010 chị lại vinh dự nhận Huân chương Độc lập hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

Đến nay, mong muốn cuối cùng của chị là tiếp tục cuộc hành trình đi tìm đồng đội còn mất tích để các anh các chị được về nơi an nghĩ vĩnh hằng.

Doãn Công – Đại Dương

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.