Chán như chán… chồng!

ChoiTro.Com – …Hồi còn con gái, mình cũng hay chán; cụ thể là chán học, chán ăn, thậm chí cao hứng lên còn tuyên bố chán… đời, chán sống. Nhưng chán được 3, 4 hôm rồi đâu lại vào đó, lại ham ăn, ham sống.

Chán như chán… chồng!

Chỉ khi lập gia đình mới trải nghiệm được đỉnh cao của chán là “chán chồng” … – Bà Lê Thị Trung Thi, một nhân viên ngành quảng cáo – bắt đầu cuốn nhật ký bằng những dòng chữ nồng mùi… “sầu riêng”.

 

Bà chán bởi vì bà vẫn cô đơn, vẫn không biết ngày mai mình sẽ nương tựa vào đâu. Bà nhớ, lúc con còn bé, nó hay khóc ban đêm, bà bật dậy ôm con dỗ, ông xã thức dậy chỉ càu nhàu: “Trời ơi! Tôi không ngủ được làm sao mai đi làm”, rồi vật ra ngủ tiếp. Thái độ khó chịu của ông khiến bà có cảm giác hai mẹ con gây cho ông phiền phức. Thôi thì con khóc phải lo cho con trước, bà cũng chẳng nghĩ đến chuyện “ăn thua” với chồng.

Lấy chồng để làm gì? – Bây giờ bà mới suy ngẫm nhiều hơn khi còn độc thân. Lúc đám cưới, nhìn ba má mặt mày rạng rỡ: “Vậy là con út nhà mình đã có nơi nương tựa, không còn phải lo gì nữa” bà cũng hớn hở trong lòng. Nhưng thời gian qua, chưa ngày nào bà không phải lo. Tan sở chạy vội về lo từng bữa cơm tươm tất để chồng về ngồi vách mảy đọc báo, đợi kêu xuống ăn; đầu tháng lo thanh toán các hóa đơn; con bệnh lo đưa con đi bệnh viện; đầu năm lo tìm trường cho con… Hàng trăm nỗi lo. “Chồng bà đâu?”

– Một lần, ông bác sĩ hỏi bà như thế lúc bà vào bệnh viện vì bị nghi ung thư tử cung. Bà ngớ người ra rồi lí nhí: “Ảnh đi công tác rồi”. Ông bác sĩ bảo bà nên báo tin mừng cho chồng: “U lành”. Bà ngán ngẩm: ổng có quan tâm đâu mà báo với chả thông.

Ổng đâu có đi công tác, nhưng sáng nay nghe bà nói vào bệnh viện, ổng thờ ơ: “Bận lắm, mà bác sĩ khám cho bà chứ tui biết gì”. Thấy vẻ mặt lạnh lẽo của ông, bà đi khám bệnh một mình cho… khỏe. Nghe đám con gái lớn tuổi chưa chồng ở cơ quan hay ước ao: “Phải chi có chồng đỡ phải cực thân”, bà rất muốn xía vô: “Ừ, lấy chồng đi để biết khổ” nhưng lại thôi, biết đâu do số bà xui… Những ông chồng bị vợ chán, không hẳn thuộc loại ham gái, nghiện rượu, mê chơi game… mà chính cái kiểu: “Có chồng, khổ gấp mấy lần hồi chưa có chồng” tạo ra một nỗi chán mà nói ra nhiều người sẽ cho rằng “được voi đòi tiên”.

Như bà Trần Thị Nhu, chán ông chồng đóng góp thì ít mà đòi hỏi thì nhiều. Thực ra, bà đâu có đòi hỏi chồng phải làm ra nhiều tiền, còn tùy khả năng chứ.

Nhưng chồng bà thuộc loại: “Làm chi nhiều cho mệt”. Bà là giáo viên, nhận hàng thêu về nhà làm thêm mờ cả mắt, để có thêm tiền đi chợ. Chồng bà là nhân viên của một nhà sách, công việc nhàn nên lương ít. Có người bạn nhận bãi giữ xe, kêu anh làm thêm, giữ xe ngày chủ nhật.

Chồng bà từ chối ngay: “Bận lắm” Nhưng thực ra, anh ta ngại đứng ngoài đường nắng gió, bụi bặm. Mọi việc trong nhà, bà vợ “ôm” hết. Thỉnh thoảng, ông chồng lại đưa ra đề xuất: Thay máy tính, đổi ti vi… Toàn tiền lớn. Thấy vợ dùng dằng, ông chồng bực bội: “Tôi là ai trong cái nhà này. Bà còn coi tôi là chồng không?”. Khổ! chồng phải trụ cột chứ. Bà thở dài: Một tay mình gánh hết mọi việc, vậy mà muốn về quê thăm mẹ phải chờ chồng… duyệt. Ổng mở tủ lạnh, thấy cả tủ thức ăn vợ đã làm sẵn, vậy mà vẫn lên giọng nặng nề: “Đi lẹ về, chứ nhà cửa ai trông đây!”.

Lấy chồng để hết cô đơn, đó là mục đích của không ít cô gái. Nhưng càng lúc, bà Trương Ngọc Diệu – một nhân viên ngành ngân hàng – nhận ra bà đang ở trên đỉnh cô đơn sau chục năm chung sống với chồng. Đời người biết bao nhiêu chuyện để nói, thế người ta mới sống thành đôi chứ. Vậy mà ông chồng bà không có sở thích nghe vợ nói. Riết bà cũng hết muốn nói, hết cả muốn nhìn chồng.

“Nhiều lúc chỉ muốn chia tay cho rảnh nợ” – bà Thi tâm sự – “Hầu như mình chỉ cho đi chứ không được nhận lại. Thu nhập của mình dư sức lo cho hai mẹ con, con cũng đã lớn, nó từ lâu cũng không thấy gắn bó với ba, vậy thì đeo đẳng chi với ổng cho cực”.

PHƯ CHU

 

Tuổi Trẻ Cười số 426 (ra ngày 15-4-2011) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.