Khi cha mẹ vô tình gây tổn thương trẻ

Hơn một nửa số học sinh được hỏi cho biết ứng xử của cha là “miễn cưỡng” và 26% coi đó là “kiểm soát”. Đây là kết quả điều tra mới đây trên 1.000 học sinh cấp 2 về ứng xử của cha mẹ với con cái.>Trẻ trầm cảm vì lời chì chiết của người lớn/ Trừng phạt con kiểu Hitler/ Sai lầm khi dạy con tuổi teen

Ảnh minh họa: 123rf.
Ảnh minh họa: 123rf.

Khảo sát do Đại học Y tế Công cộng thực hiện tại 2 trường trung học cơ sở ở Hà Nội là Chu Văn An và Thanh Oai.

Cũng theo khảo sát này, khi được hỏi thì chỉ có gần 16% các em cho rằng ứng xử của mẹ và 17% cho rằng ứng xử của cha là “tối ưu”, nghĩa là làm trẻ hài lòng và tạo sự gắn kết tốt giữa cha mẹ và con cái, thạc sĩ Trương Quang Tiến, Phó trưởng Bộ môn giáo dục sức khỏe, Đại học Y tế Công cộng chia sẻ.

“Có gia đình phát hiện con gái mới học lớp 7 đã yêu nhưng nói, phân tích mãi con không nghe, nhiều khi đã nhốt, xích con ở nhà. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến hình ảnh của cha mẹ trở nên méo mó trong mắt trẻ, khiến trẻ phản ứng lại một cách gay gắt, thậm chí tìm cách tự tử”, thạc sĩ Tiến lý giải.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hương, Đại học Y tế Công cộng (Hà Nội) cũng cho biết, ở nước ta nhận thức của nhiều cha mẹ còn hạn chế, thường cho rằng vấn đề về tâm thần ở trẻ chỉ là khi bị điên, không kiểm soát được bản thân, chập cheng… mà không nghĩ rằng sự chán nản, lo âu, trầm cảm, có ý định tự tử cũng thuộc phạm trù này.

“Nhiều cha mẹ không quan tâm đến cảm xúc của con, không biết khi nào con đang vui hay đang buồn. Khi con làm gì sai hoặc bị điểm kém thì mắng nhiếc thậm tệ hoặc đánh con. Họ cứ nghĩ mình đang làm điều tốt vì tương lai của con. Thậm chí, họ trút sự thất vọng của mình lên con cái mà không để ý đến những tổn thương tâm lý ở trẻ như trường hợp của Tuấn (Hà Nội)”, tiến sĩ Hương chia sẻ.

Nhìn thành thích học tập của Tuấn hiện giờ, ít ai ngờ trước khi lên cấp 3, suốt 9 năm liền cậu đều là học sinh giỏi. Là con một trong nhà nên cậu được mẹ chăm chút cẩn thận. Thế nhưng, từ khi lên cấp 3, gia đình cậu bắt đầu lục đục, làm ăn thua lỗ nên bố mẹ thường xuyên cãi nhau, rồi mẹ lại trút giận lên đầu cậu.

Những lần nói chuyện giữa hai mẹ con cứ ngày một ít dần, cậu thường xuyên bị mất ngủ, không thể tập trung học, nên kết quả học tập ngày một giảm sút. Cũng vì thế, Tuấn lại càng chán học, sa vào chơi bời, rượu chè, chơi game đến bỏ cả ăn. “Học để làm gì khi mà có ai thèm quan tâm em dốt hay giỏi đâu. Những lúc tức lên mẹ toàn gọi em là ‘con chó’, là ‘đồ ăn hại’, em cảm thấy mình bị xúc phạm, bị bỏ rơi”, cậu nói.

Tình trạng như của Tuấn không phải là hiếm. Theo khảo sát trên, ước tính có khoảng 17% học sinh có biểu hiện lo lâu và hơn 15% được đánh giá có biểu hiện trầm cảm. Đặc biệt, hơn 6% đã có dự định tự tử (xảy ra trong tháng khảo sát).

Trong khi đó, gia đình không hạnh phúc (bố mẹ ly hôn, ly thân, nghiện rượu, bạo lực…) hoặc cách giáo dục không phù hợp đều ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ vị thành niên. Theo kết quả điều gia quốc gia về sức khỏe vị thành niên và thanh niên lần thứ hai mới được công bố gần đây thì nguy cơ suy nghĩ đến tự tử tăng lên 30% nếu trẻ ít gắn kết với gia đình. Trẻ chịu áp lực học tập từ cha mẹ cũng tăng nguy cơ tự gây thương tích lên gần 1,5 lần, tiến sĩ Hương phân tích.

Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần có hiểu biết đúng về quá trình phát triển thể chất và tinh thần của con mình, về những biến đổi tâm sinh lý để có những hỗ trợ cần thiết và phù hợp. Đồng thời giáo dục con nhận thức đúng giá trị bản thân, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, chia sẻ, rèn luyện kỹ năng ra quyết định đúng, kỹ năng ứng phó với các tình huống trong cuộc sống…

Ngoài ra, cha mẹ tránh bao bọc quá mức dẫn đến hạn chế tính độc lập, tự chủ của con… Điều đó gây sự ức chế tâm lý ở trẻ và có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực về sức khỏe tâm thần như: lo âu, trầm cảm, đến tự tử, tự gây thương tích.

Nam Phương

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.