Khi HS đến trường để… chơi: Lỗi đâu chỉ ở các em

Biết trốn học là phạm nội quy, hổng kiến thức… nhưng có những học sinh vẫn bất chấp, khi trong mắt các em nhà trường không còn là thánh đường chữ nghĩa, gia đình không còn là mái ấm chở che…

“Chán lắm, học hông có vô!”
 
Đó là tâm sự của học sinh Đỗ Thị Ngọc, trường THPT T.Đ. Là một học sinh ngoan, học lực khá, con đường trượt dốc của cô học trò lớp 11 bắt đầu từ những lần cúp tiết, theo bạn bè tụ tập hàng quán, thậm chí quán bar sau cái tát của người mẹ vào mặt con gái ngay giữa chợ vì nghi con trộm tiền. Từ sau lần ấy, không chỉ bị “giam lỏng” ở nhà, khi bạn của Ngọc tới chơi, cha mẹ thường buông lời xua đuổi… Căm thù cha mẹ, Ngọc nghĩ ra những tiết học phụ đạo, học nhóm để tìm cách đi chơi cùng bạn… Đến khi có được tiếng ăn chơi nhất trường thì “Tới giờ học chỉ muốn trốn ra, học hông có vô nữa!” – cô học trò chua chát.
 
Cũng có bề dày thành tích “bùng tiết”, Nguyễn Minh Quang, học trường T.C. lý giải: “Em trốn học vì cảm thấy bị áp lực khi phải học quá nhiều, ngày nào cũng sáng học, trưa học, tối học. Đã vậy, thầy cô giáo lại quá khắt khe, nếu lỡ không thuộc bài liền bắt chép phạt… Em chán, cúp tiết đi chơi cho sướng”. Cùng chung bức xúc ấy, Nguyễn Hoàng Lân, học sinh trường THCS C.L, cho biết vì trước đó có tụ tập bạn bè đánh lộn, bị lưu ban một năm. Khi đi học lại, cứ xảy ra chuyện gì là nhà trường gọi em lên chất vấn. “Ở nhà cha mẹ chửi, lên trường không theo kịp bạn bè. Chán quá em bỏ, học nghề”…

Vui vầy cùng chúng bạn là một nhu cầu tự nhiên của tuổi học trò, nó chỉ biến thành một cách chống đối khi các em bất mãn với gia đình, thầy cô.
 
Những học sinh nghỉ học không hẳn đều là học sinh cá biệt, học yếu. Có em học khá nhưng do bất mãn với gia đình, không phục thầy cô nên mới bỏ đi chơi như một hình thức chống đối. Huỳnh Diệp Thiên Hoàng, học lớp 12 trường THPT T.T, cho biết: “Em có quen một vài bạn trốn học, em thấy các bạn ấy học rất được, chỉ hiếu động thích làm chủ bản thân, hỏi thì mấy bạn bảo vì thầy cô dạy chán, thầy cô quá khó khăn. Chắc tại thầy cô dạy nhiều quá nên không có thời gian quan tâm hỏi han nên không biết học sinh đang nghĩ gì và cần gì”. Nguyễn Minh Hoàng, học lớp 12 trường THPT N.C.T cho biết thêm: “Trường mình cũng có một nhóm bạn chuyên trốn học, đa phần là con nhà khá giả, cha mẹ lo làm ăn quá nên bỏ mặc con cái”…
 
Không vội phán xét!
 
Trao đổi với chúng tôi về hiện tượng học sinh trốn học, đa số lãnh đạo các trường đều thừa nhận nhà trường cũng phần nào có lỗi, do quản lý chưa nghiêm, thầy cô chưa là tấm gương tốt cho học trò noi theo. Ông Nguyễn Đình Thịnh, hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám (Bình Thạnh), nói: “Phải tìm hiểu rõ nguyên nhân gì làm học sinh chán học để từ đó có cách giúp đỡ các em”. Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, hiệu trưởng trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết hiện tượng học sinh trốn học, thậm chí bỏ hẳn thường rơi vào những em có ba mẹ ly thân, ly dị. Bà Trinh cho biết: “Hai năm nay trường chỉ đạo giáo viên bộ môn nếu học sinh ra khỏi lớp mà vẫn chưa hiểu bài thì phải phân loại, tổ chức dạy phụ đạo không thu tiền. Ngoài ra, giờ chủ nhiệm được thay đổi thành giờ kỹ năng sống, tạo ra sân chơi cho học sinh lấy lại tự tin”.
 
Cũng theo ông Thịnh, trong khi phía nhà trường mở những lớp phụ đạo, tổ chức các trại huấn luyện kỹ năng sống, thì về phía phụ huynh cũng phải quan tâm đến con cái, không nên la mắng, đánh đập khi con trốn học vì sẽ làm các em thu mình lại, càng khó tiếp xúc khuyên nhủ.
 
Nhà nghiên cứu xã hội học tội phạm Trương Văn Vỹ phân tích hình thành nhân cách là cả một quá trình thử và sai, nếu sai thì phải biết điều chỉnh. “Giáo dục đang nặng về dạy chữ mà ít chú ý dạy kỹ năng làm người. Với những học sinh đang “khủng hoảng” như vậy, không nên vội đưa ra phán xét hay lời khuyên phải làm thế này thế khác mà điều tối quan trọng là cần tâm sự, chia sẻ để chính các em tự nhận ra lỗi lầm”, ông Vỹ nói.

Nguyên nhân học sinh chán học

– Do học dở, mất căn bản, càng học lên cao càng bị áp lực, lúc nào cũng bị cha mẹ thầy cô chỉ trích, vì vậy tâm lý luôn bất ổn.

– Do bị bạn xấu rủ rê lôi kéo, khi đó trẻ phải ứng xử và hành động theo một chuẩn mực giống nhau: bạn trốn học được, mình cũng phải trốn được thì mới “cùng hội, cùng thuyền”.

– Do bất mãn với cha mẹ về một vấn đề gì đó mà trẻ cho rằng cha mẹ đã làm tổn thương mình, trẻ trả thù cha mẹ bằng cách trốn học, bỏ học, vì tin là làm cho cha mẹ đau khổ về sự thất bại của mình thì cha mẹ mới hiểu được sự chịu đựng của trẻ về vấn đề cha mẹ đã gây ra.

– Ý chí nghị lực kém, không xác định được phương hướng, mục tiêu trong cuộc sống. Khi điều kiện học thuận lợi, thích thì học còn khi gặp khó khăn, chán nản, không thích thì trốn học, bỏ học.

– Trẻ có những mối quan tâm đặc biệt khác hấp dẫn, lôi cuốn hơn (cặp bồ, nghiện game, thích thời trang…) Bước đầu trốn những giờ học thêm, những giờ ngoại khoá để có thời gian đeo đuổi các thú vui, khi sức học bị sa sút dẫn đến việc bỏ học. 

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Thị Mỹ Linh

 

Theo Trung Dũng – Ánh Dương
SGTT

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.