Ước mơ của bé

TT – Ba mẹ, ông bà thường phát mệt với hàng trăm câu hỏi líu lo, hỏi cho tường tận ngọn ngành của bé. Nhưng đằng sau những câu hỏi là mong muốn có người trò chuyện, có người chơi cùng.

Ước mơ của bé

Ở lứa tuổi nào trẻ cũng thích được cha mẹ dành thời gian cùng vui chơi, trò chuyện – Ảnh: T.T.D.

Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhoài khiến nhiều ông bố, bà mẹ lơ là thời gian dành cho bé. Chuyện ăn uống của bé khoán cho người giúp việc hoặc ông bà.

Thời gian cho con

Khi chúng tôi hỏi thăm nhiều phụ huynh họ có cảm thấy còn thiếu sót gì trong việc chăm sóc con không, phần lớn phụ huynh tin rằng họ đã đáp ứng gần đủ mong muốn của con cái, họ cũng không bận tâm lắm về chuyện sẽ dành thêm thời gian cho con. Hầu hết là do bận làm việc.

Nhiều bậc cha mẹ đã cố xoay trở trong quỹ thời gian của mình để dành cho con. Là nhân viên một công ty dược phẩm, chị T.Diệu (32 tuổi) hầu như không có thời gian chơi đùa cùng con, nhất là giai đoạn hai bé con chị chưa đến 2 tuổi.

Chị tâm sự: “Khi hai bé lên 3 mọi việc khá hơn, buổi tối tôi thường dành 1-2 giờ kể chuyện cổ tích cho hai bé nghe trước khi đi ngủ. Những lúc này tôi thường kiên nhẫn trả lời những câu hỏi tại sao, sao vậy mẹ, nghĩa là gì… của bé. Đôi lúc bị hỏi quá nhiều cũng rất bực vì cả ngày đi làm mệt, nhưng không thể hiện ra vì sợ ảnh hưởng tâm lý của bé”.

Chị T.Hòa (36 tuổi, nhân viên kinh doanh) lại tranh thủ được nhiều khoảng thời gian ngắn trong ngày để trò chuyện với con trai mình. Chị cho biết: “Tôi thường trò chuyện với con vào ba thời điểm: đưa đón con đến trường, đút cơm cho con ăn và trước khi đi ngủ. Qua những câu chuyện bé hỏi hoặc tự tôi gợi ý cho bé kể, tôi lồng ghép những câu chuyện giáo dục để điều chỉnh tính cách và định hướng suy nghĩ của con”. Chị Hòa cũng chọn mua những đồ chơi và quyển sách phù hợp tâm tính của con.

Tạm gác lại những lo toan công việc ở cơ quan, bỏ đi nhiều thú vui giải trí cá nhân, thời gian cuối tuần hoàn toàn dành chơi với con… là chia sẻ chung của nhiều bà mẹ trẻ. “Với những cố gắng ấy, tôi tự an ủi bản thân về việc chăm sóc con vì mình đã cố gắng tốt nhất có thể” – chị Diệu tâm sự.

Ngày cuối tuần trong mơ

Nhà ở ngoại thành, sân chơi cho bé không nhiều, anh V.Dũng (37 tuổi, doanh nhân) thường chọn giải pháp thưởng cho các bé một chuyến đi chơi vào cuối học kỳ. “Kỳ nghỉ tết hoặc hè tôi thường dẫn các bé lên TP.HCM đi Đầm Sen, Suối Tiên, hoặc ở nhà cậu dì chơi cả tuần. Sau những chuyến đi ấy, các con tôi rất thích và háo hức cho những lần đi chơi sau” – anh Dũng cho biết. Những chuyến đi chơi xa luôn là món quà khích lệ, động viên tinh thần các bé học tập chăm ngoan, là dịp để ba mẹ, con cái cùng nhau quây quần cũng là giải pháp nhiều gia đình lựa chọn.

Dù vậy, khoảng cách giữa những chuyến đi xa quá dài cho sự chờ đợi của một đứa trẻ, không ít bé thổ lộ rất thích đi chơi vào dịp cuối tuần. Bé Ngọc Trâm (6 tuổi) thỏ thẻ: “Ngày cuối tuần, con thích đi chơi ở công viên gần nhà. Ở đó thích nhất là trò vẽ tranh cát. Sau này con sẽ trở thành họa sĩ vẽ tranh cát”. Rụt rè, ít nói hơn, nhưng đôi mắt bé Minh Quân (7 tuổi) sáng rỡ khi được thưởng thức cảm giác lần đầu tiên chơi trò cầu trượt trong công viên. Có lẽ so với không gian chật hẹp ở nhà cùng đĩa siêu nhân ba mẹ bật lên mỗi khi bé khóc, những trò chơi thú vị trong công viên rõ ràng có sức hấp dẫn Quân hơn nhiều.

Dạo quanh một vòng những công viên có sân chơi cho trẻ vào chiều cuối tuần, hẳn khách qua đường sẽ bị níu chân bởi hình ảnh hồn nhiên. Những khuôn mặt dù lấm lem cát trắng vẫn chăm chú đắp từng quả núi, con sông. Khoảng sân rộng cùng những chiếc xích đu, cầu trượt, đu quay, hoa tiêu, ống nhòm từ xa… trở thành thế giới đáng mơ ước của những thiên thần đang tuổi ăn tuổi lớn, ham học hỏi…

CÔNG LÊ – MỘNG MỴ

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.