Độc đáo hộp thư “Những điều em muốn nói”

(Dân trí)- Nhiều học sinh tiểu học có những tâm sự nhưng không biết ngỏ cùng ai. Có 2 trường ở Cần Thơ đã kịp thời lập nên một hộp thư để các em gửi vào đó những suy nghĩ qua lá thư tay, từ đó giúp nhà trường có hướng giải quyết tích cực cho các em.

Từ chuyện nhà, chuyện trường, chuyện lớp….

 

Chúng tôi tìm đến Trường tiểu học An Bình 1 (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) – một trong 2 trường tiểu học ở Cần Thơ thực hiện rất tốt về hộp thư “Những điều em muốn nói”. Thầy Chu Đức Khang – hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường mới triển khai hộp thư này hơn 1 năm nhưng chúng tôi đã thấy có hiệu quả nhất định. Thật không ngờ các em học sinh lại có nhiều tâm tư đến như vậy”.

 

Những bức thư của các em học sinh gửi qua hộp thư “Những điều em muốn nói”.

 

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trần Tri Phủ – giáo viên chuyên trách, phụ trách hộp thư của Trường tiểu học An Bình 1 cho biết: “Có nhiều em mạnh dạn lắm, có em phản ánh sự mất vệ sinh của bạn như xả rác bừa bãi, bạn bè không chấp hành an toàn giao thông khi đi trên đường, rồi sự thiếu thốn của nhà trường ở một bộ phận cơ sở vật chất nào đó và “góp ý” cả giáo viên nữa. Có em còn bày tỏ tâm tư của mình về những chuyện buồn vui trong gia đình, gia đình bạn mà có lẽ các em chưa bao giờ dám nói với ai”.

 

Thầy Phủ đưa cho chúng tôi xem một vài lá thư của các em đã viết gửi, đa số là học sinh lớp 5. Lá thư của em Đỗ Trung Đức (lớp 5C) bày tỏ sự bức xúc: “Có điều làm em bức xúc đó là các bạn xả rác bừa bãi và phá cây xanh. Mỗi khi các bạn ăn kẹo bánh xong nhưng không có ý thức bỏ rác vào thùng mà xả ra sân trường. Còn việc phá hoại cây xanh thì các bạn lấy dép chọi lên cành cây cho lá rụng xuống… Em mong thầy cô giúp môi trường sạch đẹp bằng mọi cách…”.

 

Một em giấu tên bày tỏ chuyện gia đình: “Em được sinh ra trong gia đình có cha, có mẹ và em rất may mắn gia đình đã sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng đôi khi vẫn còn những chuyện làm cho cha mẹ cự cãi và giận nhau. Những lúc đó em cảm thấy rất buồn và em không sao học bài được.…”.

Qua trò chuyện với em Chim Thị Phương Duy (học sinh lớp 5A Trường tiểu học An Bình 1), em cho biết: “Hộp thư Những điều em muốn nói là mối liên hệ tốt giữa thầy cô và học sinh. Qua đây, thầy cô và học sinh có thể hiểu nhau hơn”.

 

Duy cũng nói là em đã gửi cho trường 2 bức thư, 1 bức nói về tình cảm của mình với nhà trường, bức thứ 2 góp ý là nhà trường nên trồng thêm cây xanh. “Sắp tổng kết năm học rồi, em sẽ lên lớp 6 nên những nguyện vọng này không biết sẽ ra sao. Nhưng em hứa là năm sau em sẽ quay lại để xem nguyện vọng của mình có được nhà trường đáp ứng hay không”- em Duy hồn nhiên nói.

 

Không chỉ nói chuyện gia đình mình, có em còn biết quan tâm đến gia đình của bạn bè. Em T.K.T (lớp 5B) viết thư chia sẻ về gia đình một người bạn tên Hoa:  “Bé Hoa là người hàng xóm, có gia đình không may mắn. Cha say xỉn tối ngày, về nhà la lối, đánh mẹ bé Hoa bằng chổi. Mẹ bé Hoa đã bỏ lên thành phố Hồ Chí Minh, bé Hoa buồn và sa sút việc học. Bé Hoa muốn mình có gia đình hạnh phúc như các bạn. Em viết lên điều này muốn mọi người giúp đỡ bé Hoa.”.

 

Theo thầy Chu Đức Khang, những câu chuyện của các em liên quan đến trường lớp, thầy cô thì nhà trường đều tiếp nhận và có hướng giải quyết. Ví dụ như liên quan đến bức xúc của các em về bạn mình xả rác thì trong buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường đều nói cho các em học sinh rõ việc xả rác là không tốt…Chuyện các em “phản ánh” thầy cô thì nhà trường trong buổi họp hội đồng cũng góp ý thẳng thắn.

 

Tuy nhiên, thầy Khang cho biết thêm, chuyện liên quan đến gia đình các em thì nhà trường chưa đi sâu làm được vì cần phải có sự phối hợp của nhiều ban ngành. Bước đầu, khi nhận những tâm tư của các em thì nhà trường sẽ giao cho các thầy cô chủ nhiệm để tư vấn cho các em trong cách xử lý những chuyện trong gia đình.

 

Học sinh Trường tiểu học An Bình 1 (quận Ninh Kiều, Cần Thơ) thường xuyên bỏ vào hộp thư “Những điều em muốn nói” để bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình.

 

…đến những mơ ước giản dị

 

Trong khi đó, tại Trường tiểu học Trà Nóc I (quận Bình Thủy), cô Nguyễn Thị Kim Chi – hiệu trưởng nhà trường cho biết nhà trường rất quan tâm đến nội dung học sinh phản ánh qua hộp thư “Những điều em muốn nói”. Sau 1 tháng thực hiện, những ý kiến của các em được ban giám hiệu trực tiếp đọc và rất bất ngờ có nhiều em học sinh bày tỏ mà có lẽ các em ít có dịp hoặc không dám trực tiếp nói với thầy cô.

 

Theo cô Chi, các em đã bày tỏ từ những mơ ước giản dị như: “Em mong sao trường của em có nhiều cây xanh, sân trường luôn sạch, cô giáo thì hiền”; “Em thích được tham gia trò chơi như kéo co, nhảy bao bố, thi đố vui, hội chợ đồ dùng…”. Có em nhắn nhủ: “Em là học sinh lớp 4, môn học yếu nhất của em là Tập làm văn nhưng thầy cô đừng buồn em hứa sẽ cố gắng nhiều để không phụ lòng thầy cô đã dạy em”.

 

Theo cô Chi, qua những lá thư các em gửi, nhà trường đã xem xét và thực hiện theo những nguyện vọng của các em như trồng cây xanh, tổ chức nhiều trò chơi cho các em vì đây đều là những nguyện vọng chính đáng có ý nghĩa. Đồng thời cũng giáo dục các em trong việc giữ gìn môi trường, mối quan hệ tốt đẹp với thầy cô, bạn bè.

 

Những chuyện “cười ra nước mắt”.

 

Cũng tại Trường tiểu học Trà Nóc I, qua hộp thư “Những điều em muốn nói” nhà trường rất bất ngờ khi đọc những dòng chữ của học sinh lớp 1 viết: “Muốn hôn em thì len lén mà hôn” hoặc “Mình dắt bạn gái về nhà”, bên cạnh lại được phụ chú bằng hình vẽ một ngôi nhà và hình vẽ bạn trai nắm tay bạn gái đi về hướng ngôi nhà…

 

Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, khi được hỏi những chuyện này thì các em hồn nhiên trả lời “Vì con thích bạn nên mới viết như thế, vì bạn học giỏi”…

 

Theo cô Chi, thời kỳ đầu khi chưa biết chữ, các em thường thể hiện bằng hành động như hôn vào má, nắm tay… để bày tỏ tình cảm với bạn khác giới. Đến khi biết chữ thì các em lại viết vào giấy để gửi cho đối phương. Từ việc phát triển sớm, có nhiều cơ hội tiếp xúc với phim ảnh, sách truyện thấy người lớn làm vậy cho nên các em làm theo.

 

Cô Chi nhấn mạnh, điều đáng nói là các em không được định hướng rõ ràng. Qua đây, cũng thấy rằng người lớn khi dùng từ nói chuyện hoặc hành động trước mặt trẻ nên thận trọng vì các em rất nhạy cảm và thường xuyên bắt chước theo.

 

Huỳnh Hải

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.