LTS: Câu chuyện cuộc sống kỳ này là tâm sự của một thành viên trong gia đình có con em đi bụi. Và dù muộn nhưng họ đã nhận ra trong sự bất hạnh của con em mình có một phần lỗi của gia đình.

TTCT – Em gái út tôi chào đời khi bố mẹ tôi đoàn tụ mừng mừng tủi tủi sau tám năm xa cách, khi các anh chị trong nhà đã lớn, nên em được trông chờ và yêu thương hết mực.

Câu chuyện cuộc sống

LTS: Câu chuyện cuộc sống kỳ này là tâm sự của một thành viên trong gia đình có con em đi bụi. Và dù muộn nhưng họ đã nhận ra trong sự bất hạnh của con em mình có một phần lỗi của gia đình.

Em tôi trượt dài sau đi hoang

Cũng từ khi em chào đời, bố mẹ tôi làm ăn khấm khá hẳn lên, nên xem em là điềm may mắn. Ngày bé em xinh như thiên thần nhỏ, dễ chịu, tươi vui nên được hàng xóm, bạn bè, thầy cô quý mến. Em luôn dẫn đầu lớp suốt cấp I, vẫn là học sinh khá giỏi thời cấp II, phần nhiều nhờ sự kèm cặp của tôi – người chị liền kề hơn em đến 9 tuổi.

Minh họa: Vũ Đình Giang

Tôi ra đời được mấy tháng thì bố tôi phải đi xa biền biệt, mình mẹ tôi bươn chải vất vả nuôi bốn đứa con san sát nhau, nên anh em tôi lớn lên bù lăn bù lóc, hoàn cảnh trang bị cho tôi tính tự lập sớm nhưng cũng sớm nhận ra mình lẻ loi từ tấm bé. Vì vậy em gái ra đời tôi mừng rỡ như được tặng con búp bê đẹp xinh, reo vui có thêm người bạn tri kỷ. Tôi dốc lòng yêu thương em theo cách bù đắp cho em những gì tôi thiếu hụt: chăm chút cho em từng đồng quà tấm bánh, chỉ bảo em học hành từng li từng tí…

Gia đình tôi cũng nhận ra mình lỗi lầm, đã không nghiêm khắc uốn nắn em từ nhỏ, đã không sớm nhận ra và không đủ hiểu biết để chia sẻ với em về chuyện lưỡng tính. Tôi tuy là chị liền kề thường bên cạnh em nhưng khoảng cách tuổi tác, mô phạm và cầu toàn, tâm sự mà như giáo huấn, em không thèm nghe… Giá mà ngày trước tôi “bụi bặm” một chút để có thể hiểu lứa tuổi dở dở ương ương của em và được em tin cậy chuyện trò…

Em út ít, được mẹ cưng chiều và được chị “bao sân” nên không phải mó tay tí việc gì, dần thành thói ỷ lại. Năm cuối cấp II, em bắt đầu chểnh mảng học hành, hậu quả là không đủ điểm vào trường cấp III NK mà học TKN. Từ đây em kết với nhóm bạn xấu lêu lổng chơi bời. Chúng xúi em vòi tiền bố mẹ, nếu không thỏa thì dọa bỏ học.

Rồi em trốn học thật và bỏ nhà đi bụi ngay giữa năm lớp 11. Cả nhà tôi bổ nhào kiếm em khắp nơi. Chỉ sau một tuần xa nhà, anh tôi đưa được em về trong bộ dạng tả tơi: tóc tai cắt tém bù xù vàng chóe, quần áo xộc xệch của ai đó, một vết xăm ở bắp tay và vẻ mặt bất cần lì lợm.

Gia đình tôi phải tháp tùng em vào Viện Pasteur xét nghiệm xem có bị nhiễm HIV hay các bệnh truyền nhiễm nào không, có sử dụng ma túy không… Rất may là chưa bị sao.

Bố mẹ, anh chị lao vào dụ dỗ, dọa dẫm, em ở nhà một thời gian và chuyển sang học bổ túc văn hóa, vì ngôi trường cũ không muốn đón nhận nữa mà em cũng ngại quay lại nơi ấy. Đến lớp buổi có buổi không, em than chán học không vào, công khai cúp cua, lông bông, thời gian ngắn sau lại đi bụi cho khuây khỏa (?).

Một lần nữa cả nhà phân công nhau đi tìm, lần thứ hai không nháo nhào, xen lẫn trong cố gắng là nỗi thất vọng đứa con ngỗ nghịch. Kỳ này tóm được em đang gật gà gật gù trong tiệm Internet. Lôi em về nhốt trong nhà như giam lỏng, khi ra ngoài luôn có người thân theo sát. Mặt em câng câng, ở lì trong phòng, chẳng ai muốn hoặc có thể trò chuyện cùng em.

Thỉnh thoảng bạn bè cũ đến chơi chốc lát, gia đình tôi không nỡ ngăn cấm vì sợ em bức bối quá hóa rồ. Một hôm, em bày trò tự tử bằng cách uống nhiều Paracetamol, vứt vỏ thuốc đầy giường, ói mửa lung tung… Anh em tôi hốt hoảng đưa em vào bệnh viện cấp cứu. Tôi đau xót nhìn em bị rửa ruột, còn em mặt càng lấc cấc… 

Sau đó, gia đình tôi chia nhau thủ thỉ với em, đưa em đi chơi, sắm sửa, cà phê trò chuyện… Em có vẻ thân thiện hơn tí xíu. Được một khoảng yên em lại ra đi với bức thư nhắn là muốn tìm việc làm, sống độc lập. Một lần nữa cả nhà lặng lẽ tìm em, dò ra nơi em làm việc, xin phép chủ đón em về.

Đó là một công ty nhỏ chuyên đánh máy bản thảo sách cho các nhà xuất bản. Em gõ lách cách miệt mài trong phòng lạnh sáng choang 12 tiếng/ngày với đồng lương không đủ ba bữa cơm đạm bạc. Người còm nhom hốc hác, lần này em về ngay, vẻ chán chường nhưng không trốn tránh nữa.

Gia đình bàn nhau: em đã lớn, không muốn gò bó và không thích học văn hóa nữa thì học nghề làm tóc (em chọn và khá có khiếu thẩm mỹ). Em học chăm chỉ và sáng dạ, được chủ giữ lại làm việc sau một năm học nghề. Sáu tháng sau em đòi mở tiệm vì làm cho chủ bị bóc lột quá mà không phát triển được (chủ chỉ cho làm những khâu đơn giản, bí quyết pha thuốc duỗi, nhuộm, uốn… giấu biệt, ăn chặn tiền bo).

Thực chất em đòi ra tiệm còn để được sống chung với bạn bè (bấy giờ em bộc lộ mình thuộc giới tính thứ ba). Bố mẹ sốc nặng, chị thảng thốt, các anh ngỡ ngàng…, khuyên can mãi không được, bất lực xuôi theo ý em.

Hiện nay em phai tàn, làm “thợ đụng”, sống vật vờ nay với người này mai người khác (họ lợi dụng một thời gian lại bỏ em vì họ đâu giống em), em hay về nhà buồn buồn, kiệm lời, không than trách. Đôi lúc uống say em thừa nhận mình đã sai, đã “sướng quá hóa rồ” thuở hoa niên, nguyên nhân việc đi bụi của em nhằm nếm mùi đời (nghe tụi bạn nói đi bụi hay lắm), cũng là cách làm eo sách để được nuông chiều nhiều hơn, đồng thời lúc đó em phát hiện mình khác người mà không dám thổ lộ cùng ai, thế là bốc lên, muốn phá cách, muốn nếm trải…

Bây giờ ngẫm lại ngốc nghếch quá, không đâu bằng nhà mình, không ai thương yêu mình bằng cha mẹ anh chị, nhưng bay nhảy mãi cũng quen, vả lại em mang cốt con trai trong tấm thân con gái, ở chung với gia đình e lối sống không phù hợp và làm xấu mặt mẹ cha.

Gia đình tôi cũng nhận ra mình lỗi lầm, đã không nghiêm khắc uốn nắn em từ nhỏ, đã không sớm nhận ra và không đủ hiểu biết để chia sẻ với em về chuyện lưỡng tính. Tôi tuy là chị liền kề thường bên cạnh em nhưng khoảng cách tuổi tác, mô phạm và cầu toàn, tâm sự mà như giáo huấn, em không thèm nghe…

Giá mà ngày trước tôi “bụi bặm” một chút để có thể hiểu lứa tuổi dở dở ương ương của em và được em tin cậy chuyện trò… Giờ gia đình đành xót xa chấp nhận cách đi lại mà không sống chung, cả nhà luôn ray rứt khôn nguôi vì có một thành viên nửa gần gũi nửa vời xa.

TRÂN CHÂU

Tôi muốn thoát khỏi cái bóng quá lớn

(Phản hồi bài “Tôi đi bụi vì nghẹt thở”)

Tôi hiểu tâm trạng của bạn Duy Tường. Người lớn đôi khi cho mình nhiều quyền hạn quá và chẳng biết con cái nghĩ gì, cảm nhận ra sao trong mọi việc.

Tôi là con trai duy nhất của ba mẹ. Thừa mứa về vật chất nhưng tôi không nghĩ mình may mắn khi sinh ra trong gia đình “kiểu mẫu” như vậy. Hình như ba mẹ đều coi tôi là “siêu nhân”. Suốt tuổi thơ tôi đã cố gắng hết sức để là một niềm tự hào của ba mẹ. Tôi chỉ có điểm 9 và 10, không có quyền rớt xuống điểm 8 ở bất cứ môn học nào.

Tôi không được chạy nhảy, đá banh, đi chơi cùng bạn bè hay vui chơi tại các khu du lịch. Tôi không phải làm bất cứ việc gì ngoài học và học. Bạn bè gọi tôi là “cả đẫn” vì cặp kính cận 5 điốp cùng vẻ mặt ngáo ộp của tôi khi ngồi nghe bạn bè bàn bạc về mọi thứ trên đời.

Lên cấp III, hình như tôi không còn thời gian ăn và ngủ. Thầy cô nào giỏi, mẹ tôi lặn lội đến xin cho tôi học. Tôi thích ngành điện lạnh, mẹ khăng khăng bắt học y khoa. Mẹ như một cảnh sát cẩn thận nhất, chuyên nghiệp nhất. Tôi bị mẹ theo dõi ngặt nghèo từng giờ, từng ngày như một tù nhân không tuyên án. Mẹ thường xuyên kiểm tra tập sách và bài vở, kiểm tra luôn điện thoại xem tôi quan hệ với ai, có để ý bạn gái nào không.

Năm vừa qua, bạn bè đổi biệt danh cho tôi từ “cả đẫn” sang “cục cưng” (của mẹ) vì mẹ hay đến trường đưa cho tôi mấy món đồ như khăn giấy, nước cam, nước yến, kẹo ngậm… trong giờ nghỉ trưa của cả lớp. Sự yêu thương cưng chiều của mẹ khiến tôi khổ sở.

Cuối năm lớp 11, sau khi thi xong, các bạn lớp tôi tổ chức ăn uống và xem phim tại nhà bạn M.. Tôi xin tham gia. Đợi mẹ đi làm, tôi mở cửa đón xe ôm đi. Buổi liên hoan thật vui. Tôi như vừa được khai hóa, được “sổng chuồng”. Tôi bỗng cảm nhận rằng có khoảng đời khác mà tôi đã đánh mất (hay bị tước mất), đó là sự thoải mái, sự tự do, những trận cười, những trò chơi vô tư cùng bạn bè trang lứa…

Sau buổi liên hoan, tôi bán luôn chiếc dây chuyền mẹ tặng và rủ hai bạn nam cùng lớp ra Vũng Tàu chơi. Đó là chuyến “đi bụi” đầu tiên của tôi. Tôi thật sự là tôi, một tù nhân thoát khỏi thứ gông cùm vô hình mà ba mẹ đã trói chặt lấy tôi. Chúng tôi nằm nhìn biển và hát nghêu ngao, có lúc chúng tôi chạy đuổi nhau và cười thật to… Khi tiêu gần hết tiền thì chúng tôi đón xe về. Mẹ tôi đã khóc.

Ba thì nổi điên, la hét. Tôi kệ, ngồi trơ ra. Nếu như tôi xin phép mẹ, chẳng bao giờ mẹ cho phép tôi đi như vậy cả. Tôi thấy tôi thật sự trưởng thành sau khi rời xa mẹ. Tôi phải đi để khỏi chết ngạt cho dù biết ba mẹ rất yêu thương mình. Tôi muốn được chút tự do, được sống cùng bạn bè trang lứa, được chấp nhận và thoát khỏi cái bóng quá lớn của ba mẹ,  được là chính mình.

nguyennhat94@…

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.