Minh Vượng: ‘Tôi là ốc đi bằng lưỡi nên dễ bị… vạ miệng’

Khi gặp Minh Vượng, khi chơi với Minh Vượng thì không thấy có một sự dối trá, chỉ có sự chân thực, sống hết mình, sống hồn nhiên, vui …


Minh Vượng: 'Tôi là ốc đi bằng lưỡi nên dễ bị... vạ miệng'
Nghệ sĩ Minh Vượng vai Phú ông (bên phải) trong vở diễn dành cho thiếu nhi có tên Quả táo thần

Minh Vượng đã có những phút cởi lòng cởi dạ như thế. Trong mạch chuyện, chị đã có nhiều suy nghĩ về trẻ thơ, ngày xưa, bây giờ với những liên tưởng, so sánh ngộ nghĩnh, thú vị…

Xưa, là… Lục Vân Tiên cứu bạn

– Nghe bạn bè chị kể lại, cô bé Minh Vượng ngày ấy rất nghịch ngợm và nổi tiếng là khắc tinh của lũ con trai cùng lớp?

– Ngày xưa chị đứng đầu tụi con gái, toàn gây sự với tụi con trai, luôn bị cô giáo đọc tên trong sổ đen và nhắc nhở vì tội hiếu động. Chị nhớ trong lớp chị có một cô tên là Hồng, bố là người Pháp nên đặt tên lai, chuyên bị bọn con trai bắt nạt, cô ấy hay đứng ở một góc khuất mà khóc. Chị lại hỏi: “Đứa nào bắt nạt mày?”. Cô ấy kể tên, lập tức chị làm… Lục Vân Tiên cứu bạn, tất nhiên ngày xưa bọn chị không phải là đánh nhau to như bây giờ.

Nhân đây chị cũng muốn nhắc lại chuyện clip nữ sinh trường Trần Nhân Tông đánh nhau. Sốc vì bạn đánh bạn, sốc vì một số các bạn khác ngồi quay lại, đung đưa và dửng dưng, chị thấy nếu xã hội toàn những con người như thế thì xã hội thật đáng sợ. Bởi vì nếu người ta không yêu thương được một con người thì người ta sẽ không yêu thương được cả cộng đồng. Còn ngày xưa bọn chị không phải làm to chuyện, chỉ cắt tóc bỏ vào gáy bọn con trai, cốc đầu một cái, hoặc lấy chân khuỵu vào chân nhau thôi, chứ không phải là đấm đá túi bụi như bây giờ.

Chị là người vẽ rất giỏi, lấy giấy thủ công vẽ hình đầu lâu xương chéo, phết hồ rồi bất thình lình dán vào lưng bọn con trai, hoặc viết một câu gì đấy rồi dán vào lưng hay cột vào tóc bọn con gái. Nhà chị gần vườn hoa Pasteur, cứ tan học lại rủ mấy bạn cùng lớp ra đó bắt những con ếch be bé rồi giả vờ làm bác sĩ phẫu thuật.

Chị cũng có những ước mơ rất hay, ảnh hưởng từ truyện cổ tích Ba hạt đào, ba hạt dẻ. Ở vườn hoa Pasteur có những hạt dừa non bé tí rơi xuống thế là chị mang đi chôn. Ngày xưa trong truyện Buratino, có đảo giấu vàng, con mèo mù, thế là cũng bắt chước, ước những ước mơ của mình rồi chờ cho đến bao nhiêu ngày nó sẽ mọc ra cái vàng, cái bạc.

Minh Vượng: 'Tôi là ốc đi bằng lưỡi nên dễ bị... vạ miệng'
Minh Vượng

Chất Hà Nội đã thấm đẫm từ tuổi thơ

– Trò chơi tuổi thơ nào có ảnh hưởng trực tiếp đến nghề diễn viên của chị hiện nay?

– Chị nhớ trên đường Lò Đúc khi xưa rất nhiều bàng. Đi đường bọn con trai trèo lên hái lá làm vương miện cho chị nên lúc ấy chị luôn nghĩ chị là… vua của tụi nó. Chính vì kỉ niệm lá bàng này mà năm ngoái trong hội diễn sân khấu, chị viết lời trong vở kịch của mình là: Tôi nhớ nhất chúng mình chơi đồ hàng hồi bé. Nhiều hôm ông làm vua, tôi làm hoàng hậu, bắt ông trèo lên cây bàng hái lá làm vương miện cho tôi. Nhiều hôm leo trèo thế nào rách toạc cả đũng quần.

Đó chính là chị, người ta nói “Văn học là nhân học” quả không sai. Nhiều người xem chị diễn xong thì nói rằng thấy chị là hồn cốt của Hà Nội. Chị chỉ đáp lại là: “Mấy hôm nay Hà Nội trở trời, ngoài đường khao khát gió, đang giữa hè mà thấy Hà Nội vào thu”.

Thế đấy, phong cảnh hữu tình tạo nên tính cách con người. Không ít khán giả người Hà Nội gốc, định cư trong TP. HCM nói: “Khi xem chị Minh Vượng diễn vai bà giáo Nhung, dù chỉ thoáng qua mấy lớp nhưng chúng tôi như thấy Hà Nội, thấy Hàng Ngang, Hàng Đào, 36 phố phường hiện ra trước mắt. Cảm ơn chị. Lâu rồi chúng tôi chưa được về Hà Nội”. Với chị, hạnh phúc đôi khi chỉ bình dị như thế.

– Chị có bao giờ sử dụng đến những kỹ xảo sân khấu ở ngoài đời?

– Một ngày có 24 tiếng thì người ta phải căng ra để đối phó với nhau, như thế là bất hạnh. Khi gặp Minh Vượng, khi chơi với Minh Vượng thì không thấy có một sự dối trá, chỉ có sự chân thực, sống hết mình, sống hồn nhiên, vui vẻ. Chị là ốc đi bằng lưỡi, tức là quá thẳng thắn, chị không quen luồn cúi, khuất phục nên đôi khi vạ miệng.

Nhưng chị nghĩ rằng trong cuộc sống con người ta sống được sung sướng là sống ngay thẳng, sống là mình, không phải là người khác. Tại sao tôi phải chiều theo anh? Nếu tính khí tôi mạnh mẽ không việc gì tôi phải điệu đà với anh? Rõ ràng nếu là người tạo dáng, dối trá thì không thể nào nói chuyện với chị được. Bọn chị là diễn viên nhỏ trên một sân khấu lớn, còn không bao giờ là một diễn viên diễn cả một cuộc đời, rất mệt mỏi.

Minh Vượng: 'Tôi là ốc đi bằng lưỡi nên dễ bị... vạ miệng'

Luôn cần sự hồn nhiên, chân thành của con trẻ

– Chị nghĩ gì về tuổi thơ của trẻ em hôm nay?

– Chị có cảm giác trẻ con bây giờ không còn xao xuyến chờ đợi ngày Tết trung thu nữa. Chị công nhận ngày nay máy móc hiện đại đã trợ giúp rất nhiều cho con người, làm cho con người thông minh và tân tiến hơn lên. Những người nào giỏi thì càng giỏi, nhưng những người nào lười thì lại càng trở nên trì trệ.

Tuổi thơ thời nào cũng đẹp. Nhưng tiếc là trẻ nhỏ hôm nay, nhất là ở thành phố, luôn phải đứng trước nhiều cái lo: Ra đường, ra công viên thì sợ giẫm kim chích, sợ khói bụi, kết bạn thì sợ kẻ xấu, hút chích heroin… Nói chung, các em bây giờ cần được người lớn, xã hội bảo vệ hơn rất nhiều.

– Theo chị, một diễn viên muốn vào vai con nít thật đạt thì cần phải làm gì?

– Cái quan trọng là nắm bắt được tâm lý của các bé, không bao giờ áp đặt giáo điều, màu mè. Một chị Minh Vượng đã 50 tuổi đóng 1 đứa trẻ con 5, 7 tuổi mà khán giả vẫn tin vì chị tái hiện lại những trò tinh nghịch. Nếu mình giữ cho tâm hồn mình luôn được tươi trẻ, thì yếu tố đấy sẽ giúp mình thành công khi vào vai trẻ con.

Điều quan trọng nữa là trẻ con rất hay tưởng tượng, cho nên chị thì rất thích nghe chuyện cổ tích, thích xem hoạt hình Walt Disney vì chị muốn học hỏi sự bay bổng trong sáng tạo của những người làm phim, làm truyện cho trẻ em.

– Vai diễn nhí nào để lại nhiều kỷ niệm với chị?

– Vai diễn trong vở Chuyện của Bo, là serie truyện về cô bé tên là Bo. Cái tên Bo bắt nguồn từ báo Nhi Đồng Cười, trong đó có 2 nhân vật Big và Bo (Big là bút bi và Bo là bóng đá). Chị thích vai diễn này vì nó chuyển tải được những câu chuyện mang tính giáo dục, dạy cho trẻ em những điều thiết thực như: Biết ngồi xa ti vi, ngồi học bài đúng tư thế, buổi tối đánh răng trước khi đi ngủ…

– Chị nghĩ sao khi có người nhận xét nhìn Minh Vượng thấy cái vẻ trẻ con lộ ra?

– Tính trẻ con có thể chấp nhận được là sự hòa đồng với mọi người. Ví dụ như, đứa trẻ con đi đến đâu thì bắt bạn được ngay đến đó. Hơn nữa, nét vui nhộn, hồn nhiên, không tỏ vẻ cao sang của trẻ thơ cũng giúp người lớn thấy mình trẻ trung, dễ gần. Chị nghĩ, con người ta, luôn cần sự hồn nhiên, chân thành của con trẻ trong cuộc sống. Chị yêu sự trong sáng, sự trung thực ở trẻ em vô cùng, chúng không hề biết nói dối. Vui nhất là trẻ em coi chị là bạn thân, bạn tri kỷ để tâm sự.

Chính các em đã cho chị được trẻ mãi không già, là nghệ sĩ của tuổi thơ, mãi được sống trong thế giới trong sáng và hồn nhiên. Tuổi già đang sầm sập gõ cửa nhà chị và chính các em đã là những người giúp chị sống trẻ trung, sôi nổi. Nhưng nếu có tuổi rồi mà cứ nhí nha nhí nhảnh mãi cũng thành quá lố, phải biết mình đang ở đâu, thuộc lứa tuổi nào, không nên làm mọi người khó chịu.

Minh Vượng: 'Tôi là ốc đi bằng lưỡi nên dễ bị... vạ miệng'

Theo Người Đưa Tin



Source: Zing

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.