Phần bánh không dễ ăn

TT – Mùa hè năm ngoái, sân khấu thiếu nhi đột nhiên “nở nồi” với hơn 10 vở diễn mới, mà vở nào cũng được đầu tư dàn dựng hoành tráng, màu sắc và quảng cáo rầm rộ. Người làm sân khấu, giới báo chí, đông đảo khán giả nhí và phụ huynh đã khấp khởi mừng thầm khi nghĩ về một tín hiệu vui của những vở diễn dành cho trẻ em.

Sổ tay

Phần bánh không dễ ăn

Thế nhưng, tín hiệu vui đó không đủ dài đến mùa hè năm nay.

Đại Nghĩa và Hoàng Trinh trong vở An Ly và thần băng giá – Ảnh: Anh Khoa

1. Thị trường sân khấu thiếu nhi vốn là một chiếc bánh hấp dẫn đối với các bầu sân khấu có tầm nhìn xa. Bởi lẽ cung luôn không đáp ứng đủ cầu. Khán giả nhí ngày một đông, có nhu cầu giải trí lớn và thông thường thì khá dễ tính. Chiếc bánh hấp dẫn đó trước đây gần như thuộc về một mình sân khấu Idecaf, sau này có thêm sự tham gia khiêm tốn của sân khấu Phú Nhuận.

Đến thời điểm hè năm ngoái, bánh gần như được chia đều cho nhiều đơn vị cùng lúc nhảy vào với nhiều vở diễn có chất lượng khá đồng đều. Nhưng chỉ mới qua một mùa mà nhiều đơn vị làm sân khấu thiếu nhi đã lặng lẽ rút khỏi cuộc chơi. Hỏi lý do, ai cũng lắc đầu bảo: tưởng ngon nhưng khó ăn lắm!

Nhà hát Trần Hữu Trang năm ngoái rầm rộ với vở Mụ phù thủy và cây đũa thần, đầu tư 400 triệu đồng với lời hứa: “Sẽ quan tâm đến đối tượng khán giả nhỏ tuổi”, nhưng năm nay đã im hơi lặng tiếng từ đầu mùa hè. Hướng hợp tác đón đầu giữa cải lương và xiếc dành cho thiếu nhi như lời ông Quốc Hùng, giám đốc nhà hát, phát biểu hồi năm ngoái coi như tạm để đó, vì dự án xây dựng lại rạp Hưng Đạo thành trung tâm biểu diễn sân khấu đa năng vẫn còn… để đó.

Công ty tư nhân Giờ Vàng năm ngoái đầu tư dựng vở Bầy quỷ và viên ngọc thần kết hợp cả bốn loại hình nhạc – kịch – xiếc – rối, năm nay vẫn chưa có gì mới. Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết sẽ diễn lại vở này kèm theo một tiếng thở dài: “Kịch thiếu nhi đang teo tóp!”. Ông bầu trẻ Gia Bảo sau một mùa đầu tư nhiều tiền bạc và tâm sức cho vở kịch thiếu nhi hoành tráng Vua sư tử, đến nay vẫn còn “hết hồn”, lỗ gần 200 triệu đồng vì bất đồng với đối tác. Vở chỉ sống được chưa đầy 10 suất diễn là phải tạm ngưng. Sân khấu Hoàng Thái Thanh trong lần đầu thử sức với khán giả tuổi teen cũng đã phải bù lỗ cho vở Nữ hoàng ngang ngược.

2. Có thể thấy làm sân khấu thiếu nhi không phải là chuyện một sớm một chiều, ăn xổi ở thì, đánh nhanh rút gọn. Đó là câu chuyện của sự nghiêm túc đầu tư, tâm huyết với các em, kiên nhẫn xây dựng thương hiệu. Điều này thể hiện rõ qua thành công của sân khấu Idecaf khi loạt chương trình Ngày xửa ngày xưa mùa nào cũng sốt vé, dù chất lượng cũng có khi trồi sụt. Hay như bà bầu Hồng Vân vẫn kiên trì “làm gì đó” cho thiếu nhi xem, dù có thể chỉ là chương trình Bé vui cười giản dị như năm nay. Hoặc như sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ đúng cam kết mỗi năm sẽ làm một vở thiếu nhi dù năm ngoái không mấy thành công.

Chỉ có như vậy, sân khấu thiếu nhi mới có thể định vị lâu dài trong lòng các em, nuôi lớn các em bằng lời thoại, bằng phục trang, bằng cảnh trí, bằng những trò diễn mới mẻ. Một công việc chẳng dễ dàng giữa thời buổi mà chỉ sau một cái click chuột, thật khó lôi kéo các em ra khỏi những chương trình truyền hình, phim ảnh, game… để tới nhà hát.

Năm nay sân khấu TP.HCM chỉ có vẻn vẹn bốn vở thiếu nhi mới ra mắt: An Ly và thần băng giá của Idecaf, Chú kiến lạc loài của Hoàng Thái Thanh, Cuộc phiêu lưu của Gulliver của Đoàn xiếc TP.HCM và vở cải lương Tiểu anh hùng Nam Quốc của bà bầu Linh Huyền. Các vở còn lại diễn ở các nhà hát, nhà thiếu nhi đều là các vở cũ diễn lại hoặc không được đầu tư xứng đáng. Rõ ràng là không nhiều sự lựa chọn cho khán giả nhí.

HOÀNG OANH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.