Sinh viên và những “độc chiêu” gian lận mùa thi

(Dân trí) – Tháng sáu mùa thi, từ khuôn viên trường học, thư viện cho đến ký túc xá, các khu nhà trọ, sinh viên “chính trực” đua nhau chong đèn “dùi mài kinh sử”. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít những kẻ siêu lười, thay vì học lại nghĩ ra muôn chiêu gian lận.

Từ những ngày “rảnh rỗi”

Ở hầu hết các trường cao đẳng, đại học việc học diễn ra khá nhàn, mỗi ngày học một buổi, mỗi tuần học 5 ngày. Thứ Bảy, Chủ Nhật nghỉ, cộng thêm “chính sách” chỉ thi cuối kỳ sớm biến thành lý do “chính đáng” khiến sinh viên… chơi dài.

Chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên ý thức cao với việc học, tranh thủ những ngày rảnh rỗi lên thư viện tự tìm tòi kiến thức. Những sinh viên này thường thông minh, có kiến thức tốt, nhưng lại hay trở thành “kẻ thù chung” của lớp vì những câu “thắc mắc này, thắc mắc nọ” cản trở đến thời gian tan trường.

Đa phần sinh viên thường chơi dài trong những ngày học tập. Người chăm chỉ thì tận dụng thời gian rảnh rỗi tìm công việc part-time kiếm thêm thu nhập. Kẻ điều kiện, hoặc siêu lười thì ngoài thời gian lên lớp công việc chủ yếu là: ăn, ngủ, xem phim, nghe nhạc, game, tiệc tùng, sinh nhật, chat chít… thậm chí sẵn sàng “đầu tư” cả tối chỉ để “nấu cháo điện thoại”. Và khi gặp bạn bè câu cửa miệng của họ thường bắt đầu với những cụm từ “bất di bất dịch”: “chán đời”, “chán quá, chẳng biết làm gì”…

Là sinh viên năm nhất, song Mai Thị Vân (Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ-Mẫu giáo Trung ương I) rất chăm chỉ làm thêm. Với Vân: “làm thêm không chỉ để kiếm tiền mà quan trọng hơn là học hỏi kinh nghiệm, làm thêm cho đỡ chán”. Thấu suốt tư tưởng đó, cô nàng đa-dzi-năng lắm. Sáng bán kem, chiều đi học, buổi tối phục vụ quán ăn giúp bác, tối về tắm gội rồi lăn đùng ra ngủ vì cả ngày loi choi quá mệt.

Cái điệp khúc: bán kem, đi học, phục vụ quán ăn cứ lặp đi lặp lại từ ngày này, sang ngày khác, tháng này đến tháng khác và ngay cả đến tháng thi cái điệp khúc này cũng chỉ bớt đi 2 từ “đi học”. 8h sáng Nga vẫn tới quán kem và 5h vẫn có mặt ở quán “nhậu”. Việc ôn thi thường được cô nàng “bố trí” xen kẽ vào những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Khác với Vân, Duy Hùng (Đại học Điện lực Hà Nội) và em trai lại có một công việc part-time khá mới mẻ khi quyết định “đầu tư” mấy bộ bàn ghế, cốc chén và thay nhau trở thành ông chủ quán trà đá từ “vươn thở cho đến tiếng thơ”.

Minh Đại (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) lại tìm đến “món” game như một “công cụ giết thời gian” . Học về, cậu lao vào game như một con thiêu thân. Suốt ngày bận bịu với món game kiếm thế, ngay cả cơm cũng không có thời gian nấu.

Nói về cái sự học của anh họ mình Bùi Thị Lan (Học viện Hành chính) cho biết: “Anh ấy lười lắm, Sáng ngủ 10, 11h trưa mới thèm mò dậy, chiều tới trường, tối về thì chơi game, đến tận 3, 4h sáng mới ngủ. Mình muốn dùng máy cũng không xong. Có hôm 7h sáng mình dậy chuẩn bị đi học, thấy anh ấy đang ngồi chơi game. Tưởng hôm nay động trời-dậy sớm, hóa ra thức từ hôm qua tới giờ lão ta vẫn… chưa kịp ngủ”

Hoàng Thị Ngân (Đại học Công Đoàn) lại có cách giết thời gian “hiệu quả” hơn khi ngoài thời gian đến lớp cô nàng ngủ nhiệt tình-9,10h trưa mới “bình minh”. Buổi tối, không đi chơi, thì ngồi buôn dưa lê, dưa chuột, “nấu cháo điện thoại” suốt ngày. Đến “giai đoạn nước rút” cô nàng mới “vắt chân lên cổ mà chạy”.

Đến những “độc chiêu” gian lận mùa thi

Chơi dài, đến tháng thi thay vì chong đèn “dùi mài kinh sử”, một bộ phận không nhỏ sinh viên luôn nghĩ ra đủ chiêu qua mặt giám thị. Trước kỳ thi một ngày, mọi công tác chuẩn bị hầu như đã được hoàn tất: từ việc mua tài liệu, chép “phao” cho tới việc sạc pin điện thoại đều được sinh viên chuẩn bị kỹ càng.

Bận bịu với những công việc part-time nên Vân (Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ-Mẫu giáo Trung ương I) chẳng có nhiều thời gian cho việc ôn thi, sáng đi làm, chiều đi làm, tối về thấm mệt nên học chẳng được bao nhiêu. Tối tối cô nàng cũng chong đèn tới khuya như ai nhưng mệt quá nên toàn “gục” ngay tại trận.

Nói về cái nghiệp thi cử của mình, Vân thành thật: Kỳ này bọn mình toàn học môn nhiều chữ, cố học cũng chỉ nhớ được vài ý thôi, mà có thuộc thì kiểu gì lúc thi vẫn phải thủ “phao” mới yên tâm được.

Vào phòng thi thầy cô dễ tính thì lôi ra chép, không thì cũng phải tranh thủ “quay” được một ít mới yên. Khi nào không thể chép, thì chém gió theo trí nhớ của mình thế là ổn.

Bận bịu với game nên hầu như Đại chẳng có nhiều thời gian cho việc học. Ngày thường lười học đã đành nhưng đến tháng thi cậu vẫn “án binh bất động” mặc cho cô em thúc giục thế nào Đại cũng chỉ lặng lẽ… cày game.

Lý giải cho cái sự lười của mình Đại cho biết: mình là dân khối A, nhằn thế nào cho được mấy môn học thuộc… như mấy bạn. Thế nên có học cũng chẳng ăn thua. Cách tốt nhất là chơi quả sấp ngửa, cứ mang tài liệu vào, may mắn thì chép được, bị bắt thì xin, đen hơn thì chịu thi lại. Thế thôi, chứ học có đến Tết tây cũng chẳng thuộc”

Thấu suốt tư tưởng đó, sát ngày thi cậu cũng chẳng thèm học hành gì, thi thoảng gọi điện rối rít xin đề cương bạn bè, copy một bản đi phôtô loại cỡ nhỏ, còn một bản “tống” vào E-mail, khi nào thi thì cố tình mang điện thoại vào, “nếu có cơ hội sẽ lôi phao giấy ra chép cho tiện, trường hợp bị tóm bản giấy thì vẫn còn bản mềm lo gì” – Đại nói.

Còn Ngân (Đại học Công Đoàn) lại tỏ ra “chuyên nghiệp” hơn, khi lần nào đi thi cô nàng cũng thủ sẵn ít nhất 3 bộ “phao” cho chắc. Vân nói: Giám thị trường em tinh lắm, mang một bộ vào bị tịch thu là chết ngay, tốt nhất cứ “thủ” sẵn 3 bộ, thu cái này vẫn còn cái khác. Môn nào thấy tình hình hơi căng thì cố lục lọi trí nhớ “chém” cho đầy giấy.

Vả lại lớp em đồng tâm trong thi cử lắm, học Kế toán, đầu vào khối A, khối D nên những môn xã hội hơi kém. Năm đầu lại học toàn những môn “nhiều chữ” nên cả lớp “rủ nhau” mang tài liệu vào.

Việc sắm tài liệu thì quá đơn giản, chỉ vài bước chân ra các hiệu photo trước cổng trường có thể mua đủ các loại phao, 5 nghìn/môn, tha hồ chọn.

“Phao ruột mèo” nhỏ gọn, nhưng khó chép nên bọn lớp em chuộng loại “phao” vuông, tuy to bản hơn chút ít nhưng được cái dễ chép.

Cả lớp rủ nhau mua “phao” giống nhau nên cũng tiện. Khi thầy cô phát đề những đứa ngồi dưới thường tranh thủ giở rồi thông báo số trang cho cả lớp. Những đứa khác khỏi mất công tìm, tranh thủ lúc giám thị viết đề thi lên bảng giở “phao”, xé những trang cần thiết nhét vào một túi khác, rồi chờ thời cơ thuận lợi là chép ngay”- Ngân nói
Phạm Lâm
(Lớp Báo in K28A1, Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.