Hạnh phúc vượt trên nỗi đau da cam

TT – Tại TP Long Xuyên (An Giang), mấy tháng đã trôi qua nhưng nhiều người vẫn còn nhớ một đám cưới rất vui, rộn ràng như trò chơi nhà chòi ngày thơ bé: đám cưới của anh thợ bạc Nguyễn Hồng Ngọc và cô bán hàng Nguyễn Hồng Cẩm.

Hạnh phúc vượt trên nỗi đau da cam

Hai vợ chồng Ngọc – Cẩm hạnh phúc trong ngày cưới – Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngọc 24 tuổi, cao 1,27m, Cẩm cũng 24 tuổi, cao 1,35m. Nhìn cô dâu, chú rể xúng xính cầm tay dắt nhau đi chào hai họ, ai cũng cười và nhiều người rơi nước mắt.

Hành trình 24 năm

Để có được hạnh phúc này, Cẩm và Ngọc đã 24 năm dài vượt qua nỗi đau của di chứng chất độc da cam. Giờ đây, vẫn mang chất độc ấy trong từng tế bào, họ lại cùng nhau, tiếp tục…

Ông Lê Ngọc Năm, phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh An Giang, cho biết Hồng Ngọc và Hồng Cẩm bị nhiễm chất độc da cam và được trợ cấp theo chính sách. Ngọc bị nặng hơn Cẩm. Ở An Giang, đây là lần đầu tiên hai nạn nhân nhiễm chất độc da cam tổ chức đám cưới.

Ông Nguyễn Hồng Phước, 55 tuổi, cha của Ngọc, đã có mười năm chiến đấu trong trung đoàn 1, sư đoàn 9, đơn vị bộ đội chủ lực miền Đông, lăn lộn giữa các cánh rừng miền Đông những năm chiến tranh ở vào giai đoạn ác liệt nhất. Hòa bình, ông Phước mừng rỡ về lại với đời thường, lấy vợ sinh con, về xứ miền Tây sinh sống.

Ba đứa con lần lượt ra đời. Con trai út lọt lòng nhỏ xíu như con cá lóc, ông Phước vẫn vui, đặt tên con là Hồng Ngọc gửi gắm bao điều. Rồi Ngọc 1 tuổi, 2 tuổi, 7 tuổi mà vẫn cứ bé xíu, chỉ bằng một nửa con hàng xóm, ông Phước mới giật mình nhớ lại những năm tháng trong rừng miền Đông, những lần máy bay sà thấp, phun ra một đám sương mù, rồi lá rụng ào ạt…

Khi Ngọc lên 7, ông Phước vẫn dẫn con đến trường, tự tay đóng bàn ghế thấp lè tè cho con. Nhìn đứa bé nhỏ tí tẹo, thầy cô ái ngại xếp cho một góc ngồi đặc biệt dễ chép bài. Ngọc ngồi lâu một chút lại đau mỏi, thầy cô cho phép được tìm chỗ nằm. Môn thể dục, giờ lao động tập thể Ngọc được miễn. Giờ ra chơi, các bạn chạy nhảy, đá cầu, đá banh, Ngọc đành ngồi nhìn. Mấy đứa bạn tinh nghịch ghẹo: “Thằng Ngọc là đứa xí trai, nuôi hoài không lớn”… Không ít lần Ngọc khóc, từ khi còn là đứa trẻ cho đến khi là một đứa con trai trong thân hình đứa trẻ.

Rồi Ngọc được đọc sách, báo, xem ảnh, xem phim về chất độc da cam. Rất nhiều người có gương mặt, thân hình biến dạng, nhiều người mất cả tri giác, nhiều người phải sống đời thực vật… Ngọc nhận ra mình may mắn. Nụ cười trở lại. Ngọc tự tay lau nhà, rửa chén, nấu cơm, giặt đồ. Ngọc tập đi xe đạp, tham gia sinh hoạt lớp, sinh hoạt xóm giềng…

Thấy con không còn mặc cảm vì thân hình bé tẹo, ông Phước ấm áp cõi lòng, cất đi được nỗi âu lo con sức yếu, vác cái ghế đi xa không nổi làm sao để sống mai này. Hết lớp 9, Ngọc xin cha cho học nghề. Hai cha con chọn nghề điện tử. Nhưng với cái tivi 14 inch Ngọc cũng phải vật lộn ì ạch cả ngày. Lại tìm chọn nghề khác, cuối cùng Ngọc đã đứng vững được ở nghề thợ bạc.

Làm nghề thợ bạc, lương tháng vài triệu đồng, ở khóm Đông Hưng, phường Đông Xuyên, TP Long Xuyên, An Giang như vậy là khá ổn định. Đến tuổi thanh niên, Ngọc cũng bắt đầu mơ tới bóng thướt tha của những cô gái, cha mẹ cũng nhắm tới vài người nhưng ai cũng lắc đầu. Nhiều người trả lời dứt khoát: gả con gái cho Ngọc chẳng khác nào bỏ con, nếu con cái lại bị di truyền chất độc thì thêm khổ… Nỗi tủi phận ngày nào đã mờ phai nay lại ập về.

Hai nửa tìm nhau

Rồi Ngọc quen được Hồng Cẩm. Cẩm quê ở Thoại Sơn, An Giang, cùng tuổi Ngọc, cùng bé nhỏ, cùng mang trong người chất độc da cam. Cẩm theo dì lên Long Xuyên phụ bán tạp hóa. Mới gặp nhau, ngỡ ngàng vì những điểm chung nhưng Ngọc e dè lắm. Cẩm còn nhút nhát hơn. Cả hai hẹn hò, không công viên, không đi bát phố, chỉ là những phút bất chợt chạy qua chạy lại mua đồ, nhắn tin hay uống ly nước mía gần nhà… Mấy tháng trời như thế đã rõ lòng nhau, cùng thấu nỗi buồn da cam, Ngọc và Cẩm quyết định làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Ngày ra UBND phường đăng ký, ai cũng ngạc nhiên và rồi đám cưới diễn ra trong niềm vui của hai họ. “Không biết tụi tui có thể có con được không? Nếu có, con tụi tui có bị di chứng gì của chất độc da cam không?” – Ngọc, Cẩm hay bất chợt hỏi mọi người như vậy. Nỗi lo cứ dài ra từ đôi vợ chồng trẻ tới hai bên nội, ngoại. Cả hai đang bàn tính dành dụm để Cẩm cũng đi học nghề thợ bạc, mở một tiệm bạc tại nhà để tiện chăm lo cho con sau này.  Ước mơ ấy đang lớn dần…

ĐẶNG THÀNH CÔNG

Kết thúc hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam

Ngày 9-8, hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần 2 đã bế mạc tại Hà Nội. Trong lời kêu gọi phát đi sau hội nghị, các đại biểu là nạn nhân chất độc da cam và các nhà hoạt động xã hội liên quan đến vấn đề da cam thống nhất 50 năm đã qua kể từ khi quân đội Mỹ bắt đầu rải chất độc da cam ở VN, nhu cầu của các nạn nhân chất độc da cam là cấp bách và cần có những hành động tức thì.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam VN, hiện đã xuất hiện nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ tư ở VN, đây là chắt của cựu quân nhân và nhân dân từng sống trong vùng bị rải chất độc. Theo ông Nguyễn Văn Rinh – chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam VN, tại hội nghị đã có hai đề nghị của đại biểu quốc tế đề nghị các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất da cam trong chiến tranh thành lập quỹ 30-40 tỉ USD để tẩy độc môi trường và bồi thường cho nạn nhân của chất da cam. Ông Rinh cho hay ngoài nạn nhân VN, hiện còn các cựu quân nhân Mỹ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand bị phơi nhiễm trong thời gian tham chiến tại VN.

Hôm nay 10-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam VN tổ chức mittinh kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở VN (1961-2011) tại Hà Nội.

LAN ANH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.