Độc thân mà không cô độc

Đều qua tuổi tứ tuần mà không lập gia đình, gần chục chị trong một khu phố (phường 11, quận 10, TP HCM) lập thành “hội độc thân vui tính”, ban ngày ai cũng có công việc riêng, đến tối lại tụ tập tán gẫu, đi bar, ăn uống…> Phụ nữ châu Á sợ hôn nhân/ Tiếng thở dài của phụ nữ độc thân tuổi xế chiều

“Chẳng việc gì phải buồn, đâu nhất thiết hạnh phúc là phải lấy chồng. Tụi tôi hàng ngày ai cũng có công việc hết, tối về đi chơi với nhau, chẳng còn thời gian rảnh mà nghĩ ngợi lung tung”, chị Hoa, 46 tuổi vui vẻ giải thích.

Mang tên là hội độc thân, song hội viên của nhóm rất phong phú, có người đã lập gia đình, cũng có người lỡ một lần đò, thậm chí cả các bà, các chị đã có gia đình đề huề nhưng ham vui nên cũng tham gia.

Chị Hoa, trưởng hội cho biết, hầu như ngày nào các thành viên cũng gặp nhau, chọn địa điểm là tư gia của một người nào đó rồi tổ chức ăn uống, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hoặc ngồi hát karaoke… Trong một năm, hoạt động của nhóm linh đình nhất là những dịp lễ như: valentine, mồng 8 tháng 3, giáng sinh và những hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật của khu phố, phường, quận, thành phố… không bao giờ thiếu mặt các chị.

“Cũng gặp gỡ với nhóm này nhóm kia linh đình lắm nghen, nhiều khi nghĩ nếu lập gia đình rồi có con cái vướng bận đâu còn vui như vậy được”, một chị trong nhóm phấn khởi tiếp lời.

Các thành viên trong một hội độc thân ở Sài Gòn. Ảnh: Thi Trân.
Một hội độc thân lớn nhất nhì TP HCM với hàng chục nghìn thành viên. Ảnh: Thi Trân

Mặc dù nhan sắc không kém cạnh ai, song khi lựa chọn lối sống độc thân, mỗi chị em trong hội này đều có một lý do, hoàn cảnh khác nhau. Có người ngay từ đầu đã xác định không thích lấy chồng, chị khác vì ám ảnh chứng kiến bi kịch của các gia đình khác, có người thì sợ bị ràng buộc…

Như chị Nga, thành viên “gạo cội” của hội cho biết, hồi còn trẻ chỉ thích vui chơi, bay nhảy, rồi khi tốt nghiệp đại học ra trường lại vùi đầu vào công việc. Cứ thế mải mê với sự nghiệp, chức vị ngày càng cao chị càng bận rộn nên không có thời gian nghĩ đến chuyện yêu đương. Chị bảo: “Hồi đó cũng khối anh theo ngỏ ý chuyện trăm năm nhưng mình nghĩ còn trẻ sợ vướng bận. Giờ nhìn lại mới thấy thời gian trôi qua nhanh quá, mới đó đã U40. Vậy nên khuyên các bạn có lấy chồng thì quyết nhanh chứ tới tuổi ‘băm’ rồi lại lình xình không đủ can đảm quyết định”.

Các cuộc khảo sát xã hội học gần đây cho thấy, việc lựa chọn lối sống độc thân có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng quốc gia nào. Sự thay đổi này được lý giải do những cải tiến về giáo dục cũng như mức thu nhập và quan niệm sống của phụ nữ hiện đại. Nếu như trước đây, việc kết hôn được xem là cất cần thiết, thì ngày nay, phụ nữ được quyền đến trường, học hành bình đẳng như nam giới. Và việc có một công việc, thu nhập ổn định giúp chị em có nhiều sự lựa chọn hơn, trong đó có cả việc có hay không lấy chồng.

Như trường hợp của bà Lý, 53 tuổi, làm nha sĩ (ở quận 8, TP HCM), từ nhỏ đã bị ám ảnh cảnh các chị em trong nhà khi lấy chồng gặp phải “sâu rượu” suốt ngày đánh đập chửi mắng vợ con. Từ đó bà Lý quyết tâm “ở vậy” suốt đời, dù lại vấp phải sự phản đối của cha mẹ. “Gia đình không đồng ý, tôi dọn ra ở riêng. Tôi nghĩ kỹ rồi, mình cứ lo làm có tiền rồi đến già gửi vào viện dưỡng lão để nhân viên người ta phục vụ, có khi còn chu đáo hơn cả chồng con nữa”.

Sống một mình từ đó đến nay, giờ bà Lý rủ thêm 2 bà bạn đồng nghiệp cùng cảnh ngộ về nhà sống nương tựa nhau ở buổi xế chiều. Ban ngày các bà dồn hết tâm huyết cho công việc khám chữa bệnh ở phòng mạnh, tối về cùng nhau nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa rồi lên mạng, chơi game, xem phim. “Mỗi dịp đi chơi hay khám chữa bệnh từ thiện ở những vùng sâu, vùng xa tụi tôi đều đi cùng nhau vui lắm”, bà Lý thổ lộ.

Còn bà Hiền năm nay đã 60 tuổi, dù không tham gia hội nhóm đình đám, nhưng bà tìm niềm vui bằng việc làm từ thiện với một nhóm bạn ở nhà thờ. Hàng ngày bà đi khắp nơi tìm hiểu những mảnh đời côi cút, trẻ em lang thang rồi liên hệ với những tổ chức từ thiện để bàn cách giúp đỡ những đối tượng này.

“Hồi tôi còn là sinh viên thì bố tôi bị tai nạn qua đời. Mẹ phải một mình gồng gánh nuôi 4 chị em tôi ăn học. Thế là từ đó tôi luôn tự nhắc mình không được yêu đương mà xao nhãng học hành. Ra trường đi làm nuôi các em ăn học, riết rồi tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình”, bà Hiền tâm sự.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM cho rằng, việc ngày càng nhiều người chọn sống độc thân là một xu thế phát triển tất yếu của xã hội. “Từ xưa đến nay trong xã hội nào cũng có người lập gia đình và một bộ phận khác chọn lối sống độc thân. Nếu trước đây do định kiến cộng đồng nên những người bị xem là ‘ế’ này thường sống ẩn mình, thì ngày nay quan niệm xã hội đã thoáng hơn và chính những người độc thân cũng mạnh dạn hơn khi khẳng định bản thân mình”, ông nói.

Ông Sĩ cho rằng, có rất nhiều lý do để một người lựa chọn bậc sống mà họ cảm thấy phù hợp. Vì thế gia đình và xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn về những người độc thân , bởi thực tế cho thấy đâu phải lúc nào người lập gia đình cũng hạnh phúc.

“Suy cho cùng hạnh phúc là được làm những gì mình thích. Nếu ngày xưa người độc thân lo lắng phải chịu cảnh cô độc ở buổi xế chiều của cuộc đời khi không có con cái chăm sóc, thì ngày nay các dịch vụ xã hội đã bắt đầu quan tâm tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp cận các phúc lợi xã hội nhiều hơn rồi”, vị chuyên viên nhìn nhận.

Thi Trân

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.