Hãy nghĩ đến người thân

TT – Đôi khi người thân của bị cáo chính là những người đau khổ nhất tại phiên tòa. Có người mẹ, người cha đã suy sụp vì con phạm tội, có người vợ phải khóc hết nuớc mắt vì chồng, có người con xấu hổ đến mức bỏ học vì tội của cha…

Hãy nghĩ đến người thân

Nếu trước khi phạm tội mà nghĩ đến giây phút này, biết đâu các bị cáo đã có thể dừng tay?…

Hãy nghĩ đến mẹ cha

Nhà nghèo nhưng P.T.H.N. luôn là học sinh giỏi trong suốt thời phổ thông. Thời gian học đại học, N. tự nuôi việc học bằng cách đi chạy bàn, tiếp thị… Khỏi nói cha mẹ của N. tự hào như thế nào, còn hai đứa em xem anh là gương sáng nên cố gắng học và đều đậu đại học.

Tuy vất vả, cực nhọc nhưng cuộc sống đang diễn ra tốt đẹp thì không biết tự bao giờ người sinh viên năm cuối ấy đã có ngọn lửa sân hận hừng hực trong lòng để rồi lần đó bùng lên đốt sạch nhiều thứ quý giá.

Hôm đó, nhóm sinh viên Trường đại học Nông lâm ngồi nhậu ở một nhà trọ. Tàn tiệc N. và H. bàn về chuyện game online dẫn đến cãi vã. Chỉ có thế, H. định lấy kéo đâm N. nhưng được mọi người can ngăn. N. về phòng trọ nhưng lòng vẫn tức tối nên lấy dao và điện thoại kêu đám bạn, trong đó có Nguyễn Quốc Hưng kéo đến trả thù. Và khi thấy một sinh viên tên P., Hưng tưởng nhầm là H. nên đã đâm chết anh P..

Nộ khí đằng đằng của buổi tối đó đã biến mất, nhường chỗ cho sự bợt bạt trên hai khuôn mặt thuỗn dài cứ cúi gằm xuống trong phiên tòa vừa qua tại TAND TP.HCM. N. cúi đầu: “Chỉ vì không kiềm chế bản thân, bị cáo đã đánh mất tương lai, sự kỳ vọng của cha mẹ, sinh mạng của bạn mình. Bị cáo xin lỗi gia đình P.. Và con cũng xin cha mẹ tha lỗi cho con…”.

Tòa tuyên bị cáo N. (24 tuổi) 8 năm tù giam, Hưng (22 tuổi) tù chung thân. Cha của N. ngồi còm cõi, hai hốc mắt sâu trũng và đen kịt, có lẽ do vừa vất vả mưu sinh vừa cõng nỗi đau buồn quá nặng trên vai. Người mẹ chịu không nổi cú sốc khiến bệnh tim trở nặng phải nhập viện nên không đến dự phiên tòa.

Hậu quả Hưng gây ra cho người thân cũng rất khốc liệt. Cha mẹ ly hôn khi Hưng mới 2 tuổi. Người mẹ ở miền quê nghèo khó quyết định không đi thêm bước nữa để dồn hết tâm sức cho đường đời con mình được xán lạn như người ta. Nhưng hành động của Hưng đã khiến bà bị tai biến liệt nửa người. Không biết người mẹ sẽ sống ra sao trong phần đời còn lại khi đứa con là mục đích sống duy nhất của bà phải lãnh án chung thân…

Ngày 25-8-2011 phiên tòa xử vụ án cưỡng đoạt tài sản ở TAND TP.HCM. Xe tù hú còi chạy vào sân tòa. Người mẹ ấy tất tả chạy theo. Cửa xe mở, từng bị cáo bị dẫn giải xuống, bà chen đến gần nhưng không có con bà. Khoảng mười phút sau, một chiếc xe tù lại hú còi chạy vào, người mẹ giờ này đã đứng sẵn ở bậc tam cấp. Vị trí đó bà nhìn mặt rất rõ khi con bị dẫn giải vào phòng xét xử…

Suốt buổi xét xử, một tay bà ôm lấy đầu, một tay lấy khăn liên tục chậm nước mắt. Bà gục xuống bàn thổn thức khi thấy cảnh phóng viên chụp ảnh con mình. Trong lời nói sau cùng, sau khi xin lỗi cơ quan, đồng nghiệp, làng báo, bị cáo P.H.B. đã thốt lên: “… Bị cáo cũng xin lỗi gia đình vì gây ra tai tiếng xấu. Mong rằng đừng ai phạm sai lầm như bị cáo”. Nghe đến đây, người mẹ lại ôm ngực, nấc lên…

Tòa tuyên án B. 7 năm tù, người mẹ lảo đảo. Khi con bị dẫn giải ngang qua, bà cố nhoài người qua hàng rào bảo vệ nắm tay con nhưng khi cách tay con chỉ khoảng một gang thì bà lả người lịm xuống. Bà cứ nấc lên từng cơn, mặt dần tái rồi ngất đi. Đến giờ phải đóng cửa phòng xử nên người nhà phải bồng bà ra đặt nằm ở hàng ghế bên ngoài…

Hãy nghĩ cho người bạn đời

Theo hồ sơ vụ án, Trần Hoàng Phúc bị tòa sơ thẩm tuyên 5 năm tù về tội đánh bạc. Bị cáo làm đơn kháng cáo, TAND TP.HCM mở phiên phúc thẩm.

Vợ bị cáo khóc rấm rứt khi tâm sự với tôi: “Ảnh với em làm chung công ty. Chúng em cưới nhau gần hai năm, ở trọ nên ráng làm để mua nhà cửa. Không ngờ ảnh lén lấy hết tiền chơi số đề. Sau khi ảnh bị bắt, em xấu hổ với đồng nghiệp nên đã nghỉ làm ở công ty đó. Từ ngày ảnh bị tạm giam tới nay, vừa phải lo thăm nuôi vừa phải lo công việc. Rất mệt mỏi. Nói chung ảnh cái gì cũng tốt, duy có việc mê số đề. Cha mẹ em giận em tại sao lại đồng ý làm vợ một người như vậy để giờ phải chịu khổ, bộ khi yêu nhau không tìm hiểu sao nên cha mẹ em không đến dự phiên tòa. Trước khi cưới ảnh hứa với em nhiều lắm nhưng lại không giữ lời”.

Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm. Vợ lại rấm rứt khóc. Còn bị cáo cũng vội vã đưa đôi tay bị còng lên chùi nước mắt.

Hãy nghĩ cho con

Đứng trước vành móng ngựa TAND TP.HCM hôm đó là một người đàn ông 44 tuổi. Cô con gái 17 tuổi, thỉnh thoảng chắp đôi tay lên cầu khấn. Theo hồ sơ vụ án, cha em bị truy tố với tội danh tham ô, đã lập danh sách khống để chiếm đoạt gần nửa tỉ đồng. Mặt cô bé căng thẳng, đôi mắt đỏ hoe, ngập đầy lo sợ.

Khi chủ tọa hỏi tại sao lại tham ô? Người cha trả lời do kinh tế gia đình gặp khó khăn thì cô bé lại khóc ròng. Khi nghe kiểm sát viên nói bị cáo đã có hành vi nguy hiểm, làm nghèo đất nước phải xử nghiêm để răn đe thì em run bắn lên, nước mắt tuôn tầm tã.

Qua câu chuyện giữa người thân của cô bé, tôi biết rằng cô bé tin cha mình rất thanh liêm, chính trực nên đã cự cãi khi đám bạn học của em nói cha em tham nhũng. Người mẹ không muốn con đi dự phiên tòa bởi biết con rất nhạy cảm, nhưng em nằng nặc đòi đi để được gặp mặt cha…

Không biết em có nguôi ngoai hay những hình ảnh, câu nói trong phiên tòa hôm nay sẽ in hằn trong ký ức em dai dẳng đến suốt đời? Những câu hỏi đó cứ xoáy mãi trong đầu tôi.

Giờ nghị án, người cha với đôi tay bị còng xoay xuống nhìn người thân hỏi xem có khỏe không? Cô bé tức tưởi: “Cha ơi!…” rồi nghẹn lời không nói được nữa. Tòa tuyên án 15 năm tù. Cô bé òa lên rồi té xỉu.

MINH TÂM

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.