Làm việc trái ngành có cơ hội thành công?

TTO – Bạn phải đối mặt với những thách thức nào khi làm trái ngành? Người làm trái ngành có nhiều cơ hội thành công không? Đó là những vấn đề “nóng” được các doanh nhân, nghệ sĩ chia sẻ với hơn 1.000 sinh viên trong hội thảo “Sinh viên và những câu chuyện trái ngành”, diễn ra tại ĐH Kinh tế TP.HCM vào sáng nay 29-10.

Làm việc trái ngành có cơ hội thành công?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên – chia sẻ về việc làm trái ngành với các sinh viên – Ảnh: Cẩm Viên

Đối diện với bản thân

Từ đầu chương trình, ông Nguyễn Minh Triết – giám đốc Strategy Asia Group, một chuyên gia marketing xuất sắc – khiến nhiều sinh viên bất ngờ khi cho biết ông từng học ngành nghiên cứu hóa dầu của ĐH Bách khoa TP.HCM.

Từ bỏ một công việc ổn định với mức lương cao, ông Triết quyết định đi làm kinh doanh với mức lương 500.000 đồng/tháng trong sự ngỡ ngàng, thất vọng của gia đình và thầy cô. Ông bước vào một lĩnh vực mà ông không có kiến thức, kinh nghiệm nên tất cả phải bắt đầu từ con số không.

Ông Triết cho biết: “Kinh doanh như là cơ hội mới mở ra với tôi nhưng cũng đầy thách thức, tôi thấy mình đam mê với việc kinh doanh và như thể tôi sinh ra là để làm kinh doanh vậy. Trước sự phản đối của người thân, thầy cô, tôi đã đối diện với bản thân và quyết định đi trái với ngành học của mình, lúc đó tôi như một người dại khờ, ngu si mang đầy khát vọng ở một ngành mới và tôi đã quyết định đúng”.

Có thể trước ngưỡng cửa vào đại học, bạn bị nhiều áp lực từ người thân, bạn bè, thầy cô và bạn chọn ngành không đúng. “Đừng định kiến với bất cứ ngành nào, chỉ cần bạn có đam mê và khả năng làm công việc đó, hãy định nghĩa thật rõ ràng chữ nghề – nghiệp – ngành, từ đó bạn sẽ có hướng đi đúng. Có hướng đi đúng bạn sẽ thể hiện được giá trị và năng lực bản thân” – đó là khẳng định của ông Huỳnh Phước Nghĩa – giảng viên khoa thương mại – du lịch – marketing ĐH Kinh tế TP.HCM, thành viên hội đồng CMO.

Ông Nguyễn Minh Triết – giám đốc Strategy Asia Group – chia sẻ cùng các bạn trẻ tại hội thảo – Ảnh: Cẩm Viên

Một sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM hỏi: “Em đang học về ngoại thương nhưng rất thích ca hát. Vậy em có nên bỏ ngành đang học để đi hát không?”. Theo diễn giả Minh Triết, con người chúng ta có rất nhiều thứ để thích, có thể hôm nay bạn thích cái này nhưng ngày mai lại thích cái kia. Trò chơi tâm trí luôn thay đổi và bạn phải trải nghiệm thực tế để tìm ra câu trả lời. Nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn có đam mê hay không? Và bạn có khả năng biến đam mê đó thành hiện thực không?

Một lời khuyên được các diễn giả gửi đến bạn đang bỡ ngỡ không biết có nên chọn việc trái ngành hay không? Là phải trung thực với chính mình, hãy lắng nghe mình mình muốn gì? Dám sống và làm những gì mình muốn; các bạn sẽ tìm cho mình một con  đường đi đúng đắn.

Cởi mở tư tưởng để đón kiến thức mới

“Không ai muốn mình học đại học 3-4 năm rồi lại bỏ nửa chừng và chuyển sang ngành khác. Nhưng dù bạn làm việc có đúng ngành hay trái ngành thì bạn phải luôn cởi mở tư tưởng để tiếp thu kiến thức mới. Kiến thức luôn vô tận, việc học hỏi và trau dồi kiến thức là việc của cả một đời người. Những ngành khác nhau đều có những kiến thức bổ ích riêng. Khi ra ngoài thực tế, bước vào môi trường làm việc bạn luôn chuẩn bị sẵn sàng làm cả những việc mình không thích và làm tốt những việc mình thích. Làm không chỉ cho bản thân mà còn hướng đến mục đích cao hơn là vì gia đình, xã hội” – ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Trung Nguyên, chia sẻ.

Bạn Uy Sang (ĐH Công nghiệp TP.HCM) hỏi về những thách thức khi làm việc trái ngành – Ảnh: Cẩm Viên

Ca sĩ Đoan Trang cũng giúp các bạn trẻ đang có dự định làm trái ngành thêm tự tin với câu chuyện của cô. Chuyên ngành Đoan Trang học là cô giáo dạy tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ – tin học TP.HCM nhưng Đoan Trang đam mê ca hát nên quyết định đi vào con đường ca hát. Làm đúng với đam mê của mình nên Trang luôn tự tin phát huy những sở trường.

Thích thú với sự chia sẻ của diễn giả bạn Thùy Linh (SV ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: “Qua chương trình, mình thấy mình còn thiếu nhiều kỹ năng để ứng dụng vào thực tế. Mình đúc kết được nhiều từ sự chia sẻ của các diễn giả, mình cần năng động hơn, tự tin hơn với những lựa chọn của mình”.

Bạn Quỳnh Châu (SV ĐH Công nghiệp TP.HCM) chia sẻ: “Mình được gặp và giao lưu với các doanh nhân, nghe họ chia sẻ mình thấy bản thân mình cần cố gắng nhiều, đặc biệt là trau dồi thêm kỹ năng mềm để thích ứng với thực tế”.

Hội thảo “Sinh viên và câu chuyện trái ngành” là hoạt động mở đầu cho chuỗi chương trình “Tự tin vào đời 2011” với chủ đề “Thử thách trái ngành” do ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức.

Chương trình diễn ra từ nay đến ngày 26-11 tại ĐH Kinh tế TP.HCM (279 Nguyễn Tri Phương, Q.10) với các hoạt động hội thảo “Soi bản thân – hướng hành động” (8g ngày 5-11), ngày hội “Thông tin ngành nghề” (8g ngày 12-11), ngày hội “Và tôi sẽ” (8g ngày 26-11), chương trình đồng hành cùng 50 đại sứ là các doanh nhân thành đạt (từ ngày 10 đến 20-11).

CẨM VIÊN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.