Lên truyền hình kể chuyện đời tư

TT – Bật bất kỳ kênh trung ương, địa phương hay truyền hình cáp, dễ thấy tràn ngập các chương trình talk show (đối thoại truyền hình) về chuyện đời nghệ sĩ.

Lên truyền hình kể chuyện đời tư

Các nhân vật trò chuyện trong chương trình Lần đầu tôi kể và Nói ra đừng sợ – Ảnh chụp từ phim

Các chương trình gần đây một mặt tìm cách khai thác triệt để những góc riêng tư của nghệ sĩ, một mặt nỗ lực bứt mình khỏi hai chữ… lá cải!

Dám nói thẳng, kể thật…

Thái Hòa yêu từ tuổi 15, từng bỏ nhà đi bụi hai lần, bằng tốt nghiệp Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh chỉ là hệ C… Ca sĩ Việt kiều Tina Tình xuất phát điểm là một người buôn bán quần áo ở chợ, về nước thực hiện giấc mơ làm ca sĩ chỉ với 1.500 USD trong tay.

Cô từng chụp ảnh nude gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài, vì suy nghĩ nông nổi: “Người đàng hoàng không đạt được gì, còn người không đàng hoàng lại thành công”… Nghệ sĩ Thành Lộc không giấu giếm bí quyết vào vai nữ rất ngọt vì từ nhỏ đã được bố mẹ cải trang thành bé gái (mặc đồ con gái, để tóc dài) để nuôi cho dễ…

Cứ như thế, nhiều cuộc đời của người nghệ sĩ được tái hiện qua chính lời kể của họ trong Lần đầu tôi kể – phần tiếp theo của chương trình Khoảnh khắc thay đổi số phận – vừa lên sóng trên kênh HTV2 vào đầu tháng 10.

Trên Fansipan TV, chương trình Nói ra đừng sợ từng “săn” quyết liệt Hà Dũng để nghe nói thẳng về số phận hãng hàng không thua lỗ. Nói ra đừng sợ cũng đã mang đến một Ðàm Vĩnh Hưng không khoa trương, hiếu thắng như vốn thường, thật thà kể về hoài bão sống khi “chưa là gì”, phải kiếm đủ tiền trả nợ; một Ðào Anh Khánh biết mặc comlê (dù comlê cũng rất Khánh) đi trả lời phỏng vấn…

Không chỉ đơn giản nói về những sở thích, thói quen, nghệ sĩ còn thẳng thắn phơi bày những tật xấu, hình ảnh không đẹp của mình qua máy quay “bắt hình” đến từng chi tiết… cơ mặt. Nhiều khán giả bất ngờ về đời tư của nghệ sĩ hiện rõ mồn một qua lời kể và ít nhiều có cảm giác thú vị về những hỉ, nộ, ái, ố phía sau hào quang của họ.

…và dám tin!

Phản ứng của khán giả vẫn là thước đo hữu hiệu cho cả nhà sản xuất và nghệ sĩ. Khi NSƯT Thành Lộc xuất hiện trong chương trình Khoảnh khắc thay đổi số phận, anh đã nhận được sự đồng cảm của nhiều khán giả. Trên diễn đàn dienanh.net, nickname Kuro 0403 bày tỏ: “Những gì chú Lộc đã… dám kể làm tôi thật sự ngạc nhiên. Lần đầu tiên tôi nghe chính một người nổi tiếng tâm sự về cuộc đời họ, phải chết đi sống lại biết bao lần…”.

Khán giả Minh Thông (Bình Dương) nhận xét: “Khi nghệ sĩ xuất hiện trên báo viết, báo mạng, bạn đọc khó hình dung hết về họ, không thể ngừng đặt câu hỏi nghệ sĩ đó đang nói thật hay xạo. Có thể trước máy quay, nghệ sĩ khó giấu được cảm xúc thật của mình hơn. Không phải cấu trúc chương trình, không phải trang phục nghệ sĩ, những câu trả lời thật lòng đem lại sức hấp dẫn tự nhiên và niềm tin của khán giả vào giới giải trí”.

“Ðiều quan trọng là khán giả thêm hiểu công việc và nghị lực của nghệ sĩ trong hành trình tìm chỗ đứng, đồng thời ít nhiều rút được bài học cho bản thân mình trong cuộc sống” – anh Bờ Vai (dẫn chương trình Lần đầu tôi kể) nhấn mạnh.

Bứt mình khỏi hai chữ…lá cải!

Cũng là khai thác chuyện riêng tư, nhiều người biên tập chương trình không phủ nhận sử dụng nguồn tin từ chính báo lá cải. Và đối thoại truyền hình là cơ hội cho nghệ sĩ “nắn” lại những hình ảnh méo mó, bề nổi hằng ngày trên Internet.

Với độ tin cậy đủ dành cho chương trình và lòng tự trọng trước… khán giả, không ít nghệ sĩ tự tạo được ấn tượng tốt hơn. Thế nhưng, có bị coi là lá cải không khi đi sâu vào cuộc đời riêng của nghệ sĩ thì đó là bản lĩnh của cả nghệ sĩ và những người thực hiện. Trong đó, vai trò của êkip thực hiện cùng người dẫn (host – “chủ nhà”) là cực kỳ quan trọng.

Ôn lại kỷ niệm “thuyết phục” nhân vật, có nhà sản xuất ở Việt Nam “mếu máo” nghiệm ra: “Những nhân vật được mời đều là người có bản lĩnh. Mời được họ chủ động nói ra và nói… thật những điều thầm kín trong lòng không dễ!”.

Có nhân vật chủ động đề nghị lên hình rồi đòi cắt phần cao trào nhất vì lỡ tiết lộ tên một… lãnh đạo cấp bộ. Ròng rã chờ đợi, thống nhất thời gian gặp, có nghệ sĩ phút cuối… đột nhiên biệt vô âm tín. Một cuộc đối thoại truyền hình đã thôi không còn là cuộc hỏi – đáp xã giao, mà là một mối quan hệ được thiết lập từ khi thuyết phục, mời chào nghệ sĩ cho tới khi sản phẩm đáp… sóng an toàn.

Những chương trình đối thoại với nghệ sĩ gần đây trên truyền hình đang có một sự đầu tư gây dấu ấn, màu sắc riêng – từ cách dàn dựng khung cảnh cho đến kỹ năng của người dẫn – với mục đích “tạo được một bầu không khí ấm cúng, nghệ sĩ cảm thấy an tâm khi giãi bày”.

Nói ra đừng sợ gây ấn tượng vì người dẫn – nhân vật trò chuyện trong một không gian với ánh sáng, khung cảnh mượt đẹp. Còn Lần đầu tôi kể gây tò mò với sự xuất hiện thấp thoáng của người dẫn – anh Bờ Vai giấu mặt với phương châm “không ép nghệ sĩ nói ra điều họ không muốn”.

Thế nhưng, đưa nhân vật vào một không gian phù hợp hay hào nhoáng (nhà hàng, hầm rượu, quầy bar…) không đủ để một nhà báo làm kinh doanh như Lê Quốc Vinh – người đang dẫn Nói ra đừng sợ – khỏi chấm mồ hôi trên trán: “Trước đó, một êkip biên tập viên phải tập hợp đầy đủ hồ sơ về nhân vật. Chính tôi cũng phải hiểu nhân vật, tự mình bốc máy gọi điện thuyết phục nhân vật”.

Từ chối gọi mình là MC, Lê Quốc Vinh nói thêm về vai trò của người dẫn chương trình đối thoại trên truyền hình (talk show host): “Host thường ít nói, tiết chế cái chất MC hoạt náo của mình, mà chỉ hỏi hoặc gợi mở cho khách phát biểu chính”.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa những biên tập viên, người dẫn chương trình với giới giải trí trước khi “chọn mặt gửi… lên sóng” cũng rất quan trọng. Như anh Bờ Vai là một nghệ sĩ, diễn viên, bầu sô thân thuộc trong giới. Chính điều này khiến các nghệ sĩ dễ trải lòng hơn với anh trong Lần đầu tôi kể. Chương trình Vân tay trên VTV6 với kỹ năng và mối quan hệ từ bảy năm làm báo của Thùy Minh từng tạo được cá tính bởi những câu hỏi ngắn, truy đến cùng cách trả lời chung chung (sau này khi cô ra đi, chương trình cũng mất đi cá tính đó).

“Chỉ cần một chiếc bàn, hai cái ghế là người dẫn chương trình đã có thể cùng khách mời tạo thành một talk show. Chi phí thấp cộng với nhu cầu được khám phá cuộc đời nghệ sĩ của người xem nên talk show về nghệ sĩ chắc chắn sẽ phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai. Vì thế nếu chương trình không có bản sắc riêng, những chiêu thu hút khán giả thì khó mà tồn tại”, anh Bờ Vai khẳng định một sự cạnh tranh đang có thật.

Và quả vậy, talk show đang thỏa mãn nhu cầu khán giả nhưng với sự bùng nổ của chương trình này, khán giả sẽ dễ chán khi thấy nghệ sĩ – dù là nổi tiếng – chạy vòng vòng từ cuộc kể này đến cuộc sẻ chia khác. Bên cạnh đó, nếu nghệ sĩ nói thẳng nói thật nhưng mờ nhạt trong sự nghiệp, thiếu sự trải nghiệm thì câu chuyện của họ sẽ không đủ sức thuyết phục người xem.

Nghệ sĩ “tung tăng” trên truyền hình

Dạo một vòng quanh các kênh truyền hình, khán giả bắt gặp khá nhiều những chương trình nói về cuộc đời của nghệ sĩ. Game show có Tìm bạn tâm giao (20g thứ tư trên HTV7), Song ca cùng thần tượng (20g thứ sáu trên VTV3). Talk show ngoài Lần đầu tôi kể (HTV2), Nói ra đừng sợ (Fansipan TV) còn có chương trình Vân tay, CLB 2M (VTV6), Nhịp cầu nghệ sĩ (kênh Vĩnh Long 1). Kênh Đồng Nai 1 sáng chủ nhật hằng tuần có chương trình Âm nhạc Online, với đối tượng chính là những ca sĩ trẻ. Trẻ trung hơn có chương trình Thật&thách, Alô-alô (Yeah 1), Leo&U (Yan TV).

HOÀNG LÊ – NGA LINH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.