Thế hệ… gối ôm!

TTCT – Tạm gọi họ, những người trai trẻ 9X (đời giữa đổ về sau), là thế hệ… gối ôm!

Thế hệ… gối ôm!

Minh họa: Vũ Đình Giang

Quay ngược thời gian, nếu thế hệ 8X được sinh ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn ảnh hưởng nặng nề của thời bao cấp, những đứa con ít nhiều chứng kiến được cảnh xếp hàng mua gạo, thịt và từ đó biết mạnh mẽ, tự lập… thì ở thập niên sau, những đứa con được sinh ra có sự chuẩn bị kỹ càng của cha mẹ từ tình yêu thương và cả về vật chất. Và người ta cũng thấy rằng những đứa con ấy lớn lên trong sự thương yêu, bảo bọc, chiều chuộng của cha mẹ nhiều hơn anh, chị.

Tại sao là… gối ôm?

Đa số các gia đình lúc này không còn phải trăn trở, suy nghĩ nhiều về vật chất. Cha mẹ lựa chọn thực phẩm tốt nhất cho con, điều kiện tiện nghi nhất ngay từ khi mới sinh ra. Gối ôm là thứ tối thiểu mà bất kỳ trẻ nào cũng có. Mỗi khi dỗ giấc ngủ cho con, bà mẹ luôn đặt con nằm tư thế ôm gối và cách ru ngủ tuyệt vời nhất là bàn tay mẹ vỗ nhẹ vào mông bé cùng lời hát ru tùy theo “vốn liếng” mẹ có.

Đến lớn, đứa trẻ vẫn duy trì được thói quen ôm gối ngủ, không có gối ôm thấy khó ngủ ngay! Nếu ngày trước chuẩn bị cho con cái đi học xa, bà mẹ chỉ cần trang bị chiếc chiếu hay tấm nệm, gối đầu, chiếc mền hay thêm chiếc mùng là đủ, giờ đây dứt khoát phải có một cái gối ôm.

Con trai học lớp 12, cao hơn bố, vậy mà mẹ vẫn phải sắp sẵn thức ăn trên mâm chờ cậu đi học (thêm) về là có ăn ngay. Sáng sớm cậu đi tắm biển với bạn, đạp xe về nhà đã thấy bố chuẩn bị sẵn xô nước để cậu rửa chân cho sạch cát. Không phải cậu không biết làm công việc hứng xô nước, nhưng ông bố sợ cậu mang dép đầy cát vào nhà. Thậm chí ông bố còn nhớ như in, như mới chỉ hôm qua, mỗi khi đi làm về ông còn bảo con lấy khăn ướt để ông lau mặt cho con.

Thế hệ… gối ôm lớn dần, người ta mới thấy rằng chính sự bảo bọc của cha mẹ đã làm đứa trẻ không được mạnh mẽ như thế hệ anh, chị.

Con trai học lớp 12, cao hơn bố, vậy mà mẹ vẫn phải sắp sẵn thức ăn trên mâm chờ cậu đi học (thêm) về là có ăn ngay. Sáng sớm cậu đi tắm biển với bạn, đạp xe về nhà đã thấy bố chuẩn bị sẵn xô nước để cậu rửa chân cho sạch cát. Không phải cậu không biết làm công việc hứng xô nước, nhưng ông bố sợ cậu mang dép đầy cát vào nhà. Thậm chí ông bố còn nhớ như in, như mới chỉ hôm qua, mỗi khi đi làm về ông còn bảo con lấy khăn ướt để ông lau mặt cho con.

Có thể thế hệ… gối ôm giờ đây rất rành rẽ về công nghệ thông tin. Mẹ mua điện thoại di động phải nhờ con trai cài đặt giúp các tiện nghi cho việc truy cập Internet, nghe nhạc, xem phim online, chat, kiểm tra mail… Máy vi tính trục trặc có con trai giải quyết. Cậu có thể ngồi mấy giờ liền trên máy tính để xem hết thứ này thứ kia nhưng việc giặt quần áo đối với cậu rất nặng nhọc dù chỉ có động tác bỏ các thứ vào máy giặt, cho xà phòng và bấm nút. Giặt quần áo bằng tay lại càng khó mà yêu cầu mẹ đặt ra là con phải tự giặt quần áo lót chẳng hạn.

Ngay cả việc bơm hay lắp xích xe đạp thế hệ gối ôm cũng lúng túng, dính chút dầu mỡ thấy khó chịu, phải rửa tay ngay!

Quan sát một số bạn trẻ ở tuổi teen mới thấy họ cũng chỉ quen… “gối ôm”. Mỗi người ôm một máy tính, một điện thoại và headphone. Ngồi với nhau cũng nhét headphone vào tai và mỗi khi nói chuyện họ lại lấy một tai nghe ra nghe câu hỏi của bạn rồi tiếp tục với bao nhiêu thứ trong laptop hay điện thoại. Người ta thấy những vóc dáng thư sinh, bàn tay trắng trẻo lướt phím rào rào, khiến gợi nhớ về một thời có những chàng trai cơ bắp, khỏe mạnh, xốc vác. Mà có xa lắm đâu!

Giải pháp người trong cuộc

Một ngày, bà mẹ bỗng cảm thấy lo âu cho thế hệ gối ôm ở nhà nếu sau này đi học xa. Đi học nước ngoài thì phải biết tự lập càng sớm càng tốt bởi khi ấy chẳng có ai hầu. Vậy là bà bắt con trai tập dần bắt đầu từ việc xếp dọn mùng mền và giặt quần áo lót. Rồi tiến tới việc lắp pin đồng hồ treo tường… Và bà tạm hài lòng khi thấy đã có thể nhờ vả con trai được. Tuy nhiên, một ngày đi làm về, bà phát hiện nước trong bồn cầu đang chảy ào ạt (có vẻ như rất lâu rồi) và cậu con trai cao 1,7m lúng túng không biết làm cách nào để nó ngưng.

Bà mẹ chợt hiểu ra một điều bà chưa bao giờ dạy con biết ứng phó sự cố. Trường hợp này, có thể mở nắp bồn nước ra và chỉnh lại hệ thống truyền động trong đó. Nếu không được có thể đóng van nước trong nhà tắm hay đóng van tại đồng hồ nước. Bà mẹ giật mình vì bấy lâu nay những tình huống tương tự xảy ra bà (hay chồng) chỉ lẳng lặng làm mà không chỉ vẽ hay giải thích cho con trai.

Một ông bố là doanh nhân thành đạt hoạch định mục tiêu cho con trai phải biết… sửa xe đạp khi vừa tốt nghiệp xong trung học phổ thông. Một việc tưởng chừng quá đơn giản, tuy nhiên có là người trong cuộc mới thấy không dễ chút nào!

Người ta cũng thấy thế hệ gối ôm nhiều khi không biết láng giềng, hàng xóm quanh nhà mình có những ai bởi họ bận rộn quá. Một tuần, giờ chính khóa, học thêm, thời gian rảnh cắm mặt vào máy tính. Chính vì không nhận diện được xóm giềng nên họ không biết nói câu chào hỏi. Điều quan trọng nữa là cái ăn. Người ta cũng thấy nhiều bạn trẻ không biết ăn những thứ như hành, rau thơm, diếp cá, khổ qua, không ăn được cá… Mà tất cả thứ này đều phải tập ngay từ khi còn rất bé.

Người ta cũng thấy thế hệ gối ôm có thể gõ máy tính chat, bình luận rào rào trên mạng ảo thể hiện suy nghĩ, cảm xúc… qua game, nhạc, phim, vấn đề khoa học nào đó. Họ thoải mái thể hiện cảm xúc bất đồng ý kiến hay vui, cười (haha, hehe, hihi…) nhưng ngoài đời thật họ là những người rất ít nói, ít cười và đôi lúc không biết diễn đạt ý nghĩ!

Có cha mẹ quan sát con cái và biết điều này, tuy nhiên cũng có cha mẹ chỉ thấy rằng con mình “ngoan lắm, hiền lắm” mà không hề hay biết con đang làm gì trên máy vi tính mỗi ngày.

Một điều giật mình. Trong khoa học bói toán, người ta cho rằng người ôm gối là người cần tình thương. Tất nhiên, đó chỉ là suy diễn. Tuy nhiên, cũng cần đặt câu hỏi: Phải chăng mấu chốt vấn đề ở chỗ tuy điều kiện vật chất không thiếu nhưng có một thế hệ lại thiếu tình thương?

Làm sao kéo thế hệ gối ôm vào đời thực? Vấn đề không nhỏ!

Và nếu bạn trẻ thuộc về thế hệ gối ôm, bạn nghĩ gì về người lớn?

KIM DUY

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.