‘Cù Trọng Xoay’ viết hài kịch mừng 100 năm Nhà hát Lớn

Lấy cảm hứng từ lần đi Trường Sa, chứng kiến sự hồn nhiên của những người lính trẻ, Đinh Tiến Dũng sáng tạo ra chùm tiểu phẩm hài mang tên “Nụ cười chiến sĩ”. Tiết mục được đưa vào chương trình kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn.> ‘Cù Trọng Xoay’: ‘Việc của tôi không phải cố gắng hát hay’

Những chiến sĩ dí dỏm, lạc quan, yêu đời qua lăng kính của “Giáo Sư Xoay” đã thành những hài kịch ngắn mang đậm chất lính như Chuyện vui nơi thao trường, Quê nhà, Thơ tình lính biển, Đêm giao lưu, Trái tim người lính, Chuyện thật nơi đảo xa… Chùm tiểu phẩm này là một góc nhìn vui về đời sống người lính trẻ dưới sự diễn xuất của các diễn viên Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ gồm Đức Khuê, Ngọc Huyền, Bá Anh, Kim Oanh….

Bên cạnh đó, “Nụ cười chiến sĩ” còn nhắc nhở về lý tưởng sống của một số thanh niên hiện nay. Quê nhà xoay quanh một câu thanh niên mới gia nhập quân ngũ. Trong cuộc sống, đối với cậu làm bất cứ việc gì cũng đều có mục đích, ngay cả khi vào quân ngũ cũng là nhằm được lên chức. Cậu không tin trên đời sẽ có người dám hy sinh bản thân mình để cứu người khác mà không giữ cho riêng mình một chút gì.

Ngoài công việc ở FPT, Đinh Tiến Dũng tham gia viết kịch bản cho rất nhiều chương trình hài và là diễn viên của mục Hỏi xoáy, đáp xoay.
Ngoài công việc ở FPT, Đinh Tiến Dũng tham gia viết kịch bản cho rất nhiều chương trình hài và là diễn viên của mục Hỏi xoáy, đáp xoay. Anh đang nhận được nhiều sự yêu mến của khán giả khi tham gia game show Cặp đôi hoàn hảo.

NSƯT Chí Trung – Trưởng đoàn kịch 2 – cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng một chương trình riêng về người lính. Nhà hát Tuổi trẻ có hàng trăm vở kịch vui về người lính. Trong đó, khoảng 10 vở viết về lính Trường Sa, từ những hoạt động nơi thao trường hay câu chuyện về người lính từ hải đảo xa xôi trở về đất liền thăm người yêu”. Chí Trung tiết lộ, để có kịch bản cho đặc sắc cho Phố Cười, anh đã phải cất công đi đặt hàng, sàng lọc từ nhiều nguồn khác nhau, cuối cùng ưng ý với những sáng tác của Đinh Tiến Dũng. Cùng viết kịch bản cho Gặp nhau cuối năm từ 2007, “Giáo Sư Cù Trọng Xoay” và “Táo Giao Thông” rất hiểu nhau. Chí Trung tỏ ra rất tin tưởng chàng trai sinh năm 1981 và thường nhờ anh viết kịch bản cho thương hiệu Phố Cười. Ngược lại, Đinh Tiến Dũng dù bận rộn với Thư giãn cuối tuần hay Cặp đôi hoàn hảo cũng cố căng mình ra trả nợ đúng hẹn.

Ngoài Phố Cười, các nghệ sĩ Đoàn kịch 2 Nhà hát Tuổi trẻ còn mang đến mừng sinh nhật 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội phần tiếp theo của thương hiệu Đời Cười, với những vấn đề bức xúc của cuộc sống hiện đại như nạn chạy chức, chạy quyền, chạy điểm, chạy trường… dưới bàn tay dàn dựng của NSND Lê Hùng. “Chạy… chọt” để thu vén những lợi ích cho bản thân lâu nay đã bị coi là căn bệnh của xã hội. Đạo diễn Lê Hùng phát triển từ tiểu phẩm Việc làng, nhuộm cho nó màu sắc hiện đại, lấy chuyện xưa nói chuyện nay. Vì khuyết chân tri huyện nên quan lớn về địa phương tuyển chọn từ đám hương chức trong làng nọ. Các chức sắc trong thôn tìm mọi cách hối lộ, lấy lòng quan lớn mong được trọng dụng. Người câm, người điếc, người mù… tìm các kiểu chạy lạ đời. Cũng là một vấn đề “nóng”, “chạy trường” lại mang đến một cái nhìn bi hài về nền giáo dục. Đầu năm học xếp hàng từ gà gáy đi xin học cho con; quan hệ với thầy cô giáo xin điểm cho con, dù mải chơi, lười học vẫn được lên lớp.

“Chúng tôi muốn tiếng cười tấn công vào những gì người dân đang bức xúc hiện nay. Những ông quan tham, dốt nát mà nắm chức quyền thì dân chúng sẽ rơi vào vòng khổ ải, lầm than, kinh tế làm sao mà khá lên được. Còn trẻ em không được quan tâm giáo dục chu đáo, làm sao trang bị đầy trí tài, tự tin cho cuộc sống mai sau. Cười đấy, mà xót xa đấy” – Chí Trung tâm sự.

“Nụ cười chiến sĩ”, “Chạy… chọt” ra mắt khán giả thủ đô trong hai ngày 13-14/11.

Ngọc Trần

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.