Chờ giờ vàng cho âm nhạc

TT – 14 bản tham luận thống thiết đã được gửi gắm trong cuộc hội thảo khoa học Âm nhạc TP.HCM – thực trạng và giải pháp do Hội Âm nhạc TP.HCM, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật thành phố, Sở VH-TT&DL, HTV và Nhạc viện TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 16-11.

Chờ giờ vàng cho âm nhạc

Không hoàn toàn kín rạp, các chương trình thính phòng vẫn được HBSO tổ chức đều đặn vào ngày 9 và 19 hằng tháng ở Nhà hát TP.HCM – Ảnh: Gia Tiến

Công nhận âm nhạc là môn “nghệ thuật ba lần sáng tạo” (do trải qua ba bước: nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ trình bày và khán giả tiếp nhận tác phẩm), vì vậy con đường để khắc phục những vấn đề nổi cộm khá là khó khăn.

Tác phẩm “sống dai” quá ít

Với khối lượng công việc không nhỏ của hàng trăm chương trình ca nhạc các loại trong đời sống âm nhạc của một thành phố lớn, cả nhà quản lý và nghệ sĩ tham dự không thiếu những dẫn chứng chỉ ra nhiều góc tối của hoạt động sáng tác, biểu diễn. Nổi cộm và đang hiện hữu rõ nhất vẫn là chất lượng các ca khúc hiện hành đóng mác “dành cho giới trẻ” hoặc của “tác giả trẻ”.

Làm khuấy động hội thảo về vấn đề này là tham luận của nhạc sĩ Trương Quang Lục. Ông đưa thẳng những chuyện chính mình trải qua, có lúc tận tay ông phải ký âm một số ca khúc…trẻ, đơn giản vì “nhạc sĩ” đó chưa học lý thuyết cơ bản của sáng tác ca khúc, thậm chí chưa biết ký âm sáng tác của mình. Nhạc sĩ nhận xét số lượng tác phẩm của các tác giả trẻ ra đời khá nhiều nhưng số “sống dai” lại quá ít. Các bài tình ca quá nhiều, lại thể hiện theo lối mòn, “não tình” ngay từ cái tựa: Kiếp đàn bà thân xác đàn ông, Ok như vậy đi, Sao lại nhắn nhầm máy anh, Vì sao em khóa máy, Bất ngờ anh yêu người cùng phái…

Ý kiến và một số dẫn chứng dở khóc dở cười của nhạc sĩ gạo cội hoàn toàn được đồng tình. Một số nghệ sĩ cũng thừa nhận dù chất lượng các ca khúc có được thắt chặt khi lên sóng truyền hình, trong các sự kiện lớn, nhưng cũng không thể chống cự lại sức mạnh của số lượng các “phế phẩm” cứ tràn lan tung hoành trên Internet.

Lại bàn về những lỗ hổng trong quản lý, nhạc sĩ Trương Quang Lục đưa ví dụ về trường hợp bài hát Tuổi 16 dù nằm trong danh sách tác phẩm đạo nhạc, vẫn lọt vào một ấn phẩm của một nghệ sĩ tên tuổi. Yêu cầu được đặt ra sau ví dụ là cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Âm nhạc TP.HCM và các đơn vị quản lý. Hay để quản lý tốt các hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp, như trưởng phòng quản lý nghệ thuật (Sở VH-TT&DL TP.HCM) Trần Minh Phương kiến nghị, thay vì các quy định rải rác ở các văn bản, rất cần ban hành luật cụ thể về hoạt động tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp, hoặc tối thiểu Chính phủ cần ban hành một nghị định để điều chỉnh các hoạt động này.

Ca nhạc lúc nửa đêm

Bên cạnh câu chuyện dài về thực trạng sáng tác và biểu diễn, khó có thể không bàn lại thực trạng về lý luận phê bình âm nhạc còn “thiếu, yếu” và những lỗ hổng trong giáo dục, đào tạo âm nhạc tại TP.HCM nói riêng. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đặt câu hỏi chỉ riêng trên sóng truyền hình, trừ các chương trình trò chơi âm nhạc, còn rất ít thời lượng chương trình dành cho những cái làm nên một “nền âm nhạc” như: dân ca, nhạc cổ truyền (chèo, tuồng, hát ả đào, nhạc tài tử Nam bộ, cải lương, nhạc thính phòng, nhạc không lời, nhạc kịch)?

Ông Trần Minh Phương đưa ra con số thể hiện rõ sự chênh lệch về các mảng miếng trong đời sống âm nhạc: “Trong hơn 400 chương trình băng đĩa ca nhạc được cấp phép hằng năm, chỉ có 15-20 chương trình hòa tấu, trong đó chỉ có vài chương trình hòa tấu độc tấu nhạc cụ cổ truyền, 20-30 chương trình thiếu nhi…”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục chua xót chia sẻ một chương trình giới bình luận âm nhạc do ông phụ trách trên HTV có khi bị đẩy vào khung giờ nửa đêm (2g sáng), khán giả hay người thân đều đã “ngủ thẳng cẳng”. Kiến nghị lấp lỗ hổng gây bật cười nhưng đáng ngẫm của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện liền sau đó là: “Mong giờ vàng cho âm nhạc là hơi khó, thôi thì chỉ khẩn thiết yêu cầu dành giờ… đồng hay chì cho âm nhạc cũng được”.

Còn đối với nhạc trưởng Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO), từ chuyện cháy vé của vở vũ kịch gần đây Kẹp hạt dẻ, không giải pháp nào hữu hiệu cho âm nhạc hơn là nghệ sĩ cần cống hiến những tác phẩm thật chất lượng. Kết thúc hội thảo, nhạc sĩ Ca Lê Thuần ngậm ngùi chỉ mong mỗi anh em nghệ sĩ phát huy hết thế mạnh trong âm nhạc (nhưng chớ có là thế… mạnh ai nấy làm!).

Đời sống âm nhạc TP.HCM qua các con số của nhà quản lý: bình quân mỗi năm Sở VH-TT&DL TP.HCM cấp phép công diễn khoảng 350 chương trình biểu diễn ca múa nhạc và thời trang, trên 100 chương trình mang tính chất thương mại, 150 chương trình có tính nghệ thuật, trên 30 chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị; còn lại là các chương trình từ thiện hoặc phục vụ tôn giáo. Đồng thời mỗi năm sở cấp phép phát hành khoảng 500 chương trình băng đĩa ca nhạc, sân khấu (trong đó 80-90 chương trình sân khấu) cho gần 100 cơ sở sản xuất và phát hành băng đĩa (có 20 đơn vị hoạt động). Những con số được coi là phần nào nói lên khối lượng công việc và tính chất phức tạp trong công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

NGA LINH

Làm thế nào để có nhiều tác phẩm âm nhạc “sống dai” chứ không đoản thọ? Cần hỗ trợ gì của xã hội để âm nhạc Việt Nam sinh sôi và đi vào lòng công chúng? Mời bạn đọc Tuổi Trẻ Online chia sẻ ý kiến theo công cụ dưới bài.

 

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.