Dân công sở nuôi mộng kinh doanh

Chị Diệp Anh đang làm tại một công ty truyền thông nhưng luôn mơ mộng kinh doanh vì theo chị “phi thương thì bất phú”. Nghĩ là làm, chị về bàn với chồng trích tiền tiết kiệm đi buôn quần áo trẻ em. >Đi buôn trên Facebook

Lợi thế của Diệp Anh là cũng có con nhỏ nên nắm vững nhu cầu của các bà mẹ khác. Ngoài ra, ở cơ quan cũng rất đông các bà mẹ khác, nên chưa cần đi đâu xa cũng có ngay một nguồn khách hàng dồi dào. “Bán hàng ở cơ quan được thêm một điểm cộng nữa là không mất vốn thuê mặt bằng, và khách hàng thì ‘nhan nhản’ ở ngay xung quanh”, chị hồ hởi cho biết.

Cứ hôm nào Diệp Anh mang hàng lên là các chị em tíu tít xúm lại, lôi hết quần, áo, váy ra ngắm nghía, bình phẩm. “Hàng trẻ em giá rẻ, có những món chưa đến 100.000 đồng, áo ấm cũng chỉ 300.000 đến 400.000 đồng một chiếc nên nhiều người mua, có người chưa con cái nhưng vẫn khuân về vài chiếc cho cháu”, chị cho biết.

Dân công sở đi buôn
Nhiều chị em công sở biến thành ‘doanh nhân” nhờ tận dụng thời gian rỗi. Ảnh: impactlab.net

Phấn khởi với những thành công bước đầu, chị Diệp Anh đang nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh, đầu tiên là lập cửa hàng ảo trên mạng và trong tương lai có thể khai trương cửa hàng thật.

Tương tự, nhiều chị em công sở cũng nghĩ đến chuyện kinh doanh quần áo trẻ em hoặc váy vóc thời trang phụ nữ. Họ cũng từng là khách hàng nên nắm được thị hiếu của những người xung quanh. Bên cạnh đó, hàng quần áo vốn ít, lại gọn nhẹ. Mỗi buổi đi làm, “nhà buôn” chỉ cần khuân một túi đồ đến là tha hồ đi rao bán cho cả ngày hôm đó.

Làm việc ở một cơ quan nhà nước khá lớn, chị Chi cho biết thời gian lao động thực tế mỗi ngày chỉ khoảng vài ba tiếng, còn lại ngồi pha trà rót nước, chơi game hoặc “tám” với mấy chị em trong phòng. Thời gian gần đây, tận dụng thời gian rỗi chị mở một cửa hàng online bán trang sức, phụ kiện, khăn và cả nước hoa. Kể từ đó, đồng nghiệp thỉnh thoảng lại thấy chị “mất tích” vài chục phút, có khi hàng tiếng đồng hồ, hỏi ra mới biết chị phải đi giao hàng cho khách. Có chút duyên và nhiều mối quen nên chị bán khá chạy. “Có ngày đi giao cho gần chục khách. Nhiều lúc mang hàng đến công ty, những đồng nghiệp khác thấy đẹp quá nên cũng xúm vào mua luôn cả chỗ hàng mình mang dự phòng”, chị cho biết.

Sau hơn nửa năm buôn bán, chị cũng tích được một số vốn kha khá. “Tính ra tiền lãi mỗi tháng cũng ăn đứt đồng lương Nhà nước vài ba triệu đồng”, chị nói. Do vậy, dù dạo này bị sếp ca thán là chểnh mảng công việc nhưng chị Chi quyết không bỏ kinh doanh. Thay vào đó, chị rút vào hoạt động “bí mật”. Thỉnh thoảng bí quá, chị thuê xe ôm đi giao hàng hộ để chuyên tâm ngồi cơ quan làm việc sếp giao.

Cũng ham hố “làm giàu” khi đang ngồi công sở nhận lương tháng nhưng Hồng Hạnh và chồng lại đi theo hướng khác là mở quán cà phê. Có sẵn mặt bằng ở ngay nhà, hai vợ chồng cô bỏ ra hơn 200 triệu đồng thuê người thiết kế cửa hàng, mua sắm bàn ghế, nguyên vật liệu rang xay, pha chế rồi mở quán. Sau khi khai trương, cô phải thuê nhân viên trông coi vì không thể bỏ công việc đang tốt đẹp để làm “nhà kinh doanh” đúng nghĩa.

Thời gian đầu, công việc diễn ra khá suôn sẻ. Quán ở gần trường học, nhiều công sở nên lượng khách đông, tiền lãi thu về từ việc bán cà phê và đồ ăn nhanh khá lớn. Tuy nhiên, một thời gian sau, Hồng Hạnh hốt hoảng khi thấy lợi nhuận cứ giảm dần từng tháng một. Cô điều tra ngọn ngành thì mới biết do không có chủ trực tiếp quản lý nên các nhân viên cấu kết với nhau ăn bớt tiền và nguyên liệu. Cà phê ngon cô mua về pha chế thì được tuồn bán ra ngoài, trong khi nhân viên mua cà phê giá rẻ về pha cho khách.

Sau khi đổi nhân viên thêm một lần nữa nhưng rồi sự việc lại đâu vào đấy, hai vợ chồng đành thông báo nhượng lại quán. “Nếu không thể nghỉ việc thì không nên mở quán cà phê, chứ vừa ngồi bàn giấy vừa quản lý thì không thể kinh doanh nổi”, chồng của Hồng Hạnh đúc rút ra bài học sau lần “làm giàu” thất bại.

Thanh Bình

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.