Phải hiểu các em muốn đọc gì

TTCT – Có lẽ không nơi nào nhân viên làm việc nhàn hạ như thư viện quê tôi. Cơ quan có diện tích rộng đến cả nghìn mét vuông, cũng có đủ biên chế trưởng, phó, kế toán, thủ quỹ, văn thư… như bất cứ nơi nào.

Phải hiểu các em muốn đọc gì

Phản hồi bài “Giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc qua từng trang sách” trên TTCT số 42.

Kinh phí trên cấp hằng năm đều đặn, sách mới, báo chí cập nhật thường xuyên, nhưng số lượng độc giả chỉ tầm vài mươi người trên tổng số dân có đến hơn trăm nghìn của thị xã.

Cần định hướng việc lựa chọn sách cho trẻ đọc, nhưng phải hiểu trẻ muốn gì – Ảnh: N.C.T.

Bằng câu trả lời là “thư viện”, đã nhiều lần tôi thắng cuộc với câu đố “Nơi nào trong thị xã ít người lui tới nhất?”. Dường như ngày nay đến thư viện là cái gì đó khác người, lạ lẫm lắm. Tan tầm, mọi người hẹn nhau bia bọt nâng ly, mấy ai đến thư viện.

Mười nghìn đồng là phí để được cấp một thẻ thư viện dùng trong một năm, thật quá rẻ so với giá cả thị trường hiện nay. Thế nhưng chưa bao giờ số thẻ đăng ký thành viên vượt nổi hai chữ số. Buổi tối các quán cà phê đông nghịt người, còn thư viện sao mà vắng vẻ đến thế.

Thư viện thị xã ở ngay giữa trung tâm, xung quanh có cả chục trường phổ thông các cấp với hàng trăm thầy cô giáo mà chưa đến mươi người là độc giả của thư viện. Người lớn đã vậy, trẻ em cũng không hơn gì. Chỉ số ít em đến đọc các loại truyện tranh mà thôi.

Thư viện ở các trường học cũng không khá gì hơn khi các loại sách, báo các em thích đọc lại không có như Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò, Sinh Viên, Rùa Vàng, Thiếu Niên Tiền Phong, Khăn Quàng Đỏ… hoặc các loại báo ảnh càng khó kiếm. Lý do là trên không cấp kinh phí để mua các loại như đã kể. Vì thế các em có đến thư viện cũng chỉ xem truyện tranh, mà truyện này cũng do vận động các em tặng hằng năm mà thôi.

Sách văn học càng ít, chủ yếu là sách dùng trong nhà trường theo yêu cầu học tập nên nhu cầu đọc để giải trí của các em không được đáp ứng. Một số sách có giá trị nhưng mang tầm cỡ nghiên cứu, lý luận trên tầm hiểu biết của học sinh và của cả giáo viên, thư viện được cấp về nhưng quá kén người đọc nên nhiều năm vẫn nằm yên trên giá.

Chúng ta có thể lấy lý do là phim ảnh, trò chơi điện tử quá nhiều để giải thích cho việc học sinh ít đến thư viện. Thật sự sách vẫn thu hút các em, có điều những gì chúng ta mang đến không phù hợp với yêu cầu của các em. Bên cạnh đó sách cho thiếu nhi chưa được chú trọng về hình thức, trình bày cũng góp phần làm các thư viện ngày càng thưa độc giả.

Ngày nào các nhà quản lý đặt mình vào vị thế các em, suy nghĩ như các em, hiểu được các em muốn đọc gì thì mới mong nuôi dưỡng cảm xúc các em qua từng trang sách.

LÝ HOÀI TRUNG (Đồng Tháp)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.