Tự sự của những người thầy

TTCT – Ngày 20-11, ngày tôn vinh những người thầy. Khi xã hội trao những bó hoa cùng tình cảm trân trọng nhất cho những người đang uốn nắn thế hệ tương lai, liệu chúng ta đã hiểu hết nỗi lòng của người thầy?

Chuyên đề:

Tự sự của những người thầy

TTCT xin dành chuyên đề số này cho tự sự của những người thầy…

Đời sống xã hội hiện đại đặt lên vai người thầy không chỉ trọng trách giảng dạy. Trong ảnh: cô giáo Hồ Ngọc Lan Khánh trong tiết Anh văn lớp 7/3 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Nợ học trò một câu trả lời thấu đáo

Là một nhà giáo có 27 năm thâm niên với 20 năm trọn đứng lớp và 7 năm đảm nhiệm công tác quản lý tại một trường trung học cơ sở, với tôi, ngày 20-11 – Ngày nhà giáo Việt Nam – bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt.

Bỏ qua những nhiễu nhương, biến tướng mà mặt trái “thực dụng” của xã hội mang lại làm tổn thương ngày tôn vinh nhà giáo, còn lại, tôi cho rằng những ai đang đi cùng nghiệp dĩ phấn trắng bảng đen nên coi đây là dịp cho ta soi rọi vào chính con đường mình đang theo đuổi. Soi rọi mình vào chính những đôi mắt học sinh vẫn đang ngày ngày nhìn chăm chú vào thầy cô của các em. Soi vào để tìm một tiếng nói khách quan cho đạo thầy – trò ngày nay.

Trên nhiều diễn đàn giáo dục, bằng vào cách các em bày tỏ ý kiến, phản ảnh về thầy cô, người ta hay cho rằng học sinh hiện nay rất có vấn đề về đạo đức. Rằng hiện nay trong các trường học, số học sinh không ngoan, hay nổi loạn, chây lười, thiếu cố gắng và ưa bạo lực đang ngày càng trở nên đông đúc. Rằng các em, với sự du nhập của khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nhưng thiếu kỹ năng sống lại a dua đám đông và hay bắt chước đã dần dần không còn giữ đúng đạo làm trò đối với thầy cô của mình. Thực tế này phải hiểu ra sao?

“Dương ảnh” học sinh, “âm bản” người thầy

Bằng một thống kê cá nhân riêng cho suốt 27 năm gắn bó với nhà trường, tôi có thể khẳng định rằng: 100 gia đình lương thiện, tử tế nhiều khi không chắc có 100 đứa con nên người, thành đạt. Nhưng cứ gặp 100 em học sinh có vấn đề về nhân cách, về suy nghĩ, về hành vi ứng xử, quay trở lại gia đình thì ta sẽ có đủ 100 gia đình “có vấn đề” về mặt xã hội.

LÂM MINH TRANG

Với góc độ nhà giáo, phải nói bây giờ nhận định đó là không thể chối cãi, và hình ảnh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” là niềm mong ước lớn nhất. Chúng tôi chỉ mong khi đến trường, lên lớp, được toàn tâm toàn ý cho giảng dạy, không phải “xử lý thường vụ” những vấn đề… tình huống, theo kiểu: học sinh trốn học không phép, bỏ nhà đi bụi, ăn cắp vặt, đánh nhau, tụ tập băng nhóm, quay cóp khi kiểm tra…, hàng trăm việc mà việc nào rồi cũng quay về “đơn vị cơ sở” đó là giáo viên chủ nhiệm.

Mời phụ huynh hợp tác giáo dục, răn đe các em thì có khi được hỗ trợ có khi không. Thậm chí, có gia đình con cái không sợ cha mẹ, coi thường nề nếp kỷ cương nên việc mời phụ huynh còn làm các em… thích thú. Đánh học sinh thì vi phạm điều cấm “nói không với vi phạm nhân cách học sinh”. Mắng học sinh thì nhiều khi đâu đó lại bị ám ảnh bởi việc “quay phim tung lên mạng”. Đuổi học thì vướng vào tỉ lệ khống chế lưu ban bỏ học quy định cho trường tiên tiến cấp này, cấp nọ, hoặc do địa phương đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập.

Với nhà giáo, khi soi rọi mình vào những tình huống như thế, chúng tôi thấy để làm thầy cho thực thầy là một việc gian nan.

Tuy nhiên, so sánh những thế hệ học sinh bây giờ với hình ảnh học trò của chính mình thời trước để kết luận “ai ngoan hơn” thì liệu có công bằng? Bởi, xã hội thời chúng tôi đi học với xã hội hiện nay khác biệt quá nhiều. Chúng tôi biết khi làm học trò, chúng tôi cũng có không ít những biểu hiện làm buồn lòng thầy cô, chỉ có hình thức là khác. Ngày xưa, chúng tôi cũng nhại giọng, pha tiếng, cũng mang những hình ảnh ngộ nghĩnh của thầy này, cô kia ra làm trò vui cho chúng bạn. Chúng tôi cũng leo rào, cúp tiết, cũng nhấm nháy chia bài học khi có kiểm tra. Cũng có những “mơ mộng ngoài cửa lớp” cho những “mối tình áo trắng”…

Ngày nay, học sinh của chúng tôi cũng có những trò tương tự. Nhưng ngày nay, khi bị thầy cô la mắng mà các em bức xúc thì với hỗ trợ của kỹ thuật, hình ảnh đó không dừng ở chỗ “mô phỏng” nữa mà nó được ghi nhận bằng băng hình. Việc cúp tiết, ngày xưa nhiều khi là nghịch ngợm, thì bây giờ nó là sự du mình vào những cám dỗ đầy rẫy ngoài cổng trường… Những tình cảm thời chúng tôi là vu vơ thì bây giờ được các em… cụ thể hóa nó do tiêm nhiễm phim ảnh, sách truyện…

Còn về phía thầy cô? Thầy cô ngày xưa dù có nghiêm khắc tới đâu hay hiền hòa thế nào thì vẫn có một khoảng cách rất dài giữa bục giảng và bàn học sinh. Cái khoảng cách đó không chỉ giữ vững sự tôn nghiêm nơi người thầy mà còn để giúp ngăn chặn những hành động nông nổi ở trò.

Còn ngày nay, nhiều khi lắng nghe những trao đổi trong một đám đông có cả thầy cô, cả học trò, ta có thể rất khó phân biệt được ai mới thật sự là thầy. Hoặc căn cứ vào cách ăn mặc, cách giao tiếp, đôi khi không nhận ra một người đang là một nhà giáo ngày ngày dạy dỗ học sinh… Nên khi phải soi rọi, nhà giáo tôi đau lòng nhận ra những nhân dạng “biến dị” trong học đường đã kể đó đâu phải là chính “dương ảnh” học sinh mà còn từ chính đâu đó “âm bản” người thầy.

Đừng để học đường méo mó

Nhưng đứng về phía quản lý, chúng tôi nhìn nhận sự việc theo khía cạnh khác. Xã hội ngày nay đã phức tạp gấp trăm lần thời chúng tôi là học sinh. Ngày trước, cha mẹ bươn chải thì đã có anh chị em bảo ban nhau: đứa chị dắt đứa em cùng học, cùng chơi, cùng lo lắng cho nhau thay cha mẹ.

Thời bây giờ, có những gia đình mà cha mẹ bận rộn thì con cái cũng bận rộn theo kiểu của chúng: cha mẹ khá giả, có tri thức nhưng bận rộn kiếm tiền thì con nít bận rộn… tiêu tiền. Đã vậy, học đòi theo lối sống “nhà hộp”, mỗi đứa con lại có một không gian riêng để phỉ sức cho cái tôi của mình. Anh em ruột cũng xa lạ, khó hiểu với nhau. Và tính bầy đàn vốn là nhu cầu của thanh thiếu niên sẽ dắt đưa các em tìm đến với những mối quan hệ xa lạ mà đáp ứng được thiếu khát đó. Sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng người khác sẽ trở thành những yêu cầu được các em cho là… hà khắc.

Ngược lại, với những gia đình mà cha mẹ lao động chân tay, ít học, nghèo khổ thì trẻ em lại co cụm trong một thế giới khác, nhiều khi mang đầy tính bất mãn, hằn học, so sánh trông lên và quay sang những biểu hiện tiêu cực để nổi loạn cho cái mặc cảm tự ti, thua em kém chị đang có.

Giáo dục trẻ em luôn là mối tổng hòa của ba môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội. Khi cả ba môi trường này không thể liên kết với nhau như một thể thống nhất với những nguyên tắc tiến bộ, hệ quả là những “hình ảnh học đường méo mó” mà ta thấy dư luận lên tiếng báo động trong thời gian gần đây. Nhưng để có một mối liên kết “như mơ” này thì hình như đến nay ta vẫn còn loay hoay thấy rõ.

Và trong khi ta đang loay hoay, thời gian không bao giờ chờ đợi, vẫn đẩy tới và đưa ra ngoài xã hội những học sinh không được trang bị tốt kỹ năng hòa nhập cộng đồng để phát triển và nên người tử tế. Soi rọi trên góc độ quản lý, chúng tôi thấy mình vẫn đang đơn độc trong trách nhiệm “giáo dục các em học sinh nên người”. Và thấy luôn không chỉ đạo làm trò hụt hẫng đâu đó mà ngay từ đạo của người thầy cũng hoang mang.

Vì thế dẫu đã đi gần trọn một đời người cho một đời nghề, chúng tôi vẫn cứ phải ngồi lại với chính mình mỗi năm khi đến Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 cho câu hỏi: Chúng tôi đi cùng nghiệp dĩ này là nợ hay duyên? Và nhiều khi hãi sợ khi thấy mình nợ ngay chính học sinh của mình một câu trả lời thấu đáo.

LÂM MINH TRANG (Gò Vấp, TP.HCM)

Việt Nam ở đâu trong chỉ số giáo dục toàn cầu?

“Năm 2011, thành tích của Việt Nam về giáo dục thấp hơn các nước khác trong khu vực. Trung bình, Đông Á và Thái Bình Dương có 11,7 năm học hành dự kiến và 7,2 năm học hành trung bình. Thái Lan có tỉ lệ tương tự là 12,3 năm và 6,6 năm, Indonesia: 13,2 năm và 5,8 năm.

Trong khi đó, số năm học hành dự kiến của Việt Nam năm 2011 là 10,4 năm và số năm học trung bình là 5,5 năm. Vì thế, sẽ khó cho Việt Nam cạnh tranh hiệu quả trong một thị trường toàn cầu hóa ngày càng cao, cũng như khó tránh được bẫy thu nhập trung bình nếu Việt Nam không thể cải thiện đáng kể kết quả giáo dục và trình độ kỹ năng một cách bền vững”.

(Số năm học hành dự kiến: là số năm mà một đứa trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo có thể hi vọng đến trường toàn thời gian và bán thời gian trong suốt cuộc đời của chúng. Số năm học hành trung bình: số năm bình quân mà một người 25 tuổi hay hơn được học trong trường học).

(Trích báo cáo của UNDP về Chỉ số phát triển con người của Việt Nam, http://www.undp.org.vn/digitalAssets/26/26740_VNHDR_2011_Fact_Sheet_final.pdf)

__________

“Chúng em sẽ nuôi cô cho mập”

Đầu năm 2001, cô Mai Xuân tình nguyện lên xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh  Bình Định) dạy tiểu học. Thường giáo viên nữ lên đây hai năm thì được chuyển về đồng bằng, nhưng đã nhiều lần Phòng GD-ĐT huyện An Lão đề xuất chuyển cô về dưới xuôi cô đều từ chối. Đây là tâm sự của cô gửi TTCT.

Cô Mai Xuân và học trò người Ba Na ở xã An Toàn (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) – Ảnh nhân vật cung cấp

Ngày đầu tiên nhận công tác, tôi và đồng nghiệp băng rừng đi bộ từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối mới đến nơi. Mệt lả người, vừa ngả lưng trong một căn phòng lờ mờ đèn dầu thì một cụ bà đầu bạc trắng vỗ vỗ lên vai, tôi giật bắn người nép sát vào góc phòng…

Cụ già tóc trắng ấy nói một tràng gì đó tôi nghe không rõ lắm rồi bà đi khuất dần trong bóng tối. Đêm đó tôi không tài nào ngủ được. Đêm tối đen giữa rừng núi mênh mông, lạnh ngắt. Cả ngày đi đường rừng, lội suối mệt nhừ làm tôi như không còn sức chịu đựng hơn nữa. Trong góc nhà sàn đêm ấy, tôi và mấy cô giáo cứ khép nép chờ đến sáng.

Sáng sớm, dân làng tập trung đông lắm, họ nói là đón cô giáo dưới xuôi lên. Họ mang cả cồng chiêng ra đánh, tôi thấy cụ bà tóc trắng hôm qua chen trong đám người rồi bước lại gần chỗ chúng tôi. Họ giới thiệu đây là già làng. Thì ra tối qua già làng đến chào cô giáo về làng. Thật sự lúc này tôi mới thở phào, người nhẹ nhõm.

Trường chúng tôi dạy là gian phòng được dựng lên bằng cây và che bằng lá rừng. Nói là trường nhưng chỉ có hai lớp ghép lộn xộn từ lớp 1 đến lớp 5. Học tiểu học nhưng nhiều em đã lớn, có thể theo người lớn vào rẫy hun hút trong rừng. Học sinh đến trường lem luốc, hầu hết không nói được tiếng Kinh. Những ngày đầu tôi thật sự lúng túng với nghề, không biết bắt đầu từ đâu. Làm sao dạy theo sách giáo khoa, giáo án? Tôi thấy mình chơi vơi giữa núi rừng.

Nơi tôi dạy cách thành phố Quy Nhơn hơn 150km, trong đó 30km là đường rừng, mùa mưa chỉ có lội bộ, ít ai dám can đảm vượt qua. Có lần quá nhớ nhà, tôi quyết định băng rừng về. Đi được một đoạn thì bị mưa dông bất ngờ, lũ ống đổ xuống kéo tôi đi. Lúc đó không đủ sức chống chọi, tôi buông xuôi nghĩ mình khó thoát khỏi cái chết. Không ngờ trong lúc thập tử nhất sinh có một bàn tay rắn chắc kéo tôi lên. Tỉnh dậy mới biết đó là cậu học trò tình cờ đi qua thấy tôi bị nước cuốn lao mình xuống cứu. Mình nợ học trò một mạng sống, cả cuộc đời mình cũng không trả hết.

Ở đây không có đồ dùng dạy học, trường lớp tạm bợ, nhưng khó khăn hơn là nhận thức của người dân về việc học còn quá thấp, việc đi lại cũng khó khăn… Để dạy được, giáo viên không kể ngày hay đêm, ngoài chính khóa lúc nào rảnh là tôi dạy các em học, nếu học sinh không đến lớp thì mình đến nhà dạy. Xã An Toàn chủ yếu là người Ba Na, lúc tôi mới lên học trò ít nói được tiếng Kinh, ngại giao tiếp, ai nói nấy hiểu.

Một lần tôi dắt học sinh xuống huyện để thi giọng hát hay, nhưng khi lên sân khấu em đứng yên không chịu hát. Hỏi tại sao, em trả lời bị đau lưng. Tôi gặng hỏi em đau lưng mà sao không hát được, em chỉ vào cổ, lúc này mới hiểu em đau cổ nhưng gọi là lưng, vừa mắc cười vừa thấy thương. Tôi dần học các trò của mình tiếng Ba Na. Học trò tôi cũng dần nói được tiếng Kinh.

Cuộc sống nơi đây vô cùng thiếu thốn về vật chất, nhưng các học trò tôi như những nhánh lan rừng, đẹp đến thánh thiện. Khi dạy, để khuyến khích học sinh, tôi thường hái hoa rừng tặng những em học giỏi. Có một buổi chiều đi qua cầu khỉ gặp một học sinh giữa cầu, trên tay cầm nhánh lan rừng nhìn tôi nhưng không nói gì. Tôi hỏi có phải em muốn tặng cô không? Em gật đầu. Nhiều học sinh năn nỉ: “Cô ở lại dạy chúng em, em bẫy thú rừng nuôi cho cô mập”. Những câu nói chân chất sao thương quá và là sức mạnh giữ tôi lại đến hôm nay.

An Toàn bây giờ đã có đường, có điện. Ở độ cao hơn 1.000m nên mùa đông rất lạnh, nhìn học sinh đi học phong phanh rất tội. Có điều kiện, tôi về xuôi vận động hỗ trợ tìm kiếm sách vở, bút viết và những tấm áo ấm mùa đông cho các em, những nhánh lan rừng của riêng tôi!

MAI XUÂN (Bình Định)

__________

Lớp chủ nhiệm của tôi

Năm học này, dù đã chuẩn bị tâm lý và thể lực để nhận lớp, tôi vẫn choáng váng vì các em học sinh lớp tôi chủ nhiệm. Chưa đầy bốn mươi học sinh mà đã có mười cuộc đời bất hạnh. Tất cả đều giống nhau ở chỗ cha mẹ đã chia tay ngay từ khi các em còn rất nhỏ. Có em không nhớ được hình hài, nét mặt của đấng sinh thành… Khổ hơn là hai em có cha, mẹ hiện đang thụ án vì vi phạm pháp luật chưa biết khi nào được về.

Minh họa: Vũ Đình Giang

1. Xác định bốn trường hợp đặc biệt cần quan tâm trước tiên, tôi làm phần việc mà giáo viên chủ nhiệm nào cũng làm là gặp gỡ trực tiếp các em. Trường hợp đầu tiên gây cho tôi bực bội là C.. C. nhắn bạn báo với tôi là em “không đi học nữa, cứ xóa tên khỏi danh sách và đừng tìm em mất công”. Thông tin về em quá vắn tắt: cha mẹ ly dị từ lâu, ở với ngoại. Mười ngày sau thông báo tựu trường và mất ba chuyến thầy đến tận nhà, em mới chịu đến lớp. Em nói thẳng rằng việc thầy chủ nhiệm tìm hiểu em chỉ là “làm màu”,  chắc chắn sau khi hỏi han vài câu là quên mất, nói gì đến sự cảm thông, chia sẻ. Tôi chấp nhận chiến đấu.

“Tuổi thơ đâu có tự nhiên bất hạnh. Bất hạnh là do người ta gây ra”

FRANK MCCOURT

Một lần, nhà trường tổ chức làm lồng đèn đón Tết Trung thu tặng các em ở nhà tình thương (cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi của tỉnh), tôi cử bốn em làm lồng đèn rất khéo tham dự, trong số đó không có C.. Sáng hôm hoạt động, C. vẫn vào trường và cùng các bạn vót trúc làm khung lồng đèn. Quan sát kỹ, tôi thấy em làm rất thành thạo, ánh mắt long lanh khác hẳn ngày thường.

Không tỏ ra ngạc nhiên, tôi để em và các bạn hoàn thành công việc của mình, kiên nhẫn chờ đến hết buổi mới nhẹ nhàng bảo C. ở lại thầy có việc trao đổi. Hai thầy trò vừa dọn sạch những mảnh giấy màu vương vãi trên sàn lớp học vừa nói chuyện. C. cho biết em xa cha mẹ quá lâu, không còn nhớ được gì nhưng không biết tại sao trong đầu vẫn nhớ, vẫn thương đứa em của mình. Đứa em ấy được mẹ bế theo lúc mẹ xa cha mà vẫn chưa dứt sữa.

C. sợ rằng em mình bị gửi vào một nhà nuôi dạy trẻ mồ côi nào đấy, thiếu tình thương của cha mẹ, của chị nên năm nào em cũng làm lồng đèn gửi tặng, hi vọng biết đâu quà của chị sẽ đến với em (là vì sau đó ngoại của C. có nói cho em biết người mà mẹ nương tựa không chịu để mẹ nuôi em bé chung trong nhà). Ngoại nay đã già, C. cũng sợ ngày ngoại ra đi em biết sống cùng ai…

Hai thầy trò cùng khóc. Trò nhỏ khóc cho số phận của mình, thầy khóc vì xót thương cuộc đời học trò. Bằng những lời chân thành nhất của một người thầy, tôi đã làm em tin cậy. Khơi dậy mong muốn của em rằng một ngày nào đó em sẽ gặp lại mẹ mình, khi ấy em có đủ tự tin và danh dự để nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con đã thành người. C. hứa với tôi em sẽ theo đuổi việc học đến cùng, dứt khoát không bỏ học đi làm tiếp viên như em từng toan tính. Tôi giật mình, thầm cảm ơn ngôi trường đã tạo cơ hội cho thầy trò tôi gặp nhau hôm nay.

2. Không hiểu sao mười mảnh đời bất hạnh ở lớp tôi lại chia đều 50-50. Nghĩa là tôi có năm học trò trai và năm học trò gái không còn một gia đình đúng nghĩa. Tôi chú ý đến đứa học trò có cái tên của chúa sơn lâm mà thân hình lại gầy gò như chú em đứng đầu 12 con giáp. Mẹ em là một phụ nữ chất phác, nhẫn nhục, chịu thương chịu khó. Lần đầu đón chị vào dự họp phụ huynh, tôi ngỡ chị là bà ngoại đi họp thay ba mẹ.

Không còn nước mắt để khóc cho cuộc đời mình và cả cho con, nhưng tôi vẫn nhận ra sự buồn tủi trong giọng nói của chị. Chị bảo rất sợ đến trường vì khi đến chị phải nghe bao lời chê trách từ thầy cô về đứa con của mình. Nhiều năm như vậy nên chị thiết tha xin tôi thông cảm cho những lần vắng mặt về sau. Chị không còn can đảm nhìn thấy con của mình ngày càng trượt dài trên con đường hư hỏng. Ba năm qua em ở tiệm net nhiều hơn ở nhà.

Thầy cô chủ nhiệm các năm trước nhiều lượt ra đến tiệm mới đưa em về trường học được. Cảnh nhà còn tệ hơn. Chồng bỏ đi vui duyên mới khi chị còn nuôi con trong tháng. Không có tiền sinh sống, chị phải nhờ vào sự cưu mang của bà con trong xóm lao động nghèo. Ở vậy đến giờ, không có vốn liếng làm ăn, chị nhận việc dọn rác để sống và nuôi con. Thương con lắm, tất cả cho con nhưng vì nhà thiếu vắng người cha nên những lời răn dạy của chị với con trở thành “nước đổ lá khoai”.

Tôi trấn an chị rằng sẽ không có thầy cô nào bỏ rơi học sinh cả, con chị cũng được dạy dỗ như bao em khác.

Tôi lại bước vào cuộc chiến mới: giành lại học trò của mình từ tiệm net. Tôi tìm gặp các đồng nghiệp từng dạy và chủ nhiệm em để nắm chắc thông tin về em. Tất cả đều ủng hộ tôi và cũng nhắc tôi phải kiên trì mới mong đạt kết quả tốt. Lần này tôi chủ động tạo thời cơ. Sau buổi họp chuẩn bị phong trào thi đua của lớp trong năm học mới, tôi vờ để quyển tạp chí chuyên đề về game trên bàn. Lập tức em chú ý và buông một câu thăm dò: A! Thầy cũng biết chơi game.

Tôi đáp ngay: Biết chứ, nhưng có nhiều game phức tạp quá, đành chịu thua. Em hào hứng khoe ngay mình là game thủ có hạng. Tôi hẹn em đến nhà cùng thi đấu vào chủ nhật. Đúng hẹn, em có mặt với vẻ tự tin sẽ chiến thắng. Tất nhiên, tôi không phải là đối thủ của em. Em sung sướng, tự hào. Hai thầy trò chia tay, tôi hẹn em phục thù vào tuần tới với điều kiện em không được bỏ học ngày nào. Em do dự một lúc mới đồng ý.

Sáu ngày trôi qua, ngày nào tôi cũng ghé lớp dù không có giờ, nhắc em nhớ giữ lời hứa với thầy. Tôi thấy em cố gắng hết sức để không bỏ lớp ra tiệm net. Như vậy là đã có ánh sáng cuối đường hầm – tôi tự nhủ.

Cuối tuần em lại tới, rất tự tin, thậm chí còn kiêu ngạo nữa. Tôi nhẩn nha không mở máy ngay, mời em uống nước, ăn bánh ngọt… Em hối tôi vào thi đấu. Lấy cớ cần chép một game mới, tôi chở em ra phố bằng chiếc Wave cũ kỹ của mình. Trên đường đi, tôi rẽ vào một khu dân cư mới có nhiều đường nhánh như ô bàn cờ. Em hỏi lý do, tôi bảo hãy đợi đấy. Đúng 8 giờ, một chiếc xe gom rác xuất hiện rồi từ từ tiến đến chỗ thầy trò tôi dừng tránh nắng.

Người phụ nữ oằn lưng đẩy chiếc xe, không hề nhìn đến chúng tôi, cần mẫn, chậm chạp nhặt từng túi rác bỏ vào xe. Chiếc xe gom rác lướt qua, tôi nhìn vào mặt em. Cắn chặt hàm răng, da mặt hơi tái xanh, em nhìn tôi ngượng ngùng. Tôi nhìn thẳng vào mắt em và nói: “Mẹ em đấy. Em hãy sống sao cho xứng đáng với tình thương của mẹ. Nếu em thấy thời gian em bỏ học chơi game là xứng đáng với sự khó nhọc của mẹ, em cứ tiếp tục”. Em lặng yên giây lát rồi trả lời tôi: “Em sẽ không để thầy cô và mẹ buồn nữa”.

Cho đến bây giờ, cậu học trò có cái tên đặc biệt Hắc H. chưa một lần bỏ học. Em cho biết chưa bỏ hẳn chơi game nhưng bây giờ game không còn là nỗi đam mê như trước đây. Tan trường, em còn biết giúp mẹ một số việc nhà. Tôi tin rằng mẹ em sẽ có được niềm vui như ngày đón em chào đời vậy.     

3. N. và Ng. là hai trường hợp khác. Cả hai em đều là con nhà lao động, đều xinh xắn và giống nhau ở chỗ từng nghe theo tiếng gọi của tình yêu bỏ nhà đi dù chưa đến tuổi trưởng thành. Đưa hai em về lại với bạn bè, với mái trường mất biết bao công sức của thầy cô và gia đình ở năm học trước. Luôn mang mong ước đổi đời, N. và Ng. vào lớp mà hồn để tận phương nào. Trường bạn đã xảy ra việc đáng tiếc về tình yêu ở tuổi học trò mà báo chí cũng đã quan tâm, cảnh báo.

Lo rằng không khéo lớp tôi lại là phiên bản trong năm học này, tôi phải nhờ đến cô giáo làm công tác tư vấn học đường cùng vào cuộc. Tôi chỉ có mặt khi bàn đến những vấn đề thuộc về pháp luật, nội quy… Phần tế nhị nhất tôi rút lui nhường cho đồng nghiệp chiến đấu. Biết không dễ dàng làm các em thức tỉnh, đồng nghiệp của tôi ngoài vốn liếng tâm lý, giáo dục học ở trường sư phạm ra còn phải dùng đến nhiều “chiêu thức” khác như tìm đọc các loại báo chí mà hai em thích, tập nghe nhạc teen, săn lùng quần áo thời trang trên mạng… thỉnh thoảng bỏ thời gian tranh luận với hai em về bất cứ đề tài nào được quan tâm.

Dần dần những gì riêng tư nhất các em đều bộc bạch với cô. Từng bước, cô giáo đã giúp các em xóa đi mặc cảm, nhận thức được đâu là tình yêu chân chính và lòng tin vào cuộc sống. Nhìn N. và Ng. ngày một thay đổi, lấy lại vẻ hồn nhiên của tuổi học trò, niềm vui của chúng tôi thật không thể tả.

Ba tháng thực học đã trôi qua… Chúng tôi sẽ còn bên cạnh các em, chia sẻ vui buồn, giúp các em hướng tới ngày mai tươi sáng. Người thầy không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể làm tương lai các em tươi sáng hơn bằng tình thương của mình.

Tôi nhớ một người thầy khác, Frank McCourt, trong hồi ức nhà giáo Người thầy đã viết người thầy trong một lớp trung học “thủ đủ mọi vai, là ông đội xếp, ông giáo sĩ, là cái vai cho học sinh gục đầu vào khóc, nhà mô phạm nghiêm khắc, ca sĩ, học giả xoàng, thầy ký, trọng tài, gã hề, mẹ – cha – anh – chị – cô – chú, nhà tâm lý, chiếc phao cấp cứu”. Là bởi “tuổi thơ đâu có tự nhiên bất hạnh. Bất hạnh là do người ta gây ra”. Thấu hiểu điều ấy mới có thể làm một người thầy.

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

__________

Nhớ nghề

Vừa trèo vào mạng, màn hình hiện một lời chào: “Em là Hà, học trò của cô”. Ngực bất chợt cồn lên một làn hơi nóng. Cứ tưởng vào tuổi này nội lực sống đã ít nhiều thâm hậu, lòng dễ dàng bình thản mà sao vẫn dễ xôn xao!

Minh họa: Vũ Đình Giang

Cô bé, có thể gọi như thế không nhỉ, khi người viết cho tôi giờ đã là người đàn bà ngoài tuổi ba nhăm.

Hơn mười năm qua như một giấc mơ dài. Tỉnh dậy tưởng cuộc đời vẫn thế. Vì học trò học dăm ba buổi mà vẫn nhớ thầy. Và cái tình với nghề nghiệp cũ mà thật ra buổi đầu mình không chọn hóa ra vẫn âm ỉ trong lòng. Vẫn nhớ cảm giác gần như là xuất thần, đến mức mũi cay xộc lên tưởng chừng có một giọt lệ nóng bỏng nào đang muốn trào ra khi đọc cho những người trẻ tuổi một câu thơ vượt thời gian, hay khi bắt gặp giữa bài làm của học trò, giữa những dòng viết khuôn sáo có phần ngô nghê một điều gì rất thật muốn vượt ra ngoài khuôn sáo.

***

Thời tôi đi học chẳng khác bao nhiêu thời tôi đi dạy. Làm nghề dạy học, lại dạy văn như tôi trong điều kiện như thế mà còn đánh động được ở học trò tình yêu văn chương thật sự thì phải nói chẳng dễ. Nói không nghĩ, nghĩ không nói, bao nhiêu thầy cô dạy văn đã tự đẽo gọt mình đi theo phương châm này. Sau này khi gặp lại học trò, nghe những lời học trò kể về mình, tôi tự nghĩ chắc bao nhiêu thành công nghề giáo của mình bắt đầu từ:

1- Sự may mắn được tiếp cận từ khi còn bé với những tác phẩm văn chương đích thực (nhiều tác phẩm hồi ấy còn bị cấm).

2- Sự thành thật, chỉ nói những gì mình tin (điều nói có thể sai, nhưng nhất quyết không phải là nói dối).

3- Đã gặp một vài người thầy cực kỳ đáng trọng về chuyên môn, về nhân cách. Một vài may mắn “phụ gia” khác là về được một trường lấy chuyên môn làm đầu, học trò giỏi và lại lọt vào tốp 4, tức là nhóm giáo viên dạy chuyên văn trung học phổ thông Hà Nội, được làm việc với những đồng nghiệp đáng mặt thầy mình, giàu tuổi và giỏi nghề.

Vậy học trò tôi không hẳn là học trò tôi. Họ là học trò của thầy tôi, của văn chương muôn đời. Tôi được hưởng lộc học trò nhớ và mến là vì lẽ đó.

Còn họ được gì từ văn chương, từ thầy tôi qua tôi?

***

Năm ngoái về thăm nhà, vô tình tôi gặp lại trò cũ. Gần 13 năm xa, đường Hà Nội lúc lên đèn rối rít người xe, làm sao cô học trò lại nhận ra cô giáo cũ qua dáng tôi lập cập qua đường (lập cập không phải vì già, mà vì chưa quen lại với thành phố quê hương hừng hực nhịp sống với tôi hoàn toàn lạ lẫm).

Học trò nhận ra cô giáo, còn cô phút giây đầu ngớ người không biết người đàn bà xinh đẹp đang mừng rỡ ríu rít cô cô em em, lại còn rút điện thoại di động gọi tới tấp cho bà mẹ báo tin “cô con đã về”, cho bạn bè cùng lớp nhắn “cô đây rồi mày ơi”, cho cả ông bồ rằng: “Em về muộn hôm nay. Em vừa gặp lại cô giáo cũ của em mà em vẫn hay kể đấy”.

Từ cuộc gặp ngẫu nhiên, thầy trò tôi đã có một cuộc họp lớp tưng bừng ở một nhà hàng. Thiếu một đôi gương mặt. Một cậu kỹ sư xây dựng không có mặt trong buổi họp lớp, nhưng đáp xe từ tận Quảng Ninh nơi cậu có công trình đang thi công về thăm tôi từ chiều hôm trước.Ngồi giữa đám học trò cũ giờ chẳng còn gì có thể phân biệt được với cô giáo nếu nhìn bằng mắt cận thị như tôi, sao mà nhớ những ngày thầy trò đầm ấm quá.

Những ngày tôi làm việc với một ý thức rõ ràng rằng mình không giỏi hơn học trò, mình chỉ là người hơn học trò vài ba tuổi nên học được trước một đôi điều, và cả đám học trò ngồi kia nghe mình giảng sẽ là thầy của mình không hôm nay thì ngày mai. Đi học không cần sợ thầy nhưng đi dạy biết sợ trò hóa ra cần thiết lắm. Nó buộc người thầy phải học, phải sống sao cho xứng với cái danh ông thầy bà cô trót nhận ở người đời.

***

Khoảng cách mười năm tuổi tác ngày xưa đã là nhỏ thì giờ chẳng còn bao ý nghĩa khi thầy trò gặp lại. Hỏi thăm đời sống, trò cũng như cô hoặc hơn cô, người đời riêng êm ấm đúng chuẩn mực xã hội, người ly dị, người đang yêu hoặc đang yêu lại. Hỏi thăm nghề nghiệp, cả lớp chuyên văn ngày ấy chỉ có ba người còn dính thật sự đến chữ nghĩa văn chương. Còn lại, người làm cho sứ quán hoặc công ty, nhà băng nước ngoài, người làm công chức nhà nước, nói chung đều khá giả và có địa vị xứng với học vấn và tuổi tác.

Nhưng khi lòng những người đàn ông, đàn bà từng trải dù còn rất trẻ đó vẫn hàm giữ bao nhiêu yêu thương khát khao ngày cũ, ngay chẳng cứ trò, đến thầy vẫn còn rất đỗi ngây thơ trước cuộc đời, thì chẳng phải là họ vẫn đang sống ít nhiều khác đời chăng? Đời sống của họ nhẹ nhàng hơn hay nặng nề hơn vì phương cách sống ấy. Văn chương qua cách thức cảm hiểu mà mình đã tiếp nhận được từ những người thầy đáng trọng và chuyển giao cho họ ghì họ xuống mặt đất này với những tình cảm rất bình thường như thế là dở hay hay?

Tôi tự hỏi, khi nhớ cậu học trò kỹ sư xây dựng nói rằng cậu nhất định phải đáp xe về thăm tôi chỉ để nói với tôi một lời: “Ngày trước cô bảo em hãy sống thật sự cuộc đời mình, em đã làm như vậy”. Cậu không biết ngày đó tôi đã nói với cậu điều tôi vẫn dạy chính mình từng ngày. Người đàn ông trẻ là cậu học trò từng làm tôi ngại bậc nhất vì viết rất hay, viết như không một ai có thể dạy cậu viết hay như thế. Nhưng cậu lại mê nghề xây những ngôi nhà.

Hôm trước, trên một diễn đàn của học trò Trường Hà Nội – Amsterdam nơi tôi từng làm việc, tôi đọc được một dòng buồn của cô học trò lớp chuyên Nga vừa gửi lời chào tôi trên mạng. …Trăng trung thu như một cái khuy vỏ trai đính vào lòng giếng trời… Từ chỗ cô ngắm trăng, bị quây chặt bởi những ngôi nhà khấp khểnh bancông, bầu trời chỉ còn như thế.

Trong lòng giếng của đời sống dễ mà khó, vất vả từng ngày để khẳng định mình mà còn thăng hoa được như vậy, văn chương quả xứng với muôn đời. Trong nghĩa này, văn chương qua cây cầu giáo học không dừng lại ở chữ nghĩa, mà là một định hướng sống cho tất cả ai còn muốn mãi ngây thơ giữa cuộc đời này.

Ai?

LÊ MINH HÀ (Berlin)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.