Cắt tóc

TT – Chị về xồng xộc, đi xồng xộc, tối về tóc ngắn. Tôi biết là lại chia tay rồi. Mỗi lần chia tay là một lần cắt tóc. Cũng may là duyên ít, vài tháng mới có một chàng, nên chị tôi vẫn còn tóc để cắt, mỗi khi cần.

Cắt tóc

Minh họa: NGUYỄN NGỌC THUẦN

Mẹ tôi không ở với chị em tôi, mỗi dịp chúng tôi về thăm, mẹ suốt ngày chửi chị: “Để dài buộc lên người ta còn nhìn thấy mặt, cái mặt lõa xõa tóc trông như con điên ấy!”. Chị không nói gì. Lần nào mẹ cũng chửi, sa sả như chửi chó mắng mèo, chị đổ thêm dầu vào lửa, chị bảo sẽ nhuộm thêm cho nó ngầu, để rồi mẹ chửi chị trận thứ hai.

Mẹ chửi cứ chửi, tóc chị vẫn cứ cắt, vì rằng chia tay là chuyện chẳng thể đừng. Nào mẹ có biết rằng nhờ mẹ chửi chị mới thôi cái ý định cạo đầu.

Lâu lâu thấy tóc chị dài, mặt chị buồn, tôi lại đâm lo. Chẳng thà cạo trọc đi, miễn là ngày ngày chị sống vui vẻ như mới thay một “mạng” mới trong game. Chị chơi game như điên những ngày thứ bảy, rồi những tối chẳng có việc gì làm. Chị chơi liên miên bất kể lúc nào và khi nào cũng tìm lý do để được chơi “một tí”, “một tí” rồi chơi đến sáng. Ngoài ăn và đi làm, chị chơi game nhiều hơn phần ngủ đáng ra phải có. Chị bảo công việc quá bận bịu chẳng làm được gì. Chị đòi bỏ việc.

Chị đòi bỏ việc để chơi game! Dẫu chị chẳng nói ra tôi cũng đủ ngạc nhiên đến độ chẳng thốt nên lời. Thấy tôi không nói gì, hôm sau chị nghỉ.

Chị em tôi có một cái nhà bố mẹ mua cho ở trên phố. Tôi mới đi làm, lương kha khá, bố và mẹ vẫn gửi tiền tiêu vặt vào tài khoản. Suốt ngày ở trong nhà, chị vừa trắng trẻo lại vừa đỡ tiêu tiền.

Tôi kiên quyết cắt mạng tại nhà. Chị ra quán net. Chơi game, dĩ nhiên.

Chị yêu bạn game. Chị cắt tóc. Chị yêu thêm hai người mà tôi chẳng hiểu chui ở đâu ra. Hình như chị vớ được trên đường đi chơi game về.

Đôi khi chị tự nhận mình là con mèo rồ.

Nếu quả thực chị là mèo thì ở đây chị vẫn còn một chỗ nhầm, là những con chuột mà chị vồ ấy, thực tế là chúng đã vồ lấy chị.

Tôi thương chị tôi, lâu lâu tôi hỏi sắp bỏ nhau chưa để tôi đưa tiền đi cắt tóc. Tiền tôi đưa dư sức để sắm đồ. Chị vào nhà hàng ăn một trận, đến quán bar uống một trận, nhảy một trận. Đi về khóc một trận. Hôm sau đi cắt tóc ở một hiệu quen thuộc. Lúc về mắt chị lại long lanh như một kẻ kiên quyết trả thù đời. Chị có lối trả thù đời rất ôn hòa là tỏ ra yêu đời. Cách ấy xem chừng không có hại cho ai. Nhưng chẳng được bao lâu chị lại rũ buồn. Chị thà làm nạn nhân của một con mồi còn hơn là không gì cả.

Có vẻ như tình yêu đối với chị tôi như cơm gạo tẻ, nhất định phải có mới thấy ổn. Mà có rồi cũng vẫn thấy chưa ổn. Không ai ăn cơm không mãi được. Chị bảo đàn ông bây giờ chán quá, đứa nào cũng giống đứa nào, chẳng giống đàn ông gì cả, nhạt thênh thếch!

Đàn ông có phải gia vị đâu mà phải mặn, ngọt, cay, đắng?

Chị cười, ngồi tẩn mẩn cắt tất cả váy cho ngắn đi một nửa. Tóc chị còn đến mang tai, tôi sợ…

Chị tôi lại đến hiệu làm đầu.

Tối ấy chị về, tay xách đồ ăn, nhí nhảnh như mới mười sáu tuổi. Tôi nhìn chị mà không dám cười. Trong đời tôi chỉ có một chút ký ức về cái thời tóc dài của chị, điệu đà và ngớ ngẩn. Bây giờ chị trông hệt như vậy, với mái tóc nối dài mượt. Có điều những lúc ban ngày, cần một tiếng để chị hóa trang cho tuổi của khuôn mặt hài hòa với tuổi của tóc. Không biết tóc cắt từ cô gái nào, rõ mượt và mềm như tơ. Chỉ có điều trông nó không hợp gì với khuôn mặt góc cạnh của chị, không hợp với cái vẻ dịu dàng giả tạo trên mặt chị. Mặc dù bản chất chị hiền lành tin người nhưng trong lòng luôn luôn chứa một khối nổi loạn âm thầm. Điều này là do lối giáo dục khác biệt giữa bố và mẹ tôi gây ra. Khi bố mẹ chia tay, tôi còn bé nên ở luôn với mẹ, còn chị lúc thì ở bên nhà nọ, khi lại sang nhà kia. Mỗi nơi chị lại phải đeo một cái mặt nạ. Ngay cả bố mẹ tôi cũng không biết được, bởi từ ngày ly hôn họ không còn nói chuyện với nhau. Họ viết email mỗi khi cần trao đổi chị giữa hai nhà.

Về sau này bố mua nhà cho chúng tôi và không còn xuất hiện trong cuộc sống của ba mẹ con tôi, nhưng không vì thế mà chị trở lại con người thật của mình.

Chị là một cái hộp gia vị đa năng, đôi khi trống rỗng, đôi khi tràn mứa. Như bây giờ chị tràn mứa dịu dàng học trong các bộ phim tình cảm sướt mướt mà chị đã từng coi như đám – sên – nhớt – phát – tởm. Tôi không bao giờ phàn nàn những thứ chị làm, tôi chỉ cần biết bằng cảm nhận ruột thịt, rằng chị yêu thương tôi. Nhưng mà sự mềm mại quá đáng của chị bây giờ lại khiến tôi lo. Phải chăng chị đã bớt yêu thương mình nên phải tỏ ra bằng hành động? Hay chị có một âm mưu khác, thay đổi hẳn phương thức trả thù đời? Chị ngọt ngào với cả con chó vàng chân ngắn xấu ỉn vẫn đến ị bậy trước cửa nhà tôi. Chị đợi nó xong, dọn “tâm sự” của nó vào cái hộp, bọc thành gói quà lộng lẫy buộc nơ đỏ mang đến đặt trước cửa nhà chủ.

Chị tìm được việc làm, một công việc nhàn hạ tẻ ngắt sáng đi tối về. Tối, chị lại lên mạng, nhưng chẳng chơi game.

Tôi bắt đầu thấy bớt an lòng, phấp phỏng đợi một “vụ nổ”.

Vài tháng trôi qua.

Có một anh hiền lành đến dẫn chị đi xem phim tình cảm. Tối tối họ buôn điện thoại đùa cợt về một mái ấm gia đình như trong cổ tích.

Rồi đùng một cái chị tôi lấy chồng. “Cưới chồng phải cưới liền tay”, chị cưới ngay không cho ai cản một lời.

Trước ngày cưới, chị đi gỡ hết tóc nối.

Chị nói từ nay chị nuôi tóc thật của mình.

Truyện 1.196 chữ của Nguyễn Thị Cẩm

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.