Đưa Internet về nông thôn: Chặng đường cam go

(Dân trí)- Phát triển nội dung trên Internet, đặc biệt là nội dung tiếng Việt là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thực hiện Chiến lược “Đề án nước mạnh về CNTT”. Mục tiêu phổ cập băng rộng đến 80% dân số vào năm 2015 sẽ phải vượt qua nhiều thách thức.Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực Internet, thị trường Internet Việt Nam hiện nay đang có tốc độ phát triển nhanh; Thuê bao băng rộng đang có xu hướng chuyển từ ADSL sang FTTH khi mức giá của dịch vụ đang ngày càng rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, người dùng Internet của Việt Nam vẫn chỉ ở mức hơn 30 triệu người trên tổng số gần 90 triệu dân, tương đương với việc 2/3 người dân Việt Nam chưa được tiếp cận được với Internet, trong đó số lượng người sử dụng Internet giữa nông thôn và thành thị vẫn còn khoảng cách tương đối xa.

Tại buổi giao lưu “Ngày Internet Việt Nam”, diễn ra chiều ngày 1/12, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: Để có thể đạt mục tiêu tăng số lượng người dùng Internet từ 30 triệu lên 60 – 70 triệu người, ngoài việc phát triển các thiết bị đầu cuối, điều kiện tiếp cận Internet thì còn phụ thuộc rất nhiều vào nội dung. Tuy nhiên,  hiện nay phần nội dung trên Internet của Việt Nam còn rất nghèo nàn.

“Các dịch vụ nội dung thiết thực khác gần như chưa phát triển do những vướng mắc về vấn đề bản quyền. Ngay cả ở mảng Game dịch vụ, vốn là khu vực có nội dung phát triển mạnh nhất, thì yếu tố nội địa cũng chỉ ở mức khiếm tốn. Thực tế, gần đây, khi chấm thi Nhân tài Đất Việt, ban tổ chức cũng rất khó chấm cho phần thi game Việt vì khó chưa thể xác định yếu tố Việt trong đó” – ông Long cho biết thêm.


Internet nội dung Việt  còn nghèo nàn về nội dung. (Ảnh minh họa )

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Công Toản, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom cho rằng, để có thể đưa Internet về nông thông, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, Hiệp hội Internet cần định hướng các doanh nghiệp nỗ lực xây dựng nội dung tiếng Việt, để người dùng Internet Việt Nam hạn chế truy cập ra nước ngoài. Khi đó, nội dung thông tin tiếng Việt dồi dào sẽ thúc đẩy lượng người truy cập Internet.

Ông Phạm Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Dương Telecom cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển Internet, Việt Nam cần 3 yếu tố”: công nghiệp nội dung, đường truyền và thiết bị đầu cuối. Ở phần nội dung, cần nhìn nhận thực tế trình độ ngoại ngữ của người Việt Nam còn khá hạn chế, nên nội dung tiếng Việt sẽ là yêu tố “ăn điểm” cực kỳ quan trọng. Cùng đó, vấn đề đường truyền dẫn cần giải quyết đồng bộ, trong đó công nghệ không dây 3G hoặc 4G, sẽ là giải pháp phù hợp nhất. Cuối cùng, về thiết bị đầu cuối, thách thức đặt ra là giá thành phù hợp với thu nhập của đại đa số người lao động. Do đó, các thiết bị truy nhập Wifi giá rẻ cho người dân hay thiết bị phát sóng Wifi giá rẻ để lắp đặt ở nhều điểm vùng sâu, xa sẽ là lời giải cho bài toán khó này.

Trả lời câu hỏi về mục tiêu của cuộc Tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe – nhìn toàn quốc, do Bộ Thông tin – Truyền thông thực hiện, ông Nguyễn Long cho rằng: Đây là những số liệu căn bản lần đầu tiên được Bộ thu thập trên quy mô toàn quốc và là cơ sở cho những định hướng phát triển quan trọng sau này của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.

Nhận xét về mục tiêu phổ cập băng rộng đến 80% dân số vào năm 2015 trong Chiến lược “Đề án nước mạnh về CNTT”, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty VASC đưa ra thực tế. Dù mục tiêu là vậy, nhưng đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vẫn chưa thể đạt mức tăng trưởng 30 – 40% mà mới chỉ bươn chải, tính toán sao cho có lãi để nuôi chính mình. Do đó, nếu chưa có chính sách rõ ràng nhằm hỗ trợ và để doanh nghiệp thì mục tiêu đạt phổ cập 80% vào năm 2015 rất khó khả thi.

 P. Thanh

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.