Học sinh bỏ học: Vẫn là nỗi lo ở ĐBSCL

(Dân trí)- Trong hội thảo chủ đề “Phát triển giáo dục ĐBSCL” được Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu nhìn nhận tình trạng học sinh phổ thông bỏ học vẫn còn là nỗi lo của ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL.

Tại hội thảo, một thống kê của Bộ GD-ĐT đưa ra cho thấy so với các khu vực trong cả nước, tỷ lệ bỏ học của học sinh (HS) phổ thông ở ĐBSCL chiếm tỷ lệ cao nhất. Cụ thể, tỷ lệ HS bỏ học trong học kỳ I năm học 2010-2011 cả nước là 0,43%; trong đó cao nhất ĐBSCL chiếm 0,75%, thứ nhì là Tây Nguyên 0,71%, thấp nhất là ĐB Sông Hồng 0,17%.
 
Học sinh bỏ học: Nỗi bức xúc của ngành GD

Nhấn mạnh tại hội thảo, ông Tô Minh Giới – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: “Mặc dù quy mô, chất lượng GD-ĐT thời gian qua ở ĐBSCL được nâng lên, tình trạng HS bỏ học ở các địa phương tuy có giảm so với các năm học trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Đây là nỗi bức xúc của ngành giáo dục, trăn trở của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội”.

Ông Giới cho rằng, nguyên nhân bỏ học chủ yếu là do một số HS thiếu ý thức học tập, bị lôi kéo vào các trò chơi game online, bỏ tiết học, dẫn đến mất căn bản nên chán, ngán ngại, mặc cảm, dẫn đến bỏ học. Một số gia đình ít quan tâm, chưa nhận thức cao về tầm quan trọng việc học tập của con em nên không nhắc nhở, động viên và tạo điều kiện để con em học tập.

Trong khi đó, tại tỉnh nằm ở cực nam Tổ quốc là Cà Mau, ông Thái Văn Long – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết trong số các nguyên nhân làm cho HS của tỉnh bỏ học thì nguyên nhân vì gia đình không có tiền cho con em hàng ngày đến lớp bằng phương tiện đò và giao thông đi lại khó khăn chiếm một tỷ lệ khá cao, với trên 30% trong tổng số HS bỏ học.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, trên địa bàn toàn tỉnh, HS phổ thông phải đi đò ngang đến lớp hàng ngày trên 6.500 em, đi đò dọc trên 31.000 em; trong đó có khoảng 14.000 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn cần được hỗ trợ tiền đò. Ông Thái Văn Long nhẩm tính: “Bình quân số tiền một HS phải trả hàng tháng đi đò ngang khoảng 45.000 đồng, tiền đi đò dọc khoảng 200.000 đồng, một con số khá lớn đối với những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Một buổi học của học sinh Trường tiểu học Nông trường Sông Đốc (Cà Mau).
 
Còn ông Hồ Văn Thống – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp thẳng thắn rằng: “Mặt bằng dân trí và giáo dục hiện nay của ĐBSCL đang là một trong những “vùng trũng” của cả nước. Một trong những yếu tố tác động không nhỏ đến thực trạng này đó là tình trạng HS bỏ học”.
 
Theo số liệu được công bố mới đây tại hội nghị giao ban lần I các Sở GD-ĐT khu vực ĐBSCL tháng 10/2011, tỷ lệ HS bỏ học trong hè cấp Tiểu học cao nhất là tỉnh Hậu Giang với 1,18%; cấp THCS cao nhất là tỉnh Sóc Trăng với 3,66% và cấp THPT cao nhất vẫn là tỉnh Sóc Trăng với tỷ lệ 5,87%.
 
“Như vậy, rõ ràng thực trạng HS bỏ học ở các tỉnh ĐBSCL hiện nay tuy không còn trầm trọng như thời gian trước đây nhưng vẫn đang ở mức rất cao. Có một thực tế đó là cấp học càng cao thì  tỷ lệ HS bỏ học cũng tăng lên tương ứng” – ông Thống nói.  
 
Đánh giá về nguyên nhân tình trạng HS khu vực ĐBSCL bỏ học còn cao, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp Hồ Văn Thống cho rằng nguyên nhân từ HS, cha mẹ HS và cả nhà trường. Theo ông Thống, không ít nhà trường thực hiện việc phòng chống HS bỏ học theo kiểu “theo đuôi”, khi HS đã bỏ học rồi mới thực hiện việc tìm hiểu nguyên nhân và vận động trở lại lớp, điều đó có nghĩa chưa quan tâm đúng mức các biện pháp phòng ngừa khi HS có nguy cơ bỏ học.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng đánh giá, cuộc vận động “Hai không” thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, ở đây đó bệnh thành tích vẫn còn và tình trạng HS ngồi nhầm lớp vẫn có xảy ra. Do trước đây nhà trường đánh giá HS không đúng thực chất, nay đánh giá lại, HS mất căn bản về kiến thức, không tiếp thu kịp chương trình nên chán học và bỏ học.

“Một nguyên nhân nữa là hiện nay, chúng ta còn đang nặng về động viên, thuyết phục là chính mà chưa có những biện pháp mang tính “chế tài”. Chính phủ có quy định về xử phát hành chính trong lĩnh vực giáo dục nhưng trong thực tế đã có bao nhiêu trường hợp bị xử phạt ?” – ông Thống đặt câu hỏi.

Những giải pháp: bao giờ có hiệu quả?

Để giải quyết một cách căn cơ tình trạng HS bỏ học ở khu vực ĐBSCL, người đứng đầu ngành GD tỉnh Đồng Tháp cho biết cần phải có một hệ thống các giải pháp biện pháp mang tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và có thể mang lại hiệu quả cao.

Việc duy trì đầy đủ sĩ số lớp học ở vùng ĐBSCL sẽ vẫn còn là nỗi lo nan giải? 
 
Ông Hồ Văn Thống – giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp thắng thắn: “Sự buông lỏng của gia đình là nguyên nhân chủ yếu làm cho HS lơ là học tập. Sự lười biếng học tập kéo dài tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là học lực nhanh chóng sút kém, HS không theo kịp bạn học, đâm ra xấu hổ nên bỏ học. Chính vì thế, từng gia đình phải có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở và thường xuyên giám sát việc học tập, nếu không làm tốt yêu cầu này thì sớm hoặc muộn cũng xảy ra điều đáng tiếc là con mình bỏ học giữa chừng. Do đó, nhất thiết phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với nhà trường, để nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của con mình, làm cơ sở động viên, uốn nắn khi cần thiết”.

Cũng theo ông Thống, trách nhiệm của nhà trường cũng là một mắt xích rất quan trọng trong mối quan hệ gia đình – nhà trường và xã hội trong việc quản lý các em HS. “Nhà trường phải không ngừng nghiên cứu, nâng cao chất lượng dạy – học, thu hút cho được HS vào từng tiết học, môn học; làm sao để cho HS luôn cảm thấy “thèm khát” được đến trường, được nghe thầy giảng dạy và không còn ý nghĩ sẽ chán mà bỏ học” – ông Thống nêu ý kiến.

Ông Thống cũng có đề nghị, các trường học cần phải chú trọng “phòng hơn chống”; cần xây dựng và phát huy các mô hình tốt trong phòng chống HS bỏ học như mô hình “Tổ Dân phòng khuyến học” (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp); mô hình “Ban phòng chống HS bỏ học” ở địa bàn dân tộc Khmer (tỉnh Trà Vinh)…

Trong khi đó, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Thái Văn Long cho biết tính đến ngày 31/12/2010 tổ tiếp nhận thuộc Uỷ ban MTTQ tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận được trên 20,3 tỷ đồng do các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ vào “Quỹ Hỗ trợ tiền đò dành cho HS có hoàn cảnh khó khăn”. Sau khi thực hiện chương trình hỗ trợ này thì tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi học đến lớp đã tăng; số HS bỏ học đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm học trước; hàng trăm HS các cấp bỏ học vì khó khăn phải đi học bằng đò đã trở lại trường học tiếp.

Còn theo ông Tô Minh Giới – Ủy viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhằm hạn chế tình trạng HS bỏ học phải triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà trường cần có phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tuyên truyền, giúp HS nâng cao nhận thức về lợi ích thiết thực của việc học tập, nhất là phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt hoàn cảnh, điều kiện, tìm hiểu nguyên nhân học yếu, nghỉ học của HS để động viên, khích lệ, giúp các em vượt khó, tiếp tục học tập.

Ông Giới cũng đề nghị UBND, Sở GD-ĐT các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng hoàn chỉnh các phòng chức năng, phòng bộ môn, tiến đến chuẩn hóa trường học. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với HS nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số.  

Huỳnh Hải

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.