Tôi dồn sức ôn luyện khối A để trở thành kế toán giỏi

Tôi chấp nhận khác biệt trong mắt mọi người, không kết theo bè nhóm cùng mấy cậu bạn kia để chú tâm vào học. Tôi không thể bỏ lỡ những bài giảng quý báu, những chia sẻ thực tế từ giảng viên để chỉ vì chơi mấy trò vô bổ như game online. >Thi viết ‘Tôi lập trình tương lai’ trên VnExpress và iOne

Mọi người bảo tôi khác biệt bởi vì cách tôi lựa chọn nghề nghiệp cho mình không giống như đại đa số. Là con trai nhưng tôi yêu những con số, công việc sổ sách, ghi chép, theo dõi các số liệu, đó cũng chính là nghề kế toán mà tôi đang theo đuổi. Chưa một ngày tôi không nghĩ đến nghề của mình theo đuổi. Cái nghề mà tôi đã dày công khổ luyện để có thể chạm được những ước mơ đầu tiên.

Có thể nói con đường học tập của tôi khá vất vả. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo của miền quê xứ Nghệ. Ở đây, mọi thiếu thốn gói gọn trong bốn chữ cơm áo gạo tiền cứ bám riết cuộc sống gia đình tôi khiến nhiều lúc tưởng chừng như tôi phải bỏ cuộc. Nhiều bài giảng trên lớp tôi bị bỏ lỡ cho những lần kiếm tiền mưu sinh cùng gia đình để cải thiện cuộc sống. Nhận thức sớm được cái nghèo khiến tôi càng quyết tâm, phấn đấu thực hiện ước mơ được đến trường và có một nghề nghiệp ổn định, thoát cảnh bần cùng.

Con người ta vốn dĩ luôn thay đổi để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mà mình đang sinh sống. Tôi cũng không nằm ngoài ngoại lệ đó. Tôi tiết kiệm, chăm chỉ làm việc phụ giúp gia đình vượt qua mọi gian khổ để học tập. Nhiều lúc đến kỳ đóng tiền học phí, khoản tiền 40 nghìn đồng cho một kỳ học mà ba mẹ tôi tích cóp mãi mới có.

Tôi nghĩ biết bao giờ mình mới làm ra được 40 ngàn đó. Phải rồi, tôi phải học giỏi để kiếm tiền từ những khoản tiền thưởng cho danh hiệu học sinh giỏi. Chính những suy nghĩ non nớt của tôi lúc đã khiến cho niềm say mê học tập càng được dấy lên cao.

Trong tiềm thức của tôi cũng như mong muốn của gia đình là tôi sẽ cố gắng học và kiếm lấy một cái nghề gì đó ổn định. Tôi sắp đặt lịch biểu, kế hoạch ngay từ lúc bước vào lớp 10. Tìm hiểu về ngành kế toán mà tôi sẽ theo đuổi ở quãng đường sinh viên, tôi được biết để theo đuổi ngành học này trước mắt sẽ phải học tốt một là Toán, Lý, Hóa hai là Toán, Ngữ văn và Anh văn. Xét lợi thế trước mắt, sở trường môn học, tôi đã chọn cho mình khối A để học. Khi biết tôi chuyên tâm vào khối học, bạn bè tôi rất ngạc nhiên vì theo họ điều đó là quá sớm cho một học sinh lớp 10.

Tôi học tất cả với ước mơ, với khát vọng được làm kế toán, cộng với phương châm học theo mọi người là khá đơn giản nhưng cũng rất khó thực hiện “việc hôm nay chớ để ngày mai”. Với tất cả bài học mà không thuộc khối A tôi cố gắng hoàn thiện ngay trên lớp khi có thể.

Thời gian buổi tối tôi tập trung cho các môn Toán, Lý, Hóa. Tôi nhận thấy sai lầm trong cách học đại đa số các bạn là học qua loa trong sách giáo khoa. Điều này khiến các bạn không thể hiểu một cách căn bản nhất về kiến thức dẫn đến khi làm bài tập nâng cao lại ngắc ngứ về một vấn đề căn bản. Các bạn lại một lần nữa mất công tìm hiểu sách giáo khoa.

Tôi chăm chỉ không có nghĩa tôi là một cái máy dập khuôn theo cách giải của thầy cô hay trong sách. Việc tự khám phá ra cách giải mới giúp cho kiến thức ngấm trong người tôi lâu hơn và khiến tôi càng thích thú học tập. Khi thấy một dạng đề quen thuộc, tôi không vội lờ đi mà phải làm lại ngay tức khắc.

Tâm lý của rất nhiều người cho rằng, những bài mình đã làm rồi thì không nên làm lại nữa. Đó cũng chính là một nguyên nhân khiến khi vào phòng thi các bạn lúng túng khi gặp một dạng đề khá quen thuộc bởi vì cách làm của các bạn chưa thực sự nhuần nhuyễn.

Với phương thức học tập trên, tôi sung sướng khi sau kỳ tốt nghiệp phổ thông tôi đã một tay chạm vào điều ước năm xưa. Đó là tôi sẽ được tiếp tục học và hơn bao giờ hết là được học nghề kế toán mà tôi lựa chọn. Cầm trên tay giấy báo nhập học, tôi biết đây chỉ là sự khởi đầu cho một ước mơ. Hành trình của tôi còn rất dài để thực hiện ước mơ đó.

Vào môi trường mới ở giảng đường khiến tôi không khỏi bỡ ngỡ, tất cả khác hẳn thời cấp ba. Không chỉ sự khác biệt về một môi trường sống mà sự nhìn nhận đánh giá của sinh viên lẫn giảng viên cũng khác hẳn. Những cậu ấm, cô chiêu lớp tôi (một số ít) mừng rỡ khi vào được ngôi trường mà họ yêu thích, rồi họ buông thả, ăn chơi và thường xuyên lỡ những kiến thức quý báu. Họ cho rằng năm đầu sinh viên là quãng thời gian để giải stress cho những tháng ngày học vất vả ở thời phổ thông.

Tôi không đồng tình với cách sống, cách nghĩ của họ. Cũng có lúc trong suy nghĩ của tôi bị chuếch choáng nhưng với một bản lĩnh mà tôi đã có được thời phổ thông cộng với hoàn cảnh xuất thân từ một gia đình nghèo khó, tôi không cho phép mình được nghĩ như vậy. Tôi học không chỉ riêng cho tôi mà học vì sự tự hào của gia đình họ hàng nữa.

Lớp học của tôi ở giảng đường đa phần là nữ giới. Lớp hơn 70 người chỉ có lèo tèo dăm ba cậu con trai. Tôi chấp nhận khác biệt trong mắt mọi người, không kết theo bè nhóm cùng mấy cậu bạn kia để chú tâm vào học. Tôi không thể bỏ lỡ những bài giảng quý báu, những chia sẻ thực tế từ giảng viên để chỉ vì chơi mấy trò vô bổ như game online. Điều tôi quan tâm là kiến thức mình học được qua những tháng ngày ở giảng đường để vận dụng vào công việc thực tế.

Những lớp học thêm về nghiệp vụ kế toán như: kế toán thuế, kế toán bán hàng trong doanh nghiệp tôi luôn cố gắng theo khi có thể. Ước mơ của tôi trở thành một kế toán xuất sắc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như góp phần tạo sự phát triển chung của đất nước. Làm nghề kế toán cũng như nghề khác, nếu không thật sự có một cái tâm thì khó có thể sống trọn được với nghề.

Những hình ảnh, thông tin mới đây trên báo chí đã đăng tải về các nhân viên kế toán lợi dụng chức quyền để chiếm tư lợi khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Vì đồng tiền, lợi ích cá nhân đã khiến họ tha hóa đạo đức. Với tôi, tôi đủ tự tin và khẳng định rằng sau này tôi sẽ sống với nghề kế toán chân chính.

Năm nay là năm cuối cùng của khóa học trên giảng đường mà tôi theo đuổi nghề kế toán. Con đường tôi đi còn rất dài, bao vất vả chông gai phía trước đang chờ đợi tôi, thử thách sức trẻ cũng như nghị lực của tuổi thanh xuân. Tôi nghĩ dẫu chúng ta có sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh nào đi chăng nữa thì với một sức trẻ mà chúng ta có được, cộng với một lịch trình, kế hoạch riêng hợp lý cho mình thì mọi vất vả gian nan phía trước chúng ta đều vượt qua được. Hãy tin như thế các bạn nhé.

Cao Văn Quyền

Thể lệ cuộc thi viết “Tôi lập trình tương lai”

– Đối tượng tham gia: Là công dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam có độ tuổi 16-30.

– Bài viết dài không quá 2.000 từ. Không giới hạn số lượng bài dự thi của một người.

– Người dự thi cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản quyền bài dự thi của mình.

– Bài dự thi phải là tác phẩm chưa được đăng trên các ấn phẩm báo, tạp chí. Ban tổ chức được quyền biên tập các bài dự thi.

– Người dự thi gửi kèm bài dự thi, thông tin cá nhân của mình bao gồm: tên; ngày sinh; số CMT; địa chỉ và điện thoại liên hệ.

– Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi gửi kèm ảnh của mình theo bài viết.

– Cuộc thi do VnExpress.net, iOne.net chương trình Cử nhân Top-up (ĐH FPT) phối hợp tổ chức.

– Từ ngày 25/11/2011 đến 25/02/2012, bạn có thể gửi bài viết về: xahoi@vnexpress.netnhipsong@ione.net.

 



    •  
 

Source: Báo VNExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.