Trả lời những câu hỏi cụ thể về đánh giá Đại học

(Dân trí) – Bài viết trước của tác giả đã giới thiệu những cách xếp hạng đại học khác nhau trên thế giới, tuy vậy độc giả còn băn khoăn vì chưa hiểu rõ một số điều trong bài viết. Bài này, tác giả trả lời một số câu hỏi cụ thể về chủ đề này. >> Cuộc chạy đua xếp hạng các Đại học

Câu hỏi đầu tiên: Vì sao trong bài viết trước, tác giả có thể khẳng định rằng “mặc dù không có tên trong 200 Đại học hàng đầu thế giới, bác sĩ và luật sư đào tạo bởi ĐH Liège (Bỉ) không bất tài và không lao đao trong cuộc sống ?”

 

Thật vậy, ĐH Liège không đứng hạng cao trong các bảng của Thượng Hải hay của QS. ĐH Leuven hay ĐH Ghent, cũng ở Bỉ, chiếm vị trí top 50 hay top 100 của các bảng trong khi ĐH Liège chỉ vào hạng 247, thậm chí xa hơn nữa tùy theo bảng. Nhưng sinh viên tốt nghiệp từ Liège không kém các trường ĐH kia, cũng  thành công trong nghề nghiệp sau khi ra trường. Trên bình diện quốc tế, có những cựu sinh viên của Liège được thu nhận học tiếp hay giảng dạy ở Stanford, Cambridge, Oxford một cách bình thường. Nhiều giáo sư  của Liège đã và đang được mời thỉnh giảng ở những Đại học “danh giá”.

 

Đại học Liège chúng tôi nghèo hơn, ngân quĩ cho nghiên cứu ít hơn, “tiếng mẹ” lại là tiếng Pháp chứ không phải tiếng Anh,… nên ít bài báo khoa học hơn.

 

Xếp hạng các Đại học theo chỉ tiêu bài báo, giải Nobel hay những điều tương tự không hẳn là khách quan và chính xác tuyệt đối.  Có những sinh viên khảo cổ ở Đại học New York – thứ 21 trên bảng – sang Liège làm tiếp Thạc sĩ và Tiến sĩ vì danh tiếng của một giáo sư ngành đó ở Liège. Có những cựu sinh viên Liège hiện là nhân viên cao cấp của Mackenzie PR một hãng quốc tế săn nhân tài, hay được hãng ấy tìm kiếm…

 

Liège có cái khiêm tốn của dân tỉnh nhỏ, dân một Đại học nhỏ, dân một xứ nhỏ (Bỉ chỉ có 10 triệu người !). Nhưng giá trị sống cao, trong đó có giá trị sống của sinh viên nói riêng. Và tình người, trong đó có tình thầy trò, tình đồng nghiệp.

 

Hoàn thành tốt nhất “sứ mạng” hướng dẫn sinh viên có lẽ là điều tâm niệm của nhiều giáo sư ở Liège. Sau đó, “hạ hồi phân giải”. Lúc mới đầu, không bằng chị bằng em (xếp hạng kém hơn các Đại học khác), Viện trưởng ĐH Liège lúc đó có suy nghĩ là  cần “chạy vào đường tranh đua” nhưng  tự do hàn lâm đã là một rào cản hữu hiệu. Mười năm sau, số hạng của Đại học Liège theo ranking có xuống chứ không lên, nhưng uy tín thực tế của ĐH không giảm (số sinh viên tăng, chỉ số bằng lòng của sinh viên và nhân viên cao, ngân quỹ ít thâm hụt hơn,…).

Câu hỏi thứ nhì : Tự do hàn lâm và đánh giá Đại học, đánh giá chứ không phải xếp hạng, có … mâu thuẩn không ?

 

Thế nào là “tự do” ?  Ít nhất, tự do là tự do để làm “điều đúng” chứ không phải tự do để “làm càn”. Dĩ nhiên, đúng hay sai, tốt hay xấu, … khác nhau tùy theo bối cảnh xã hội, lịch sử, … Nhưng tự do hàn lâm cốt là để bảo đảm cho nhà khoa học quyền được dạy, được học, nghiên cứu và xuất bản bài báo,… mà không bị một áp lực xã hội, chính trị nào kiểm duyệt, chèn ép hay chế tài. Sự tự do này tối cần cho nghiên cứu – đi tìm sự thật – dù sự thật có “mếch lòng”. Tự do hàn lâm còn gồm quyền được phê bình chính cơ quan đang trả lương cho mình – Đại học – và quyền được có tiếng nói của mình trong công tác quản lý Đại học.

 

Đó là một tự do có ý thức và có trách nhiệm. Nếu thử nhìn lại trong quá trình gần ba mươi năm nay, số trường hợp các giáo sư lạm dụng quyền tự do hàn lâm ở các nước Âu châu có thể đếm trên đầu bàn tay.

 

Kiểm định giá trị của Đại học, trong đó có góp phần của chính mình – tức kiểm định giá trị của bản thân – , hoàn toàn không mâu thuẩn với tự do hàn lâm. Sự kiểm định này, trái lại, được xem như một phản ảnh (feed back) cần thiết để tiếp tục bước tới,  vững chắc hơn. Các giáo sư vẫn có quyền thay đổi hay không cách làm việc của mình, sau đánh giá ấy.

 

Viện trưởng hiện thời của Đại học Liège vừa bỏ tiền ra nhờ một cơ quan chuyên môn và độc lập làm một “audit” (kiểm toán) toàn diện cho Đại học và từ ba tháng nay, trường Tội phạm học (Ecole de Criminologie) của Đại học  đang dùng các kết quả có liên hệ tới trường của audit này, để tự cải tổ. Đó chỉ là một trong nhiều thí dụ cụ thể.

 

 

    

 

                         Trường  Đại học công lập Việt – Đức đào tạo các ngành công nghệ 

 

Câu hỏi thứ ba :  Đánh giá, nhưng làm sao đánh giá một tổng thể hết sức phức tạp như một Đại học, với những chuyên ngành khác nhau, với hàng mươi ngàn sinh viên, hàng ngàn giáo sư và bao nhiêu nghiên cứu sư khác ? Phải đánh giá chương trình dạy, phương pháp sư phạm, giá trị các văn bằng, sự thích hợp hay không với bối cảnh xã hội, và muôn ngàn điểm khác, …

 

Thì cứ chia  tổng thể phức tạp ấy thành nhiều cấu thể  mà tự nó, mỗi cấu thể, không phức tạp lắm đâu. Chuyên gia lo kiểm định cũng không “non nớt” đến nỗi đi hỏi “ông hay bà có làm tốt trách nhiệm của mình không ?”. Họ dùng những dụng cụ thích hợp để điều tra, nghiên cứu, cân đo. Trực tiếp hay gián tiếp. Gián tiếp là quan sát sản phẩm đầu ra chẳng hạn (sinh viên ra trường). Gián tiếp là nghiên cứu số nợ của Đại học thay vì khảo sát cách quản lý ngân quĩ. Và còn nhiều phương pháp khác, những phương pháp có kiểm chứng.

 

Phải nói là mỗi Đại học đều có nhiều bộ phận lo thống kê, lo giúp tân sinh viên, cựu sinh viên, chỉ dẫn ngành học, hướng nghiệp khi ra trường, … Bên cạnh đó lại có những hiệp hội cựu sinh viên các ngành nghề khác nhau, … Tổ chức nào cũng có tài liệu lưu trữ. Đó là những “mỏ vàng” quí giá, nguồn thông tin, để khai thác hầu biết được “sinh lực” của Đại học.

 

Kiểm định giá trị các chương trình, nội dung và phương pháp sư phạm của các môn học là một trò chơi trẻ con vì tất cả  đều được lên mạng ở trang nhà của hầu hết các Đại học (ở Liège, đó là một bắt buộc).

 

Cân đo trong kiểm định, thật sự không khó. Hiện OCDE đang thực nghiệm việc đánh giá quốc tế về khả năng của sinh viên ra trường từ các Đại học để từ đó kiểm định giá trị của đào tạo Đại học (chương trình AHELO  – Assessment of Higher Education Learning Outcomes – tương đương với trắc nghiệm PISA mà họ đã áp dụng từ hơn mười năm nay cho học sinh 15 tuổi)

 

Ở đây xin mở một dấu ngoặc : AHELO đặt trọng tâm lên sự học “làm người” của giáo dục Đại học. Có nghĩa là, đằng sau khả năng kỹ thuật mà đào tạo Đại học đặc thù cho các ngành nghề khác nhau, sinh viên khi ra trường còn được, qua rèn luyện, khả năng phán đoán, suy nghĩ, giải quyết khó khăn, khả năng tiếp xúc và liên hệ bằng giấy tờ, … Một người trí thức toàn diện. Những câu hỏi của AHELO đề cập tới các kỹ năng đó.

 

Điều này hoàn toàn phù hợp với quan niệm đào tạo Đại học hiện thời mà điển hình nhất là những điều mà UNESCO đã định nghĩa  trong  Tuyên ngôn thế giới 1998 về giáo dục Đại học (đào tạo người có tri thức và người sống trong xã hội).

 

Thế nhưng AHELO cũng trắc nghiệm về khả năng chuyên môn nữa. Hiện OCDE đang kiểm soát tính khả thi của những dụng cụ trắc nghiệm phi văn hóa và phi ngôn ngữ để có thể áp dụng cho toàn cầu, cho hai ngành kinh tế và kỹ sư.

 

AHELO, cũng như PISA, bị vài phê bình tiêu cực, nhưng ít nhất hai đánh giá này hiện hữu và có giá trị khách quan.

 

Tóm lại, kiểm định giá trị Đại học là một vấn đề của chuyên gia chứ không phải bất cứ phàm phu tục tử nào cũng làm được. Nhưng kiểm định giá trị của Đại học là một vấn đề khả thi. Chỉ cần vài “phương tiện” thích hợp và nhân viên có khả năng khai thác các kết quả thu thập được nhờ các phương tiện ấy.

Câu hỏi thứ tư : Tại sao phải phiền phức đến thế, việc xếp hạng các Đại học có vẻ đơn giản hơn nhiều?

 

Vấn đề ở đây xin trở về cội nguồn và mục đích của việc đánh giá Đại học.

 

Về cội nguồn, điều 11 của Tuyên ngôn UNESCO   1998 nhấn mạnh rằng khái niệm về giá trị của giáo dục đại học là một khái niệm có nhiều mặt. Các xếp hạng Đại học tựu trung chỉ đặt mạnh trên sản phẩm nghiên cứu khoa học (bài báo, chỉ số được chỉ dẫn, giải Nobel, …).

 

Mục đích của đánh giá là để tiếp tục làm tốt hơn. Giáo dục khác với đánh cờ hay thể thao, giáo dục không cần phải có xếp hạng thứ bậc.

 

Xin kể một chuyện vui nữa : ở trường  Y khoa Đại học Liège, đại đa số các bác sĩ trẻ viết bài đăng báo khoa học nhiều, chỉ số được chỉ dẫn rất to. Con hơn cha về chỉ số này, trong một gia đình mà cha và con đều là bác sĩ cùng ngành không hiếm, nhưng khi gặp một trường hợp cụ thể phức tạp, ông bác sĩ già, không có hay có ít công trình đăng báo đấy, nhưng ông cứu bệnh nhân hàng ngày ! Thế mới biết lâm sàng trong Y khoa là một khía cạnh mà các ranking thường quên.

Và đó chỉ là một thí dụ nhỏ.

 

Đánh giá một trường Y khoa phải bao gồm mặt có ích cho cộng đồng  là một điều hiển nhiên, một điều mà đại đa số các xếp hạng Đại học không lưu ý vì khó đong và đếm, vì nó tầm thường và, để dùng một từ hiện nay, vì chuyện đó không “sexy” – Hiện khẩu hiệu trong giới khoa học là “ đăng báo công bố hay tiêu vong” (publish or perish). Áp lực phải đăng báo khoa học làm cho nhiều khi thiên hạ phải giả đối và gian trá. Liège cũng có vài trường hợp gian trá. Những gian trá trong khoa học lại rất khó bị phát hiện vì tính cách chuyên môn rất cao của các công trình nghiên cứu. Ít người có khả năng và phương tiện để kiểm chứng.

 

Ngắn gọn : xếp hạng dựa trên các công trình khoa học đã được đăng báo có giá trị, nhưng giá trị đó không tuyệt đối và không toàn diện.

Câu hỏi cuối cùng : Thế Việt Nam nên hướng tới đánh giá Đại học hay xếp hạng Đại học?

Đánh giá Đại học là một việc cần làm, cần làm thường xuyên, để hoàn thiện nền Đại học nước nhà. Từ đó mới có hi vọng đạt được những thứ bậc cao trong các xếp hạng Đại học. Trong ngắn hạn, nếu các xếp hạng Đại học tiếp tục dùng những chỉ tiêu hiện nay (số bài báo khoa học, chỉ số dẫn trích, số giải Nobel, … ) có lẽ ta còn phải có thời gian để không “thua em kém chị” trong các thứ bậc.

 

Vả lại, không phải vì một số trong thiên hạ chạy theo xếp hạng mà ta cũng phải cố len chân vào bằng tất cả mọi giá. Trường học, kể cả trường Đại học, là một môi trường giúp mỗi một trong chúng ta rèn luyện để ra đời sống tốt chứ không phải là nơi thanh lọc hay xếp hạng. Ta cần biết thứ hạng của ta để định hướng, để phấn đấu tiến lên,  nhưng không vì “mục tiêu thứ bậc”.

 

 

                                                                   Nguyễn Huỳnh Mai

                                                                         Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí-Qua việc trả lời những câu hỏi cụ thể, tác giả đã nói rõ hơn về nội dung và những tiêu chí cũng như mục tiêu của việc đánh giá và xếp hạng đại học. Liên hệ với tình hình đại học nước nhà, đúng như tác giả gợi ý, chúng ta cần quan tâm trước hết đến việc đánh giá kết quả hoạt động toàn diện của mỗi trường đại học để không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học và phát huy vai trò của nhà trường đối với xã hội.

 

Cũng qua quá trình phấn đấu đó, các trường đại học ở nước ta từng bước nâng cao uy tín và vị thế của mình trong hàng ngũ các trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.