Rằng bây giờ mới thấy đây

TTCT – Cái số xê dịch, chân đang đi chỗ này mà lòng đã những hình dung nơi khác. Nhưng không phải chỗ nào cũng có thể đặt chân đến dù lúc ấy túi rủng rỉnh tiền. Nếu phải kể một chuyến đi thỏa lòng chắc chắn mình sẽ kể về nó, chuyến đi như một câu thơ: rằng bây giờ mới thấy đây, mà lòng đã nhủ những ngày một hai.

Rằng bây giờ mới thấy đây

Minh họa: Đỗ Trung Quân

Nhà ga quy củ, quanh sân bay rất nhiều cỏ ống. Cánh quạt máy bay lên thẳng khiến ký ức lưu giữ một biển cỏ ống rạp mình dưới cánh quạt trực thăng. Nhớ ngày tuổi trẻ và chiến tranh, bên này bên kia và bom đạn bời bời. Đất đai dễ dàng, hở ra là cỏ ống phởn phơ, nhưng cỏ ống ở sân bay dành cho dân đi giàn nhắc nhớ một thời cay cực sâu như vết khắc.

Chính vì vậy mà háo hức một cách trầm ngâm dù bây giờ lên trực thăng để làm khách. Túi nhỏ đeo vai, cáp chống ồn vắt qua tai, những chàng trai dầu khí đi ca như vậy đó. Phút chốc đất liền đã ở phía sau, thềm lục địa vươn theo, xanh thẳm dưới tầm mắt. Không dưng mà Đất và Nước luôn đi liền nhau khi chúng ta rưng rưng hai từ Tổ quốc.

Nhưng con người chứ không phải con cá, thiếu đất lập tức con người thấy như mình bị bứng đi, châng lâng biển cả. Dân đi ca bảo dù năm năm hay mười năm bám giàn vẫn không bao giờ xóa được cảm giác sợ xa đất liền, sợ có đi mà không có trở lại.

Giàn khoan lẻ, nghĩa là giàn nhỏ, không trung tâm, không khách khứa tham quan tấp nập, vì vậy nó nhỏ bé như một thứ trò chơi để thách thức đại dương. Khi cả nước còn ăn gạo mốc và đi bằng xe đạp thì công cuộc tìm kiếm dầu thô đã khởi động âm thầm. Người mình là con dân lúa nước, tiềm thức di truyền những hình ảnh của rơm rạ và cánh đồng, tâm lý sợ biển là nỗi sợ “cha truyền con nối”.

Nhưng thời đã khác, các chàng trai của dầu thô đã được sàng lọc từ thể lực tới tri thức. Họ thật vững chãi, can cường và sáng láng. Họ chấp nhận dấn thân và họ biết không đơn thuần chuyện lương cao. Làm ra giọt dầu, đó là sứ mệnh chứ không chỉ là trách nhiệm.

Nhà giàn khép kín, lúc biển lặng nhất đại dương vẫn không nín gió. Tiếng ồn của máy móc tra tấn những ai thần kinh yếu. Mới giữa thời gian đi ca đã nghiệm ra dân mình còn là “dân rau muống” chứ không chỉ là dân lúa nước. Nhớ rau muống quay quắt. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa tới tận răng mà vẫn không nguôi món rau muống luộc. Bắt đầu hội chứng “nhà giàn”, tức đau đầu và chảy nước mũi. Cầm lọ dầu thô trong tay để mang về khoe với anh em, chao ơi, dầu thô đây sao?

Đại dương chẳng qua là cái phễu khổng lồ, dưới lòng biển vẫn là đất và trong thứ đất sền sệt này là tài sản của quốc gia mà con cháu đời đời sẽ phải đổ mồ hôi và cả máu xương để gìn giữ. Một cái lọ nhỏ bất kỳ nhưng trong hành lý trở về của một nhà báo đi giàn là một thứ mà chắc nhiều người thèm muốn có được. Ngắm nghía, cất vào rồi lại muốn mở ra để định nghĩa mùi vị của nó.

Không định nghĩa nổi, nó quan trọng, thậm chí hệ trọng mà lại cực kỳ giản dị. Nó là nó, mùi vị dầu thô, còn trong nó là gì chắc bạn đã có thể hình dung, nó có tất cả, trí tuệ, gian nan và cả nỗi niềm.

Những đêm trăng trên nóc giàn đặc biệt khắc khoải. Bầy cá dưới chân đế giàn đặc biệt sinh động. Và những chuyến tàu tiếp phẩm cho dân giàn thì đặc biệt háo hức. Có rau muống không, khoai tây, cà chua hoài vậy sao? Rau muống không hợp với nắng gió đại dương, tàu tiếp phẩm đi luồn qua các giàn, ngày này sang ngày khác. Và những con gián tàu đã lên được giàn khoan bằng con đường này.

Gián là bạn, có gián là có hơi hướm đất liền, dân đi ca hay lùa gián vào một nơi để chơi đùa, kiểm soát và “trò chuyện” với chúng. Một kiểu của con người, một kiểu nhớ một kiểu thèm những sinh linh nhỏ bé từng gắn bó với con người. Những cuốn sách, chiếc tivi duy nhất ở phòng họp, máy điện đàm, lũ cá dưới chân đế, mặt trăng khi có khi không và… gián.

Mười ngày một chuyến đi ca. Mười ngày thăm thẳm. Mười ngày mùa khô khác với mười ngày mùa mưa. Với dân đi giàn, năm làm việc không dài, thời gian nghỉ bằng với thời gian làm. Có người đi thẳng từ sân ga đầy cỏ ống lên Sài Gòn để nhảy tàu hoặc lên máy bay ra Bắc thăm vợ thăm con. Đó là nhịp sống của người trực tiếp làm ra dầu thô và không phải ai cũng biết được cái nhịp trần ai ấy.

Những ngày mưa bão thường khiến nhớ. Những ngày biển Đông không yên càng khiến nhớ. Nơi đó cũng là biên cương. Nơi đó lúc này lại là tiền tuyến. Vì vậy mà thấy âu lo và kỳ vọng. Mong cho tất thảy an lành, chỉ đại dương khắc nghiệt đã là quá đủ.

DẠ NGÂN

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.