Mong đợi gì ở công nghệ  năm 2012?

TTCT – Chúng ta đang sống trong thời kỳ mà công nghệ phát triển nhanh đến độ ta chẳng kịp làm quen với một phát minh mới thì đã có thứ hiện đại hơn ra đời. Nhưng đó là chuyện của những năm trước.

Cửa sổ khoa học

Mong đợi gì ở công nghệ  năm 2012?

Năm 2012, công nghệ sẽ tập trung vào chất nhiều hơn là lượng cũng như sẽ phát triển dựa trên những phát minh đã có hơn là cho ra đời những thứ mới.

Nhiều mẫu máy tính xách tay sẽ theo bước MacBook Air trong việc loại bỏ ổ đĩa quang

1. Bộ xử lý lõi kép sẽ phổ biến trên điện thoại thông minh

Năm 2011, thế giới công nghệ đã chứng kiến một số điện thoại thông minh được trang bị bộ vi xử lý lõi kép, điều vốn chỉ có trên máy tính xách tay. Và tất nhiên, các hãng sản xuất điện thoại khác không chịu ngồi yên nhìn đối thủ tung hoành trên thị trường.

Gạt qua mọi sự cạnh tranh thì quả thật nhu cầu về một chiếc điện thoại di động cấu hình mạnh là có thật. Những thiết bị như iPhone 4S trong tương lai sẽ nhiều lên. Và để làm được những gì iPhone 4S đang thể hiện cùng những yêu cầu khó tính hơn của người sử dụng, điện thoại phải được trang bị bộ vi xử lý lõi kép. Nào là xử lý yêu cầu bằng giọng nói; chụp ảnh, quay phim HD; chơi game 3D, các trình đa nhiệm… Do đó trong năm 2012, bạn đừng ngạc nhiên khi thấy điện thoại lõi kép trở nên phổ biến.

Các bộ vi xử lý lõi kép không chỉ tăng cường sức mạnh cho thiết bị mà còn giúp tiết kiệm pin hơn. Tháng 12-2011, Hãng Nvidia đã giới thiệu bộ vi xử lý lõi tứ đầu tiên Tegra 3 dành cho máy tính bảng và điện thoại thông minh.

2. Laptop sẽ không còn ổ đĩa quang

Mấy năm trước, khi Apple mạnh dạn “vứt” ổ đĩa quang vốn đọc và ghi được CD/DVD trên máy tính xách tay MacBook Air của mình, không ít người cho đó là một điều điên rồ và rằng chiếc máy tính này sẽ thất bại. Nhưng ngay trong thời điểm hiện tại, có bao nhiêu người trong số chúng ta dùng đến ổ quang để đọc dữ liệu, xem phim hay cài chương trình? Tại sao chúng ta lại phải cần ổ quang trong khi Internet hiện nay đã quá mạnh và phổ biến? Nếu xem phim, ta chỉ cần xem trên mạng hoặc thuê từ những cửa hàng trực tuyến. Phần mềm cũng vậy.

Dự đoán trong năm 2012, không chỉ các loại máy tính xách tay mỏng nhẹ, các laptop thông thường cũng loại bỏ luôn ổ đĩa quang mà không làm ảnh hưởng nhiều đến chức năng của máy. Và nhờ vậy giá thành một chiếc máy sẽ rẻ hơn. Có khi đến năm 2013 sẽ chẳng còn kết nối USB nữa cũng nên.

3. Gói cước dữ liệu đánh bật gói cước thoại

Thông thường khi đăng ký sử dụng các gói cước điện thoại, người ta thường ưu tiên cho việc gọi điện và nhắn tin thông thường. Còn các gói dữ liệu như GPRS hay 3G để vào mạng thì chỉ là phụ. Tuy nhiên, người tiêu dùng trẻ hiện nay sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng nhiều. Họ cũng dành nhiều thời gian hơn để gửi email, chat trên các dịch vụ tin nhắn tức thời và cập nhật tin tức trên Facebook. Trong năm 2012, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang chú trọng các gói dịch vụ về dữ liệu. Còn gói cước thoại chỉ là phụ.

Dù sao gọi điện hay nhắn tin thì vẫn đắt đỏ hơn việc trao đổi thông tin qua mạng Internet. Gọi điện qua Skype chẳng hạn, sẽ gọi được khắp thế giới mà lại miễn phí, chỉ tốn chút tiền Internet. Nhắn tin qua Facebook chẳng thuận tiện và tiết kiệm hơn SMS sao?

Trong năm nay, những cách thức thanh toán dựa trên thiết bị giao tiếp tầm ngắn NFC tương tự Google Wallet sẽ nở rộ và phổ biến

4. Thanh toán bằng giao tiếp tầm ngắn

Thẻ tín dụng hiện nay đã được coi là cực kỳ tiện lợi và gọn nhẹ khi giúp bạn không phải mang nhiều tiền. Nhưng nhìn chung bạn vẫn phải cầm theo ví ra đường. Và mỗi lần “quẹt” thẻ, bạn lại phải “ký cọt”, rồi lại cầm tờ hóa đơn. Hãy tưởng tượng xem, năm 2012 bạn chỉ cần “gí” chiếc điện thoại đang cầm trên tay vào máy tính tiền đặt tại quầy là bạn đã có thể thanh toán số tiền. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện viễn tưởng xa vời.

Hiện tại ở một số thị trường nhất định, bạn có thể sử dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn NFC có trên chiếc điện thoại Google Nexus S cùng dịch vụ Google Wallet để thanh toán tại một số cửa hàng tham gia chương trình. RIM cũng đang nung nấu việc đưa NFC vào những chiếc điện thoại BlackBerry mới nhất của mình. Các chuyên gia nhận định trong năm 2012, không có gì phải nghi ngờ chuyện NFC sẽ “đơm hoa kết trái”.

Dịch vụ thuê phim ảnh trực tuyến sẽ được ưa chuộng hơn

5. Thuê sách, phim, nhạc trên mạng

Mua phim, nhạc, sách trên các cửa hàng trực tuyến không còn là chuyện lạ, thậm chí là cực kỳ phổ biến ở một số nơi. Tuy nhiên với cách này, người dùng sẽ phải tải nội dung đó về máy rồi xem lại sau. Dựa trên dự đoán về sự phát triển của tốc độ và chất lượng mạng không dây, các nhà phân tích cho rằng trong năm nay, người tiêu dùng sẽ được thưởng thức nhiều nội dung hấp dẫn hơn ngay trên mạng mà không cần tải về.

Hình thức này được gọi là thuê nội dung. Tức người sử dụng chỉ cần trả khoản tiền ít hơn để xem nội dung đó trực tuyến, dù là nhạc, phim hay sách. Người ta cũng chẳng cần bận tâm chuyện tốn ổ đĩa lưu trữ. Cứ khi nào cần là họ lên mạng xem trực tiếp.

Thời gian tới, điện toán đám mây sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc xử lý và phân tích thông tin trực tuyến

6. Xử lý thông tin từ máy chủ

Việc Siri xuất hiện trên iPhone 4S thời gian qua là một cú sốc và gây thích thú cho người yêu công nghệ. Siri, một chức năng ghi nhận giọng nói của con người, phân tích rồi đưa ra những đối đáp có những hành động thực thi mệnh lệnh của người dùng. Chỉ có điều Siri không xử lý các đoạn âm thanh giọng nói trên điện thoại mà chuyển dữ liệu đó đến “đám mây” để xử lý rồi mới gửi trả lại kết quả phản hồi cho người dùng.

“Đám mây” là một thuật ngữ để chỉ máy chủ ảo và mạng Internet, nơi người ta có thể đưa các dữ liệu lên đó rồi tải về khi cần. Trong xu hướng mà dữ liệu cũng được cất trên “mây”, phần mềm cũng được truy xuất từ trên “mây”, thì việc xử lý dữ liệu trên “mây” rồi trả về thiết bị cũng không phải là chuyện nằm ngoài dự đoán. Như trường hợp của iPhone 4S, thiết bị của Apple này chẳng cần phải “mệt óc” phân tích giọng nói làm chi mà chỉ việc quẳng lên “mây” xử lý là xong.

Trước Siri, dịch vụ Google Goggles đã làm điều tương tự. Đó là chụp ảnh một cuốn sách, một mẫu logo hay một địa danh nào đó và ngay lập tức Goggles sẽ phân tích hình ảnh và trả về các kết quả tìm kiếm liên quan. Xử lý thông tin trên “đám mây” cũng sẽ là một xu hướng trong năm 2012.

7. Tài khoản Facebook trở thành chìa khóa điện tử thông dụng

Lại là Facebook. Bây giờ cái gì người ta cũng phải đụng đến Facebook. Để biểu hiện rằng mình ưng một bài báo nào đó ngoài Facebook, người ta sẽ nhấn nút “Like” (thích) của mạng này cuối bài viết. Giờ đây nhiều dịch vụ trực tuyến đã cho phép khách hàng “Đăng nhập bằng tài khoản Facebook” của bạn. Điều này rất thuận tiện, nhất là việc người sử dụng không phải mất công tạo thêm một tài khoản nữa để sử dụng dịch vụ và tốn thêm “bộ nhớ” trong não để nhớ username/password.

Mặt khác, tài khoản Facebook thường xác thực hơn một tài khoản tạo ra đại khái để sử dụng dịch vụ. Do vậy độ tin cậy khi quản lý người sử dụng cũng tốt hơn. Năm 2012, dự báo tài khoản Facebook sẽ là chìa khóa chủ chốt để bạn sử dụng các dịch vụ trực tuyến.

8. HTML5 trỗi dậy

Nếu như trên thế giới đang xuất hiện phong trào “Chiếm phố Wall” thì giới công nghệ cũng đang có một phong trào “Chiếm nền tảng Flash” nhằm kêu gọi các nhà phát triển từ bỏ nền tảng của Adobe này để chuyển sang HTML5.

Xuất hiện từ lâu và mới đây được đưa vào ứng dụng đại trà trên một số trình duyệt và các máy tính bảng, điện thoại thông minh, HTML5 tỏ ra ưu thế hơn flash ở nhiều điểm. Đó là cấu trúc đoạn mã gọn gàng hơn, truy xuất video cùng các hiệu ứng hình ảnh nhanh và nhẹ hơn. Và trên hết, HTML5 tương thích với các thiết bị chạy hệ điều hành iOS thời thượng đang làm say lòng người tiêu dùng hiện nay. Năm 2012, các nhà phân tích dự đoán HTML5 sẽ trỗi dậy và lấn lướt Flash.

9. IPv6 phổ biến hơn

Để gửi và nhận dữ liệu trên Internet, mỗi thiết bị kết nối cần một địa chỉ IP (bao gồm một dãy số). Trong năm 2011, thế giới lâm vào tình trạng cạn kiệt nguồn tài nguyên IPv4. Vì vậy một phiên bản mới của địa chỉ IP ra đời để giải quyết tình trạng cạn kiệt trên. Đó là IPv6. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 không phải là chuyện một sớm một chiều mà cần một sự làm quen và thích nghi của cả những nhà cung cấp dịch vụ mạng và người tiêu dùng.

Máy tính bảng sẽ phải tập trung vào chất nhiều hơn để đuổi kịp Apple

10. Máy tính bảng sẽ ít “lượng” nhưng “chất” hơn

Cơn lốc máy tính bảng dường như đã đi vào giai đoạn bão hòa. Các máy tính bảng na ná nhau ồ ạt ra đời. Chỉ có những thiết bị thật sự xuất sắc và khác biệt mới tách ra khỏi đám đông xô bồ kia. Trong năm 2012, các nhà phân tích cho rằng thị trường máy tính bảng sẽ không ồn ào nữa, sẽ có ít mẫu máy mới hơn nhưng tập trung vào chất lượng nhiều hơn.

Trên thực tế chẳng loại máy tính bảng nào địch lại được iPad của Apple vì “em xinh em đứng một mình vẫn xinh”. Do đó để đánh bật được ngôi hậu của iPad, các hãng buộc phải tập trung nhiều hơn vào chất lượng hơn là dùng chiêu “lấy máy tính bảng đè người” như năm vừa qua.

VIỆT PHƯƠNG (theo PC World)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.