Biển đảo trong lòng sinh viên, học sinh

TT – Ngày 17-3, hai sự kiện “Góp đá xây Trường Sa” đã được tổ chức dành cho SV-HS. Trường Sa có lẽ đã gần hơn rất nhiều với những SV Cần Thơ sau đêm giao lưu ca nhạc “Góp đá xây Trường Sa”, với sự góp mặt của gần 5.000 SV ĐH Cần Thơ diễn ra tối 17-3.

Biển đảo trong lòng sinh viên, học sinh

Học sinh Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM xem mô hình tàu chiến do các bạn học sinh tự làm – Ảnh: Thanh Đạm

Học sinh Trường THCS Võ Trường Toản với mô hình nhà giàn DK1 tại ngày hội giao lưu học sinh giỏi chăm ngoan quận 1, TP.HCM và cũng là ngày hội “Góp đá xây Trường Sa” đã được Phòng giáo dục quận phát động – Ảnh: Thanh Đạm

Trường Sa gần hơn bởi chính sự sôi động mà các bạn SV Cần Thơ mang lại.

Thêm động lực góp đá xây Trường Sa

Từ 19g, khuôn viên sân khấu ngoài trời ĐH Cần Thơ đã không đủ ghế ngồi vì tình yêu biển đảo, tình yêu Trường Sa. Và cứ thế sân khấu với những ca khúc về biển đảo của Tổ quốc, từ Biển hát chiều nay, Giai điệu Tổ quốc… rất quen thuộc đến Gửi đá xây Trường Sa, Góp đá xây Trường Sa, Bão biển… nối nhau làm nên sự sôi động của chương trình.

Trường Sa gần hơn bởi cả chính những phút im lặng khi hàng ngàn SV chăm chú xem những hình ảnh, clip về đảo, biển, về công trường trên đảo mà phóng viên Tuổi Trẻ mang về từ Trường Sa. Những clip không có nhiều lời bình mà nhường chỗ cho tiếng ầm ì của từng con sóng trùm lên tàu chở đá, hất tung xuồng trung chuyển đá. Nhưng đá vẫn cứ ra Trường Sa. Bạn Nguyễn Quốc Thiên, sinh viên năm 3 khoa luật ĐH Cần Thơ, nói: “Những hình ảnh đó chỉ cần xem thôi, không cần thêm một lời kêu gọi nào chúng em cũng đã thấy thêm rất nhiều động lực để góp đá xây Trường Sa”.

Và Trường Sa còn gần hơn bằng chính tình cảm, cảm xúc của những người đã trực tiếp ra đảo, từng trào dâng, đau đáu với Trường Sa. Phóng viên Tấn Vũ của Tuổi Trẻ, tác giả của những hình ảnh, clip về con tàu ra đảo, về công trường giữa trùng khơi, đã kể về những trải nghiệm tác nghiệp khó quên. Chỉ trong 26 ngày ở đảo anh “được” đón đến bốn cơn bão biển. Đó là điều chưa bao giờ gặp ở đất liền, trong những lần tác nghiệp của phóng viên. Nhưng với Trường Sa đó là chuyện rất thường.

Còn chị Nguyễn Thị Liễu, một cô gái khuyết tật bị liệt cả hai chân, làm Trường Sa gần hơn một cách rất xúc động. Từng tìm đến Tuổi Trẻ để gửi cho các chiến sĩ Trường Sa 1.000 con hạc giấy, từng cùng nhóm bạn bè khuyết tật đóng góp một ngày lao động với gần 2 triệu đồng. Đứng trước các bạn SV Cần Thơ, chị nói: “Tôi muốn gửi đến các chiến sĩ rằng đất liền và Trường Sa rất gần nhau, cả với những người khuyết tật, đi lại rất khó khăn nhưng tấm lòng thì không thể xa…”.

Đêm giao lưu ca nhạc “Góp đá xây Trường Sa” khép lại với những con sóng trào dâng về tình yêu Trường Sa, yêu biển đảo, yêu Tổ quốc dạt dào, mà nói như nhà báo Lê Thế Chữ, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, chính khán giả – các bạn SV Cần Thơ – đã đưa Trường Sa về gần hơn. Và những con sóng ấy của các bạn đủ để ở bất cứ đâu trên đất nước những con tàu góp đá, những con tàu chở tình yêu về phía Trường Sa cũng có thể lướt đi.

Không khí hào hứng của các bạn sinh viên trong đêm giao lưu tại ĐH Cần Thơ – Ảnh: Thuận Thắng

Tự tay làm tàu chiến

Sáng 17-3, hơn 400 học sinh đến từ 11 trường trên địa bàn quận 1, TP.HCM đã tham gia ngày hội giao lưu học sinh giỏi chăm ngoan quận 1 lần 8 với chủ đề “Học sinh quận 1 và tình yêu biển đảo” diễn ra tại Trường THCS Đồng Khởi. Các mô hình mô phỏng đảo Trường Sa lớn, nhà giàn DK1, đảo Sinh Tồn, đảo Song Tử Tây hay mô hình tàu chiến hiện đại do học sinh tự tay làm trưng bày tại ngày hội khiến người xem không khỏi bất ngờ. Các tiết mục văn nghệ, thi kiến thức đều được lấy nội dung hướng về biển đảo như “Hành trình tiến ra Trường Sa”, “Tuổi trẻ và biển đảo”. Học sinh cũng cùng nhau tham gia những trò chơi thú vị, những phần thi kiến thức về biển đảo như các đội mang tên những con tàu đang hoạt động tại Trường Sa phải đi guốc ba chân vượt qua chướng ngại vật để mang đá xây Trường Sa… Tất cả học sinh cùng đại diện báo Tuổi Trẻ hô to khẩu hiệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của VN”.

Cô Huỳnh Thiên Nga – hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi, đơn vị đăng cai tổ chức – chia sẻ: “Năm nay chúng tôi quyết định lấy chủ đề cho ngày hội là tình yêu biển đảo. Trước đó, Phòng giáo dục – đào tạo quận 1 đã phát động ủng hộ quỹ “Góp đá xây Trường Sa” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Có lớp ủng hộ số tiền rất lớn, hỏi mới biết các em vận động lẫn nhau, tham gia rất tích cực. Quá trình chuẩn bị cho ngày hội, các em phải tự trang bị kiến thức về biển đảo để thi, thuyết trình hay làm mô hình các đảo. Tôi rất ngạc nhiên khi các em làm mô hình các hòn đảo rất đẹp và sinh động”.

Đến giao lưu cùng các em học sinh quận 1, thượng úy Phan Văn Quý (lữ đoàn 125) chia sẻ: “Đến đây tôi rất xúc động trước tình cảm của các em dành cho biển đảo quê hương, thật tuyệt vời. Đây là nguồn động viên lớn lao giúp chúng tôi thêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển Tổ quốc. Tôi rất thích mô hình đảo Trường Sa lớn mà các em làm, dù các em chỉ mới xem đảo trên các phương tiện truyền thông nhưng đã biết tái hiện cuộc sống giản dị ở Trường Sa với hình ảnh tấm lưới đánh cá, những luống rau củ, những chú heo…”.

Tổng kết ngày hội, thầy Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng giáo dục – đào tạo quận 1, đã trao cho đại diện báo Tuổi Trẻ gần 130 triệu đồng ủng hộ quỹ “Góp đá xây Trường Sa”. Đây là số tiền do học sinh 11 trường THCS trên địa bàn quận 1 đóng góp.

NGUYỄN VIỄN SỰ – TÂM LỤA – SƯƠNG TRANG

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.