Những sinh viên “cày” thâu đêm kiếm sống

Không phải ai cũng đủ sức khỏe để làm việc về đêm. Với một số sinh viên, việc cày đêm để kiếm thêm thu nhập và có những kỉ niệm thú vị, đã khiến cho quãng đời sinh viên trở nên đáng nhớ.

Những cú đêm chăm chỉ

 

Một ngày của Trần Thị Vân (k54- Thông tin thư viện- ĐHKHXH&NV Hà Nội) không chỉ có việc lên giảng đường rồi về nhà ngủ nghỉ ăn chơi như phần lớn sinh viên, mà nó thực sự sôi động hơn, bắt đầu từ 22h đêm cho tới 4h sáng hôm sau.

 

Đi làm thêm từ khi còn là tân sinh viên, Vân không chọn cho mình công việc gia sư hay bồi bàn mà lại dính duyên với việc photo ở cửa hàng trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội). Công việc không có gì vất vả nhưng đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác cao, chủ yếu là in ấn, photo, đánh máy và sửa bài.

 

“Mình chọn việc này bởi nó rất gần với ngành học của mình về thông tin, có cơ hội tìm hiểu thêm về các kiến thức Văn học, Ngoại ngữ, Lịch sử do khách hàng gửi tới in. Cửa hàng có 11 nhân viên nhưng chỉ có mỗi mình là sinh viên.

 

Việc bọn mình làm ca đêm là xử lý hàng từ ban ngày tồn lại, phải làm gấp để sớm hôm sau kịp giao cho khách. Thời gian có hơi đặc biệt và không phù hợp lắm với con gái như mình nhưng mình học được sự kiên nhẫn trong từng việc làm nhỏ và làm đêm cũng có niềm vui riêng của nó.

 

Khi căng thẳng thì khách hàng và uy tín của cửa hàng chính là động lực thúc đẩy mình. Cửa hàng ở gần các trường ĐH lớn nên mình cũng có cơ hội được tiếp xúc và học hỏi được nhiều điều từ các bạn sinh viên như mình”, Vân tâm sự.
 

Vân còn có biết danh là bé photo

 

Vân còn chia sẻ, ngoài mức lương 20.000đ/h bạn còn được cửa hàng thưởng thêm và có chế độ ăn đêm cũng như bố trí chỗ nghỉ ngơi trên tầng 4, thuận tiện hơn trong sinh hoạt và ăn ở.

 

Ngoài ra Vân còn tự sưu tầm tay những tập truyện ngắn có nội dung giống như hạt giống tâm hồn rồi in thành sách, in bìa dễ thương gửi tặng bạn bè. Mỗi khi lớp có tài liệu học tập cần photo, Vân cũng nhận về làm với giá rất sinh viên giúp cả lớp. Vì vậy mà cô bạn còn có thêm 1 biệt hiệu là bé “photo”.

 

Không giống Vân, Nguyễn Đình Công (CĐ Xây dựng) đến với nghề trông quán net đêm ban đầu do quá ham mê game online và muốn được chơi game miễn phí. Nhưng những ngày sau đó động cơ thúc đẩy cậu tiếp tục làm công việc này lại khác.

 

“Mình làm từ 23h tới 6h sáng hôm sau, thời gian mà ngày trước không làm gì mình cũng thức tới giờ đó để “cày”. Công việc chủ yếu là quản lý các máy, thu tiền của khách, phục vụ khách có nhu cầu ăn đêm. Ban đầu mình thấy chưa quen vì có những hôm học sáng mình chỉ kịp về phòng trọ thay đồ, rửa mặt rồi tức tốc đi học luôn. Nhưng sau đó mình cố gắng cân đối lại và giờ thì quá ổn.

 

Ban đầu chỉ là do mê game mà mình làm nhưng sau thì mình kết hợp với anh chủ quán làm một việc có thể được coi là có ích hơn đó là ngăn chặn những em nhỏ dưới 18 tuổi và những đối tượng cứu net hay đi bụi vào quán. Như vậy mình cũng tự thấy công việc thú vị hơn”.

 

Với Đinh Huyền Trang (ĐH Công Đoàn), nhận việc trực tổng đài điện thoại của Viettel lại giúp cho bạn hoạt ngôn và giao tiếp tốt hơn. “Ban đầu mình rất ít nói và thường hay e ngại. Sau tình cờ thấy thông báo tuyển nhân viên trực tổng đài nên mình đi tập huấn thử và sau đó được chọn. Công việc càng làm mình cảm thấy hứng thú vì giúp tư vấn được cho nhiều khách hàng.

 

Lúc đầu mọi người đều phản đối mình đi làm ca đêm (từ 23h tới 6h30 hôm sau) vì thức đêm không tốt cho con gái nhưng chính bản thân mình đã tìm thấy được niềm vui trong công việc và mức lương của ca này cũng khá hơn.

 

Vui nhất là vào những dịp lễ như 8/3, 20/10, khách hàng thường hỏi cách tặng nhạc chờ hay gửi quà cho bạn gái. Mình cũng thấy tự hào khi được giúp nửa kia mang niềm vui tới chị em”

 

Đinh Huyền Trang đã trở nên hoạt bát hơn sau khi nhận công việc trực tổng đài Viettel 

 

Làm đêm, dễ đồng cảm

 

Trong suốt 3 năm làm việc tại cửa hàng photo, Vân nhớ như in kỉ niệm về một khách hàng trên 70 tuổi, mệt mỏi đến quán khi Vân vừa tới làm. Cụ bà nhờ đánh máy lại tập thơ gần 50 bài do cụ tự sáng tác.

 

“Quán mình rất ít khi nhận đánh máy nên không ai chịu làm giúp cụ. Nhưng khi mình hỏi chuyện ra mới biết cụ có hoàn cảnh thật éo le. Cụ vốn là thanh niên xung phong, không biết chữ. Nhưng sau đó cụ tự học và làm được thơ.

 

Cụ đi từ Sơn Tây lên Hà Nội nộp bản thảo nhưng không chỗ nào nhận đánh máy giúp cụ do yêu cầu quá rắc rối. Mình còn cảm thương hơn vì cụ đang sống cô đơn, người chồng phụ bạc bỏ đi từ lúc cụ còn trẻ. Vì vậy dù yêu cầu khó nhưng mình vẫn cố gắng giúp cụ”, Vân nhớ lại.

 

Còn với Công, cậu đã có những biến chuyển tích cực, không vòi tiền mẹ nữa, sau khi đi làm. Sở dĩ thế vì công việc này, Công còn phải phục vụ các khách hàng có nhu cầu ăn đêm nên Công gặp và có quan hệ rất tốt với một cô bán xôi và bánh khúc tần tảo, vất vả bán hàng cả đêm.

 

“Tớ rất mến cô Thảo vì trong dáng hình cô ấy có hình ảnh mẹ tớ ở quê thức khuya dậy sớm chạy chợ kiếm tiền nuôi anh em tớ ăn học. Rồi một hôm tớ bị đau bụng sốt cao, cô đã đạp xe đi mua thuốc cho tớ và chăm tớ cả đêm hôm đó nên tớ không bao giờ quên ân nghĩa này.

 

Nhìn thấy cô ấy vất vả mới kiếm được tiền, tớ hiểu mẹ tớ ở nhà cũng thế. Nên từ khi đi làm, tớ không xin mẹ tiền hàng tháng nữa”, Công vui vẻ trò chuyện.

 

Đối với những bạn “cú” như Vân, Công và Trang thì quả thật thời sinh viên của họ không hề uổng phí. Những công việc tưởng chừng vất vả nhưng đã đem lại cho các bạn những trải nghiệm thật thú vị.

 

Theo Uyên Bùi

VTC

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.