Học hiệu quả với “giáo dục chủ động”

TTCT – Đọc bài viết “Cần tình yêu và lòng tin” trên TTCT ra ngày 2-9, tôi cảm thấy vui vì sau bao nhiêu năm cải cách đi cải cách lại với “hai không, bốn tốt” thì những người làm công tác quản lý giáo dục cũng đã nhận ra những “sản phẩm” của giáo dục từ trước đến nay là những “thế hệ gối ôm” hay “gà công nghiệp”, và yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện là một yêu cầu bức thiết của xã hội.

Phản hồi bài “cần tình yêu và lòng tin” trên TTCT ngày 2-9:

Học hiệu quả với “giáo dục chủ động”

Lấy học sinh làm trung tâm, không chỉ là chuyện sắp xếp lại chỗ ngồi, mà phải dùng phương pháp khơi gợi sự tự tin, khả năng sáng tạo của các em – Hoàng Hương

Trò làm trung tâm

Trong thời đại bùng nổ thông tin, trẻ em luôn phải đối diện với đủ loại tác động tốt xấu mà không phải lúc nào cũng có cha mẹ, thầy cô bên cạnh nên trẻ không chỉ cần biết phân định thế nào là tốt xấu, là đúng sai mà còn phải biết hành động theo nhận thức. Mà như ta biết, giữa nhận thức và hành động là một chặng đường khá dài.

Trước tình hình đó, vào những năm đầu của thập niên 1990, các nhà giáo dục học thuộc ba tổ chức WHO, UNESCO, UNICEF chung tay nghiên cứu một phương pháp giáo dục mới gọi là “giáo dục chủ động” để giáo dục trẻ biết biến nhận thức thành hành động, nghĩa là trẻ không chỉ hiểu biết mà còn làm được những điều mình hiểu biết, tự tin, tự lập, làm chủ bản thân.

Trong phương pháp giáo dục chủ động, học sinh là trung tâm của hoạt động dạy và học, giáo viên giữ vai trò người trợ giúp và hướng dẫn. Trong phương pháp này, giáo viên phải luôn đặt các em vào nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống và các em sẽ phải giải quyết theo nhóm thông qua quá trình thảo luận, trò chơi, sắm vai, vẽ tranh… Các em phải học bằng hành, phải tự vận động bản thân với sự góp sức tích cực của nhóm.

Giáo viên là người giao nhiệm vụ, điều phối tất cả các nhóm, tổng hợp kiến thức theo tinh thần tôn trọng ý kiến và suy nghĩ của các em. Giáo viên cũng không nên áp đặt suy nghĩ của mình lên các em hay nghĩ thay cho các em. Giáo viên phải tìm cách khơi gợi tiềm năng tư duy tích cực và sự ham thích tự học nơi trẻ. Không nên nói với trẻ “em đã sai” mà khuyến khích trẻ tư duy tiếp. 

Trong tiết dạy về an toàn giao thông của nhóm giáo viên chúng tôi tại một mái ấm ở quận 7 (TP.HCM) với các em đang học lớp 5-6, chúng tôi cho các em chuẩn bị bài trước là cuốn sách luật giao thông đường bộ. Tiết học đầu tiên: bất ngờ tình huống đặt ra là một chị bán rau băng qua đường, một người đi xe máy chạy khá nhanh tông phải. Cả hai cùng ngã lăn, rau giập nát, họ cãi nhau, một anh cảnh sát giao thông gần đó đến thụ lý sự việc.

Tôi cho học sinh đóng vai: một người làm cảnh sát giao thông, một đóng giả chị bán rau, một người đóng làm anh thanh niên chạy xe máy và một nhóm người đi đường. Các em sắm vai như thật, chị bán rau thì rên than, bắt đền. Anh chàng chạy xe ẩu thì ra sức bào chữa cho hành động của mình. Anh cảnh sát thì mặt mày, giọng nói nghiêm trang. Nhân chứng thì ra sức tranh luận đúng sai. Học sinh nào học luật chưa kỹ luôn đuối lý và phải học lại, cũng trong sự hào hứng (muốn hiểu biết thêm nhiều sự việc tương tự). Sau đó, các em nói với chúng tôi là tiết học rất sinh động và các em nhớ rất lâu những gì mình học.

Thầy phải giỏi hơn

Đặt vị trí học sinh làm trung tâm không phải làm giảm đi vai trò của người thầy. Ngược lại, ngoài việc có kiến thức chuyên môn sâu, phương pháp giáo dục chủ động, đòi hỏi thầy cô phải có kiến thức về làm việc nhóm và vận dụng tâm lý nhóm, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, về kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm. Khó hơn nữa là giáo viên phải vượt qua  sức ỳ tâm lý của chính bản thân để tiếp thu cái mới.

Hầu hết giáo viên hiện nay trong các trường phổ thông từng là “nạn nhân” của phương pháp giáo dục cũ với cách rao giảng suông, một chiều, khiến người học không dám nói lên suy nghĩ của cá nhân, luôn lo sợ mình làm khác, nghĩ khác đám đông. Không có cách nào tốt hơn, để vận dụng được phương pháp giáo dục chủ động này một cách có hiệu quả cao, giáo viên phải được đào tạo bài bản từ khi còn là sinh viên sư phạm và phải “xung trận” trong những tháng thực tập tại các trường phổ thông.

Không vận dụng được phương pháp mới thì cải cách giáo dục cũng chỉ dừng lại trên lý thuyết. Mong rằng sinh viên sư phạm sẽ được đào tạo phương pháp giáo dục chủ động để sau này thực thi nghĩa vụ của mình một cách tốt đẹp và “xanh tươi” nhất.

BẢO NHI (chuyên viên tư vấn tâm lý học đường)

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.