Khi bạn trẻ luôn theo lời người lớn

TT – Thông qua những dịp đến Việt Nam du lịch và làm việc, tôi nhận ra rằng đất nước này đem lại cho tôi những mâu thuẫn nội tâm thú vị.

Khi bạn trẻ luôn theo lời người lớn

Bà Mirei Lehmann – Ảnh: B.Đ.

Rất dễ nhận thấy giới trẻ Việt lễ phép với người lớn và biết quan tâm nhiều đến gia đình, họ hàng hơn những người trẻ phương Tây. Một minh chứng cụ thể là các bạn trẻ phương Tây thường không mấy bận tâm về việc phải nuôi dưỡng cha mẹ già như thế nào, phần lớn cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền, của đồng thuế mà họ bỏ công sức ra đóng. Tới tuổi tốt nghiệp phổ thông là chắc chắn họ sẽ dọn ra ngoài sinh sống và họa hoằn trong suốt khoảng thời gian dài mới về thăm nhà một lần, bởi tất cả điều họ quan tâm là tương lai và cuộc sống của chính mình.

Ngoài ra, phụ huynh ít có ảnh hưởng nhất định đến con cái của mình. Việc “cào bằng” vai trò của cha mẹ trong mắt con cái có khía cạnh tốt là giúp cả hai bên trở nên gần nhau hơn, nhưng mặt khác cũng khiến sự nể trọng cần thiết của con trẻ dành cho cha mẹ bị ảnh hưởng ít nhiều.

Ở Việt Nam, con cái luôn luôn nghe theo lời cha mẹ và luôn tìm cách phấn đấu sống, học tập để làm vui lòng cha mẹ. Nói cách khác, họ luôn nghĩ về tương lai của cả gia đình chứ không chỉ nghĩ về bản thân. Tôi thích nếp sống đó, nơi mà những người lớn trong gia đình có một giá trị nhất định.

Tuy nhiên, tôi cũng luôn băn khoăn về việc chính vì người trẻ tại Việt Nam quá coi trọng, nghe theo từng lời người lớn nói và luôn muốn làm cha mẹ, gia đình vui lòng mà họ đã bỏ qua cuộc sống, ước mơ thật của mình.

Tôi không biết những bạn trẻ Việt thật tâm nghĩ sao về điều này, nhưng tôi có một người bạn trẻ khoảng 20 tuổi, giờ chỉ biết thu mình vô game và thế giới ảo… bởi anh ta muốn trốn chạy khỏi cuộc sống đời thật, nơi luôn có một người mẹ sẵn sàng kiểm soát điểm số trong vở, những thứ anh cất giấu trong hộc bàn, túi áo quần… mà chẳng màng điều anh đang nghĩ trong đầu. Nói như thế để thấy tôi rất băn khoăn, trăn trở về cả hai nền văn hóa trong gia đình của phương Tây lẫn châu Á.

Nhắc về game và thế giới ảo trên mạng, tôi cho rằng cả hai thứ này đều không tốt khi sử dụng “quá liều”. Một điều theo tôi rất đáng ngẫm nghĩ là số bạn trẻ lẫn người lớn ở Việt Nam dùng hai thứ trên quá nhiều.

Theo tìm hiểu của tôi, thời gian các bạn dành cho game và thế giới ảo vượt qua cả Thụy Sĩ nơi tôi sinh sống. Điều này có lẽ một phần do giới trẻ Việt tiếp thu công nghệ quá nhanh nên dần trở nên không thể kiểm soát được và rồi dễ dàng trở thành “nô lệ” của nó.

Ngoài ra, tôi rất ngạc nhiên khi thấy người lớn ở Việt Nam vẫn vô tư chơi game ở những tụ điểm công cộng hoặc cơ quan, trong khi điều này rất hiếm xảy ra ở phương Tây.

MIREI LEHMANN (44 tuổi, người Thụy Sĩ)

CÔNG NHẬT ghi

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.