TTO – Bao nhiêu là đủ? 8 tiếng như chuẩn? 6-7 tiếng để sống lâu? Hay là 5 tiếng thôi vì còn phải lo bài vở nhà trường?
Lưu ý giấc ngủ của trẻ
Con số giờ ngủ thật ra không nói lên nhiều điều, mà quan trọng là khi tỉnh giấc trẻ cần phải thấy như được “refresh” hoàn toàn, không có cảm giác đờ đẫn hay còn lơ mơ. Và các nhà nghiên cứu đề nghị, phần lớn trẻ ở độ tuổi từ 13-17 cần ngủ từ 8 tiếng rưỡi cho đến 9 tiếng 15 phút mỗi tối để có thể phục hồi năng lượng sau một ngày học tập và căng mình với các hoạt động thể chất.
• Nên ngủ đúng giấc và đều đặn. Cần lên lịch ngủ nghỉ cho trẻ đàng hoàng và luôn tuân thủ nó chặt chẽ dù ngày thường hay ngày lễ. Nếu vì lý do nào đó phải thay đổi thời khóa biểu này, cố gắng tránh việc xáo trộn diễn ra trong hai hoặc nhiều đêm liên tiếp nhau. Và cũng đừng trì hoãn việc đánh giấc tối hơn một giờ đồng hồ so với lịch.
• Buổi sáng, khi cần đánh thức trẻ nên làm sao để ánh mặt trời hay bất cứ ánh sáng nào khác xâm nhập phòng ngủ trẻ càng sớm càng tốt. Nó sẽ kích thích não và báo hiệu đã đến lúc cần phải dậy.
• Nhận biết các dấu hiệu. Nếu trẻ cần phải viện đến nhiều hồi chuông báo thức mới có thể cựa mình hoặc luôn có dáng vẻ gà gật trong ngày, thì đó là những dấu hiệu cho thấy trẻ đã không ngủ đủ giấc. Từ đó cần liên lạc với nhà trường để nắm rõ tình hình học tập của trẻ và có cách khắc phục.
• Trao đổi với trẻ về những tác hại của việc ngủ không đủ giấc. Chẳng hạn: tâm trạng bất ổn, dễ cáu bẳn, hay phiền muộn, chưa kể việc học cũng bị ảnh hưởng. Qua đó giúp trẻ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với giấc ngủ.
• Nên ngủ trưa. Thời gian từ 1 giờ đổ lại nhưng tối thiểu là 15 phút, và không nên quá trễ, tức sau 1 giờ chiều.
• Chú ý đến nguồn thực phẩm và thức uống của trẻ. Tránh hấp thụ các chất cồn, caffeine, nicotine trước giờ đi ngủ – đó là các tác nhân gây mất ngủ hạng nặng.
• Thư giãn trước khi đi vào giấc ngủ chính. Đọc sách, nghe nhạc êm dịu hoặc chơi game nho nhỏ trong vòng 1 giờ đổ lại trước khi thật sự bắt đầu giấc ngủ. Đó là những hoạt động cần thiết để não bộ lơi dần các hoạt động của nó và đi vào tình trạng nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, các nhà tâm lý và thần kinh học cho rằng những hoạt động trước giấc ngủ tối sẽ dễ dàng đi vào tiềm thức hơn. Phải chăng đây là lý do cho việc luyện nghe ngoại ngữ trước khi ngủ đang được khuyến khích?
BÙI NGUYỄN QUÝ ANH (theo Parentings)
Source: Báo Tuổi Trẻ