Những con số giật mình từ khảo sát học sinh chơi game online

Hầu hết học sinh được hỏi trả lời rằng ít nhất một lần trong tuần đến đại lý Internet để chơi trò chơi trực tuyến (game online), phần lớn là chơi trong giờ hành chính… Đó là kết quả từ khảo sát thực trạng học sinh (HS) chơi game online do Sở GD-ĐT Hà Nội mới tiến hành. >> Hơn 70% học sinh tiểu học chơi game online  >> Hàn Quốc sẽ cấm học sinh chơi game online lúc nửa đêm >> Hà Nội: Cấm học sinh chơi game trong giờ hành chính

Học sinh lờ quy định

 

Sở GD-ĐT Hà Nội cùng các trường từ cấp tiểu học, THCS và THPT vừa tiến hành khảo sát thực trạng học sinh chơi game online, có 1.121 trường học với tổng số 370.387 HS tham gia trả lời phiếu phỏng vấn theo mẫu.

 

Kết quả cho thấy, hầu hết các em trả lời từng đến đại lý Internet để chơi game online trong khoảng từ 1 tới hơn 10 lần/tuần.

 

Gần nửa số HS trả lời chơi vào ngày thường, trong giờ hành chính. Các game được các em chơi nhiều như: Games play, Kiếm thế, Đột kích, Thời trang, Gunny, Audition… lựa chọn các quán ở gần nhà và cách xa trường học. Tiền chơi chủ yếu từ bố mẹ, tiền tiết kiệm ăn sáng, đóng học phí… Mặc dù chơi nhiều, nhưng phần lớn HS lại “mù tịt” các quy định về quản lý game online.

Kết quả khảo sát học sinh chơi game online tại Hà Nội


Số lần đến đại lý Internet chơi game online trong tuần: 1-3 lần: 215.568 HS; 4-6 lần: 90.326 HS; 7-9 lần: 51.769 HS; Nhiều hơn 10 lần: 12.724 HS.

– Chơi vào ngày nghỉ: 225.167 HS; Ngày thường: 145.220 HS.

Ngày thường chơi vào thời gian nào: 8-11 giờ: 15.613 HS; 12-13 giờ: 92.425 HS; 14-17 giờ: 27.877 HS; 18-21 giờ: 55.052 HS; 22-24 giờ: 29.423 HS.

– Thời gian trung bình cho một lần chơi: 1 giờ: 188.726 HS; 2-3 giờ: 157.745 HS; 4-5 giờ: 18.237 HS; 6-7 giờ: 3.875 HS; 8-9 giờ: 1.120 HS; 10 giờ: 625 HS.

– Chơi được bao lâu: 1 năm: 129.985 HS; 2-3 năm: 122.143 HS; 3-4 năm: 94.844 HS; Trên 5 năm: 23.415 HS.
– Sau khi chơi game online: Thoải mái, vui vẻ: 194.604 HS; Mệt mỏi, lo lắng: 37.013 HS; Lo sợ bố mẹ mắng: 40.117 HS; Không có cảm xúc gì: 98.653 HS.

 

(Theo Báo cáo đánh giá tình hình quản lý Internet và khảo sát thực trạng học sinh chơi game online của Sở GD&ĐT Hà Nội)

 

Ông Phạm Ngọc Tuấn – Phó trưởng phòng công tác Học sinh – Sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội): “Hầu hết HS sử dụng Internet, nhiều em đã sử dụng cách đây vài năm. Các em truy cập khá thường xuyên và thời lượng cũng tương đối cao. Mục đích truy cập khác nhau, như truy cập phục vụ cho việc học tập, bổ sung nâng cao hiểu biết… nhưng cũng phát sinh những tiêu cực, mà tiêu biểu đã xảy ra một số vụ đánh nhau, nguyên nhân chính là do sử dụng Internet dẫn đến mâu thuẫn. Game online còn tác động nhiều tới HS do chơi quá nhiều làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và bắt chước những hành vi không tốt, không lành mạnh…”.

 

Các trường thống kê có tới 3.874 đại lý Internet gần trường học trong khoảng 200 – 1.000m, trong đó 566 quán vẫn “sống sót” sau lệnh đóng cửa trong phạm vi cách cổng trường học dưới 200m. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, con số này chưa chuẩn xác bởi có nhiều trường gần nhau và cùng thống kê một quán. Hay năm học 2009-2010, các trường thống kê có tới 5.800 HS nghiện game online (1.364 HS nữ). Con số này không phản ánh thực chất, có thể hơn hay kém, bởi bản thân các trường cũng hiểu sai về tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn, nếu nghiện phải chơi nhiều giờ, bỏ ăn, bỏ học…

 

Tình trạng học sinh Hà Nội chơi game online chưa có chiều hướng giảm.
 

Theo ông Dương Văn Bá – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD-ĐT): “Hà Nội, TP HCM là hai địa phương khảo sát có số lượng HS chơi game online chiếm tỷ lệ rất cao. Nó cũng cho thấy, việc quản lý hiện nay còn nhiều khó khăn, phức tạp. Hiện chưa có quy định danh mục game được chơi hay cấm chơi. Một số tỉnh, thành quy định giờ hoạt động của quán game từ 6h – 23h, cách cổng trường 200m… nhưng rõ ràng vẫn chưa hiệu quả”.

 

Đâu là giải pháp hữu hiệu?

 

Không ngạc nhiên trước tình trạng HS chơi game online như hiện nay, GS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng: “Chơi game là một vấn nạn của học đường. Tác hại của việc lạm dụng game chúng ta đã biết. Bây giờ phải kiểm soát, cấm các game bạo lực, ngăn chặn phim ảnh đồi trụy, web “đen”… Cấm HS chơi game là rất khó, bởi nhu cầu chơi của các em là rất lớn, trong khi hàng quán ở nhiều nơi, biến hóa, ngụy trang che mắt lực lượng chức năng… Điều này đòi hỏi các nhà quản lý cần nghiên cứu để hạn chế, kết hợp giữa các ngành cùng với gia đình và nhà trường để quản lý các em”.

 

Theo kết quả khảo sát, ông Phạm Ngọc Tuấn đưa ra kiến nghị: “Cần tuyên truyền, giáo dục, định hướng cho HS trong sử dụng Internet. Tạo sân chơi lành mạnh, hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi HS như tổ chức các cuộc thi về tin học để các em giao lưu học tập, tranh tài, cống hiến cho xã hội. Phải có sự quản lý chặt chẽ tại các điểm dịch vụ truy cập Internet, thực hiện thường xuyên kiểm tra, giám sát về giờ giấc và nội dung. Kiểm tra độ an toàn, chất lượng của các điểm và cấp chứng nhận cho những cơ sở đạt yêu cầu”.

 

Ông Dương Văn Bá cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đang bổ sung, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động phòng, chống tác hại của game online có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với học sinh, sinh viên giai đoạn 2011-2015. Dự thảo lồng ghép nội dung phòng, chống tác hại của game online vào môn giáo dục công dân và pháp luật. Đưa vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường… Tăng cường rà soát, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý các đại lý Internet vi phạm gần nhà trường”.

 

Trước đó, Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội đã đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT cấm HS không được chơi game tại các đại lý Internet trong giờ hành chính. Tuy nhiên, tình trạng HS chơi game online vẫn không có chiều hướng giảm và các đại lý Internet vẫn tìm mọi cách “xé rào” để tồn tại…

 

Theo Gia đình & Xã hội

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.