Dù gia đình rất khó khăn nhưng Nguyễn Minh Châu vẫn luôn cố gắng học giỏi, có nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học. Trong cuộc thi sáng tạo trẻ năm 2010 vừa qua có 4 giải thưởng thì cậu bé lớp 3 này đã đoạt hết 3 giải.
Căn phòng chưa đầy 10m2 vừa là chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt của gia đình 3 người, vừa là góc học tập của Châu |
Ẵm 3 giải trong 1 cuộc thi
Cuộc thi sáng tạo trẻ năm 2010 do Trung tâm Khoa học và công nghệ trẻ TP HCM tổ chức vừa qua chỉ có 4 giải thưởng dành cho khối tiểu học với 1 giải nhì, 1 giải ba (không có giải nhất) và 2 giải khuyến khích. Trong đó, cậu bé Nguyễn Minh Châu (năm dự thi Châu học lớp 2A trường tiểu học Trương Định, quận 12, TP HCM; nay em lên lớp 3) đã ẵm hết 3 giải: 1 giải nhì và 2 giải khuyến khích.
Các mô hình “Thanh chắn an toàn giao thông” (giải nhì), “Game show đố bạn” và “Sân khấu rối thu nhỏ” (cùng đạt giải khuyến khích) dù đều đăng ký là sản phẩm tập thể nhưng tất cả đều là ý tưởng của Châu và do cậu làm nhóm trưởng thực hiện.
Các bạn khác trong nhóm cũng phụ giúp Châu rất nhiều trong việc hiện thực hóa ý tưởng như tìm kiếm vật liệu, lắp ráp mô hình và đài thọ chi phí cho các sản phẩm dự thi. Có bạn còn là “chuyên viên”… chia quà ăn sáng cho “nhà sáng tạo nhí” Nguyễn Minh Châu an tâm sáng tạo.
Các ý tưởng của em đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống mà em trải qua. Khi bố chở Châu đi học, em thấy nhiều người hay vượt đèn đỏ em liền nảy ra ý tưởng làm thanh chắn an toàn giao thông.
Châu giải thích nguyên lý hoạt động của mô hình: “Thanh chắn được gắn trên cột đèn giao thông, bên trong có mô tơ. Khi có tín hiệu đèn đỏ, bộ cảm ứng sẽ tiếp nhận ánh sáng và điều khiển mô tơ hoạt động làm thanh chắn tự động sập xuống. Khi đèn xanh, thanh chắn sẽ bật lên với cơ chế tương tự”.
Châu đang thuyết trình mô hình Thanh chắn an toàn giao thông trước hội đồng giám khảo. |
Còn mô hình “Sân khấu rối thu nhỏ” được em làm vì em rất thích xem múa rối nhưng vé xem rất đắt, bố mẹ không có điều kiện cho em đi xem. Vậy là từ chú thỏ bông mẹ cho, Châu sử dụng dây buộc vào hai tay thỏ bông, đầu dây còn lại buộc vào chong chóng giấy. Gió sẽ thổi chong chóng cuốn dây lại, điều khiển chú thỏ bông nhảy múa trên sân khấu cho em xem.
Mô hình “Game show đố bạn”, Châu nghĩ ra với mong muốn là “có trò chơi giống với game để các bạn chơi, không chơi game online độc hại”…
Suýt nghỉ học vì nhà nghèo
Không chỉ tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ, Châu còn tham gia nhiều cuộc thi sáng tạo khác ngay từ năm học lớp 1 với nhiều ý tưởng như: mô hình ngôi nhà tình thương, bảo vệ môi trường xanh TP, thanh chắn giao thông ngăn xe chạy ngược chiều… Hôm chúng tôi gặp Châu, em còn đang nung nấu ý tưởng mới là làm một game trí tuệ với 400 câu hỏi thường thức.
Dù rất say mê sáng tạo và tham dự nhiều cuộc thi nhưng việc học Châu vẫn không hề sao nhãng. Suốt 2 năm học vừa qua, kỳ nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em còn tham gia nhiều hoạt động lớp, được nhiều bằng khen các cấp. Vừa rồi em còn được tuyên dương điển hình Tuổi trẻ làm theo lời Bác của TP.
Nhìn bảng thành tích dày đặc của Châu, ít ai biết được em từng suýt phải nghỉ học vì nhà không có tiền. Nhìn căn phòng trọ chật hẹp của gia đình em quả thực cũng chẳng có gì đáng giá để cầm cố lúc túng thiếu. Để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo, em phải đi lượm những vật dụng vứt đi như xe đồ chơi hỏng, hộp giấy, bìa cạc tông, tấm xốp… để làm mô hình.
Anh Nguyễn Văn Long, bố Châu kể: “Tôi vốn người TP HCM, đi thanh niên xung phong từ lứa đầu tiên (năm 1976) đến mặt trận Campuchia. Khi trở về thì đi kinh tế mới. Mấy năm trước biến cố bất ngờ xảy ra, cơ nghiệp gầy dựng cả thời tuổi trẻ bỗng chốc mất trắng vì cúm gia cầm. Mang theo đứa con mới sinh bệnh tật, hai vợ chồng về TP”.
Tất cả hy vọng tương lai của anh Long giờ đặt vào cậu con trai hiếu học, ham sáng tạo |
Về TP, cả gia đình anh phải đi ở trọ trong những căn phòng nhỏ hẹp để tiết kiệm tiền thuê, cố làm ăn trả món nợ đã vay khi gia đình phá sản. Không tiền, không nghề nghiệp, anh Long phải chạy xe ôm kiếm sống, vợ anh đi nấu cơm công nhân cho một xí nghiệp dược phẩm.
Cực khổ, bệnh tật thời trẻ cộng với buồn đau do phá sản đã quật ngã anh, người đàn ông chỉ mới 50 tuổi già yếu hẳn đi, phải sống nhờ thuốc, gia đình càng khó khăn hơn.
Tuy vậy, anh Long cho biết: “Giờ hy vọng của cả nhà chỉ còn có cháu. Chúng tôi dù cực khổ đến đâu cũng phải gồng gánh cho nó ăn học nên người. May mà xã hội quan tâm giúp đỡ nên cháu có điều kiện đi học tiếp. Thành đoàn TP cũng mới đưa cháu vào danh sách bảo trợ của Quỹ bảo trợ tài năng trẻ TP”.
Theo Dân Trí
Source: Zing