TTXuân – Ngày 19-8-2010 là một ngày không thể nào quên của lịch sử khoa học Việt Nam: Liên đoàn Toán học thế giới trao giải Fields – một giải thưởng được ví như “Nobel Toán học” – cho giáo sư – tiến sĩ Ngô Bảo Châu. Huy chương Fields, nói như giáo sư Ngô Bảo Châu, không giải quyết được vấn đề gì cụ thể trong cuộc sống của mỗi người, nhưng nó đã khơi dậy niềm tin vào khả năng của con người Việt Nam.
Tài trí Việt
Đất nước Việt Nam trên con đường đi tới chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng của con người Việt Nam mà chúng tôi gọi là Tài trí Việt. Và với chủ đề này trên báo Tuổi Trẻ Xuân Tân Mão năm nay, xin mời mọi người lắng nghe tâm sự của giáo sư Ngô Bảo Châu; những góc nhìn của các nhà nghiên cứu và cả nghĩ suy của những bạn trẻ tuổi đôi mươi về Tài trí Việt.
Lương Phương Thảo hiện sống và làm việc tại TP.HCM – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Lương Phương Thảo: Những hạt giống khác biệt
Tôi nghĩ rằng đất nước nào cũng có những cá nhân thật tài giỏi và xuất sắc. Nhưng không hẳn chỉ có những người tài giỏi mới đóng góp xây dựng cho đất nước. Với tôi, không phải nhất định ở một nơi cụ thể và làm những điều to tát mới gọi là đóng góp cho sự phát triển đất nước. Tại sao không nghĩ rằng phát triển cá nhân, sống tốt và hạnh phúc cũng là một cách đóng góp cụ thể?
Tôi đã từng tự đặt câu hỏi thế nào là nhân tài? Phải chăng mỗi bạn trẻ ngày nay đều là một nhân tài, mang trong mình một sức mạnh ghê gớm mà chúng ta chưa khai thác hết? Tôi cho rằng còn rất nhiều định nghĩa, khái niệm khác nhau về nhân tài. Nhưng hãy khuyến khích sự khác biệt, đừng sợ hãi những gì khác với số đông, chấp nhận cái mới để mở rộng tầm nhìn.
Một cô bạn thích vẽ truyện tranh trong lớp học, một cậu bé thích tạo ra những trò chơi điện tử mới… cũng đáng quý và tài giỏi như bất kỳ một học sinh đoạt huy chương vàng Olympic toán học quốc tế nào khác. Với tôi, đó là cách tốt nhất và hay nhất để có thể tạo nên những “hạt giống” khác biệt về tri thức ngày nay.
Với bản thân mình, ngay sau khi đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 3 là phần học bổng tại Đại học Monash (thành phố Melbourne, Úc), tôi đã quyết định chọn ngành học là kinh doanh quốc tế và marketing.
Thật ra du học cũng là một trong những cơ hội lớn trong cuộc sống, nhưng nó chỉ có giá trị ngang bằng như các cơ hội khác. Ví dụ như học tập tại Việt Nam cũng là một cơ hội. Tôi nghĩ rằng quan trọng là bản thân mình thích ứng với những điều mình chọn lựa như thế nào. Hiện tại tôi đang làm tại một công ty quảng cáo. Tôi tập trung vào công việc và chuyên ngành mình theo học, và đó là hạnh phúc của tôi.
ĐỨC TOÀN ghi
Huỳnh Công Thịnh – người trẻ tuổi nhất Việt Nam được Microsoft vinh danh hai lần giải thưởng MVP – Ảnh: Đức Toàn |
Huỳnh Công Thịnh: Tôi muốn làm người truyền lửa
Huỳnh Công Thịnh sinh năm 1987, là nhân vật trẻ tuổi nhất đã hai lần được nhận giải thưởng MVP (Most Valuable Profesional – Những chuyên gia có giá trị nhất), giải thưởng lớn của Microsoft nhằm ghi nhận và tôn vinh các cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho cộng đồng công nghệ thông tin.
Tốt nghiệp Học viện Bưu chính viễn thông (TP.HCM), Huỳnh Công Thịnh chọn con đường ở lại trường làm giảng viên và tiếp tục công việc nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhìn lại năm 2010, Thịnh nói ngay đến sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields. Anh cho rằng: “Đó là sự kiện có ý nghĩa lớn đối với tôi. Và tôi nghĩ sự kiện này không chỉ tạo động lực cho những ai theo đuổi nền khoa học cơ bản, mà còn là kim chỉ nam để tất cả mọi ngành khoa học khác noi theo, đó là: kiên trì với ý chí lớn để đạt được mục tiêu lớn tưởng chừng như khó có thể đạt được”.
Từ một học sinh tham dự chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 5 cho đến những giải thưởng lớn đạt được, lúc nào Công Thịnh cũng luôn ý thức về vai trò của một người trẻ có trách nhiệm với đất nước. Đó là “tự bản thân phải luôn thay đổi mình mà không chờ đợi”.
Công Thịnh tâm sự: “Tôi may mắn làm bạn với máy tính và chọn máy tính như một người bạn đồng hành trên con đường chinh phục ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều người cũng thắc mắc tại sao tôi không đi làm ngoài để có nhiều tiền hơn mà lại chọn con đường làm giảng viên. Trước những câu hỏi đó, tôi tâm sự rằng niềm hạnh phúc của tôi là luôn luôn tìm tòi để mở mang kiến thức, và kiến thức ấy sẽ được chia sẻ cho tất cả các bạn sinh viên. Với tôi, đó cũng là một cách để người tài giữ được lửa và truyền lửa cho thế hệ sau”.
ĐỨC TOÀN
Nguyễn Hoài Đảm hiện đang học tập tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk – Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nguyễn Hoài Đảm: Muốn “nghĩ bên ngoài chiếc hộp”
Là đảng viên từ những năm học trung học phổ thông tại Trường Lê Hữu Trác 1 (Hà Tĩnh), Nguyễn Hoài Đảm (sinh năm 1990) là một nhân vật khá nổi bật: năm 2008 nhận giải thưởng “Hoa trạng nguyên” dành cho học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thủ khoa đại học và kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đảm từng là thành viên tham gia rồi trở thành cộng tác viên thân thuộc cho các chương trình truyền hình nổi tiếng trên sân chơi trí tuệ như “Đường lên đỉnh Olympia”, “Rung chuông vàng”… Mới nhất, Hoài Đảm vừa nhận được học bổng của Chính phủ theo học ngành báo chí tại Trường đại học Tổng hợp quốc gia Irkutsk (một trong mười trường đứng đầu nước Nga) ở thành phố Irkutsk, thủ phủ Đông Siberia. Hoài Đảm đã chat với chúng tôi về bàn tròn “Tài trí Việt”.
* Theo Đảm, có nhất thiết là đi du học mới thu nhận được kiến thức không?
– Mình cho rằng việc du học của mình là nhằm muốn được “nghĩ bên ngoài chiếc hộp”, được khám phá và tiếp thu cái mới hơn. Còn nếu không được đi du học thì cũng chẳng sao.
* Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ về Việt Nam hay “chinh chiến” ở một nước nào đó để tiếp tục nghiệp báo mà mình đang theo đuổi?
– Mình cho rằng ở đâu cũng được, miễn là đóng góp có ý nghĩa cho cuộc sống, cho đất nước và cho mọi người. Mình muốn sự đóng góp của mình trên từng câu chữ, từng bài viết và từng lời nói. Đó mới thật sự là hơi thở của người trẻ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
* Được dịp gặp gỡ đồng hành với các bạn trẻ là nhân tài mỗi năm trong chương trình “Hoa trạng nguyên” (chương trình tôn vinh các học sinh thủ khoa kỳ thi đại học, huy chương vàng các kỳ thi Olympic quốc tế…), bạn cảm nhận thế nào về khả năng con người Việt Nam hiện nay?
– Mình nhận thấy rất nhiều bạn trẻ Việt Nam ngày càng trưởng thành hơn, xuất sắc hơn, không chỉ trong học tập mà còn trong nhiều hoạt động khác. Các bạn đang học tập và nỗ lực ở khắp nơi, trong nước cũng như nhiều vùng đất trên thế giới.
Tất cả những nỗ lực đó, theo mình biết, là chỉ với mong muốn tìm tới tri thức khoa học, đặc biệt là ước mong làm việc vì một tương lai tươi sáng hơn cho chính các bạn, cho những người xung quanh và cả Việt Nam. Mình thật sự tự hào và coi đó là động lực để cố gắng.
ĐỨC TOÀN thực hiện
Source: Báo Tuổi Trẻ