TT – Thay vì đón Tết Tân Mão tại quê nhà, nhiều người Tày, người Thái, người Dao Lô Gang, người Nùng ở Lạng Sơn, người Raglai ở Ninh Thuận còn có một cái tết đặc biệt khác: đón tết tại Bảo tàng Dân tộc học VN, Hà Nội.
Ăn tết ở bảo tàng
Người Thái nhảy sạp cùng du khách ở bảo tàng – Ảnh: Hà Hương |
Làm then (*) từ 29 tết đến sáng mồng 1 để mừng tuổi cho con cháu, sáng sớm mồng 2, bà Đường Thị Nhâm (70 tuổi, người Tày) ở Lạng Sơn đã khăn gói về xuôi. Đây là lần đầu tiên bà Nhâm đón tết ở Hà Nội.
Bà bảo đón tết ở xa nhưng đã dặn dò con cháu ở nhà cúng ông bà hết rồi nên yên tâm lắm. Mồng 3 tết, bà Nhâm đã có mặt ở bảo tàng, hành trang mang theo chỉ có chiếc đàn tính, cái mũ làm lễ trừ tà cầu an, chiếc hộp nhạc truyền thống của các bà then. Chiếc đàn tính được bà làm từ quả bầu trong vườn nhà, rồi tự mình xe sợi làm dây đàn. 13 tuổi đã bắt đầu làm then, cuộc đời bà then già đã làm được 17 chiếc đàn tính.
Cùng với bà then Đường Thị Nhâm, các nghệ nhân hát Then cũng mang đến những điệu hát mà người ta vẫn hát trong dịp tết. Hỏi về mong ước đầu năm, bà then Nhâm chia sẻ: “Nghề làm Then giờ chỉ còn một vài cụ già nữa, con cháu đi làm hết, chẳng còn ai theo nghề. Chỉ mong sau này cháu chắt giữ được nghề làm then tổ tiên truyền lại”.
Từ sáng mồng 1 tết, người Raglai ở Ninh Thuận đã lên ôtô về Hà Nội để kịp làm chương trình vui xuân. Ngoài những nhạc cụ truyền thống của dân tộc như cồng chiêng được gọi bằng cái tên mã la, người Raglai mang theo cả mâm cỗ cúng tổ tiên cho kịp năm mới. Âm nhạc mã la của người Raglai mang đến một không khí vui xuân rất lạ ở bảo tàng. Đó là những âm điệu kể chuyện tình yêu, tình bạn của con người và các loài vật.
Anh Tà Iêng Thao, người dân tộc Raglai, cho biết tết của người Raglai trùng với tết của người Kinh, nên để kịp ra Hà Nội mọi việc gói bánh, cúng gà anh đã làm từ trước tết. Năm mới người Raglai có một nghi lễ hết sức quan trọng là “cúng đầu lúa” cũng đành phải nhờ bố mẹ và vợ góp gà với cả họ làm giúp. “Vợ mình nói mang mã la ra đánh ở thủ đô ngày tết là vinh dự nên không được bỏ” – Tà Iêng Thao vui vẻ nói.
Mở cửa từ sáng mồng 4 tết, các dân tộc anh em từ Ninh Thuận đến Lạng Sơn đã đón cái tết chung ở bảo tàng. Vấn vít trong điệu hát then là món xôi tím, lợn quay lá mắc mật và bánh truyền thống của những người Tày. Bên cạnh bờ rào, những đôi trai gái người Dao Lô Gang hát giao duyên, diễn trò đón cô dâu trong đám cưới truyền thống, người Thái nhảy sạp, người Nùng múa sư tử…
Trước sân, trên đường, những trò chơi dân gian của người Kinh, Thái, Dao… cũng diễn ra như chơi pháo đất, chơi quay, ném còn… Tết ở bảo tàng cũng không thể thiếu trò rối nước của các cư dân lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ. Một du khách người Mỹ chia sẻ: “Một buổi sáng ở bảo tàng giúp tôi khám phá rất nhiều điều thú vị trong dịp lễ tết của người Việt. Tôi đặc biệt thích kiểu nặn pháo bằng đất đón năm mới”.
HÀ HƯƠNG
(*) Làm then: là dùng tiếng hát, giai điệu của đàn tính, tiếng xóc bạc để thực hiện các nghi lễ trừ tà, cầu an, cầu mùa theo tín ngưỡng của người dân tộc Tày.
Source: Báo Tuổi Trẻ