Để đối phó với những buổi họp phụ huynh, nhiều học sinh đã tìm mọi cách để “qua mặt” cả nhà trường và gia đình. Chiêu thuê “phụ huynh dỏm” đi họp khiến nảy sinh những chuyện cười ra nước mắt.
Ngay cả khi nhiều trường đã kiểm soát chặt chẽ việc họp phụ huynh với quy định như: phụ huynh phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND), nêu rõ nhân khẩu trong gia đình, tên lớp và những đặc điểm của con mình… Tuy nhiên, những quy định này chỉ là “chuyện nhỏ” bởi học sinh (HS) cũng có hàng trăm lý do và phương cách ứng phó.
Bố dỏm
V.Quý (THPT Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh, TPHCM) là “đệ tử” của game online, vì vậy, việc “bùng” tiết đi chơi là chuyện thường ngày. Dù nội quy trường Quý rất khó, chỉ cần HS phạm lỗi nhỏ nhà trường sẽ mời phụ huynh đến trao đổi, huống hồ là việc Quý thường xuyên cúp tiết. Khi gặp, phụ huynh phải xuất trình CMND để đối chiếu với lý lịch HS… Chính những quy định khó khăn ấy mới thấy được khả năng “tài ba” của Quý trong việc tuyển chọn “bố” để giúp mình đi họp.
Đầu tiên, Quý tìm cách dấu CMND của bố, tìm một bác xe ôm có gương mặt hao hao bố mình và chi trả tiền để “ông bố dỏm” này học thuộc những cái tên trong… hộ khẩu gia đình, tên lớp và những đặc điểm của ông con trai bắt đắc dĩ. Thế là thành thói quen, Quý cứ ung dung vi phạm nội quy và nhờ bác xe ôm thân thuộc ấy vào vai bố mình mà giám thị vẫn không mảy may nghi ngờ. Chỉ cần có lịch họp phụ huynh là Quý nhấc máy alô cho “bố” giờ đó, đến lớp đó làm công việc đơn giản là nghe phàn nàn về chuyện cúp học của mình.
Và mẹ dỏm
Với D.Tuyền (THPT L.H, quận 12, TPHCM) thì chiêu né họp phụ huynh càng tinh vi hơn. Bố Tuyền vốn là sếp của một công ty liên doanh, thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày. Thế nên, những lần họp phụ huynh khi cô giáo chủ nhiệm muốn mời đích thân bố Tuyền đến họp, Tuyền đều viện lý do bố đi công tác và “mẹ” đi thay. Để minh chứng cho lời nói của mình, Tuyền cho cô giáo cả số đi động của bố mình nhưng chỉ là số “ma”, cô giáo liên lạc nhiều lần đều nằm ngoài vòng phủ sóng. Và cô giáo cũng chẳng còn nghi ngờ gì về người “mẹ” khi bà này kể rành mạch về gia đình, con cái. Không những thế, bà “mẹ” này còn là phụ huynh sôi nổi nhất khi có nhiều ý kiến đóng góp cũng như kiên quyết sẽ về “rèn” con gái mình vào đúng khuôn phép.
Tuy nhiên, không phải lúc nào những phi vụ “mướn phụ huynh” cũng được trót lọt. Với H.Linh (THPT H.Đ, quận Tân Phú, TPHCM) thì buổi họp phụ huynh cuối năm học trước là một buổi nhớ đời. Vì cha mẹ không quan tâm lắm đến việc họp phụ huynh nên khi anh chàng thông báo: “Trường con năm nay chỉ phát sổ liên lạc chứ không họp phụ huynh giữa kỳ” thì ba mẹ cũng tin ngay. Sau đó Linh bỏ ra 50.000 đồng chi cho ông xe ôm gần nhà đi họp thay ba mẹ. Khổ nỗi, trong lúc cô giáo chủ nhiệm đang trao đổi với vị phụ huynh ngồi gần “bố dỏm” của Linh thì một phụ huynh gần đấy bỗng buột miệng: “Bác hôm nay không đi xe ôm à?”. Và mọi việc vỡ lở ngay vì bố của Linh vốn là kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu.
Lỗi từ phụ huynh
Và “đi đêm” lắm cũng có ngày gặp “nạn”, số là thấy bố của V.Quý đi họp mà chẳng có ý kiến gì, sau nhiều lần họp mà Quý vẫn “chứng nào tật nấy” nên cô giáo chủ nhiệm đành phải tìm đến nhà để gặp mẹ Quý bàn về việc phối hợp giáo dục. Lần theo địa chỉ đến nhà thì gặp một… ông bố khác, tưởng vô lộn nhà nhưng khi hỏi, cô giáo mới tá hoả khi ông này mới là bố thật của Quý. Cũng vậy, cuối năm thấy hàng xóm cứ lũ lượt dắt nhau đi họp phụ huynh còn mình cứ ngồi chơi xơi nước ở nhà, mẹ của Tuyền thắc mắc liền gọi điện đến trường hỏi cho ra lẽ thì mới biết rằng, hoá ra, Tuyền còn có một… “người mẹ” khác rất siêng năng họp phụ huynh và có rất nhiều ý kiến chu đáo để rèn luyện cho con gái mình.
“Từ những phút nông nổi, muốn đối phó với cha mẹ, thầy cô trước mắt mà các em HS không biết rằng khi mọi chuyện đổ bể, hậu quả còn lớn gấp trăm lần vì các em đã làm mất sự tin tưởng của thầy cô, ba mẹ”, cô Vân, giáo viên chủ nhiệm một trường THPT trên đường Nguyễn Văn Đậu, nhận xét. Cũng theo cô Vân, nguyên nhân mà các em HS có thể mướn phụ huynh trót lọt là do nhiều bậc phụ huynh quá mải mê công việc và ít quan tâm, theo sát việc học của con cái. Nhiều phụ huynh đi họp cũng chỉ là lấy lệ, thậm chí còn “ngại” đi họp nên vô tình “tiếp tay” cho các em trong việc thuê người họp để đối phó.
Source: Báo Dân Trí