AT – Đang sống ở Texas, nghệ sĩ – nhà văn Mạc Can cứ nhớ về quê hương quay quắt. Ông viết liên tục những gì nhớ được (Tủ sách Tuổi Trẻ sẽ in tập sách Nhớ này trong tháng 3-2011) gửi về cho Áo Trắng, người bạn nhỏ của ông.
Hoài ức
Khẩu thuật trong hội chợ
Sau đây là nỗi nhớ của ông về một nhân vật khá lạ: ông Chín Chim.
Nhà văn Mạc Can |
Trong một trăm người thì vài người có thể giống giống nhau. Nhưng tôi có quen biết một người không giống ai, mà cũng không ai giống ông. Người này có hình dáng ẩn sĩ, khó biết từ đâu tới, làm những nghề khác lạ để sinh sống. Không ai biết tên thật của ông là gì, người ta chỉ gọi ông là Chín Chim. Người lớn hay con nít gì cũng gọi ông là Chín Chim. Còn tôi kêu ông bằng chú. Chú Chín Chim chính là người biểu diễn các trò khẩu thuật trong hội chợ.
Hội chợ lúc xưa, theo tôi biết, thường có nhiều gian hàng buôn bán sản phẩm của các hãng, cờ bạc, quảng cáo, không thể thiếu các trò chơi trúng thưởng như là thẩy vòng vịt, ném lon, kêu lôtô… Không những vậy mà còn các nhà bạt vuông nho nhỏ, trưng bày những con vật lạ như gà ba chân, heo có sừng, chó hai đầu…
Các nhà ảo thuật và hát xiệc không thể thiếu trong các hội chợ. Trò “Cái đầu để trên dĩa” biết ca vọng cổ rất ăn khách. Từ xưa tới nay, vẫn có người coi hoài mà không biết tại sao. Thật ra, nhìn ghê ghê vậy mà không khó hiểu cho lắm (trong bài sau tôi sẽ xin phép tiết lộ cùng quý độc giả đôi chút về cách dàn dựng trò ảo thuật này cho vui).
Khán giả vào coi và nghe ca chỉ có vài phút. Trong khi đó, các khán giả khác mua vé rồi đứng chờ suất sau. Cho nên trong thời gian chờ đợi phải có trò gì vui giữ chân khán giả ở bên ngoài. Ông bầu của cái rạp nhỏ này cất thêm một sân khấu trên… nóc phòng vé. Người “nghệ sĩ” duy nhất được lên đó biểu diễn là chú Chín Chim.
Chú đúng là một “nghệ sĩ” nếu nói theo ý nghĩa làm vui cho bất cứ ai. Nhìn chú say mê biểu diễn “khẩu thuật”, nhìn những đôi mắt ngạc nhiên của người xem chú diễn, tôi chợt hiểu đôi khi người ta không cần gì nhiều hơn vậy, vừa làm vui cho người khác mà mình cũng vui. Chú cứ diễn suốt một suất dài từ sáng cho tới khuya, hễ khán giả xem trò “cái đầu” ở bên trong thì chú Chín Chim “khẩu thuật” cái miệng cầm chân mọi người ở bên ngoài. Mà lạ thật, khán giả của chú khoái chú, hâm mộ chú đông hết biết.
Khán giả đứng che dù đông nghẹt trước nhà bạt và ngồi dưới bóng mát các gốc cây. Còn chú Chín Chim thì suốt ngày đứng ngoài nắng. Có người còn coi và nghe “khẩu thuật” hoài không chịu mua vé vô coi trò “Cái đầu biết ca vọng cổ”, cho nên thỉnh thoảng ông bầu còn phải… đuổi nhà nghệ sĩ này xuống sân khấu cho người ta mua vé
Đôi khi bị đuổi như vậy, chú Chín Chim lại chạy sô qua sân khấu khác. Cũng là sân khấu cầm chân khách, như là cái bục trong gian hàng kêu lôtô, hay gian hàng thẩy vòng vịt, chỗ nào có chú Chín Chim chỗ đó đông nghẹt người. Nhưng người ta trả tiền công cho chú rất ít, trả cho có trả vậy thôi. Chú Chín cũng không phàn nàn gì. Quanh năm suốt tháng sống trong các hội chợ cũng quen. Người làm nghề cầm chân khán giả như chú Chín Chim, trong làng gọi là “kéo ton”, hai chữ nầy khó giải thích cho rõ nghĩa. Lạ là được nhiều người thích như vậy mà cũng không có ai theo làm đệ tử hay là xin chú cho học nghề khẩu thuật, có lẽ vì khó làm, tập cực và ít tiền.
Hội chợ thường có các gian hàng cờ bạc vì người ta vào hội chợ không chỉ coi hàng hóa hay xem các trò vui. Bên cạnh sân khấu ngoài trời, coi hát miễn phí, còn có trò đỏ đen chẳn lẻ. Tiếng các cô quay vòng hô số nghe lảnh lót. Có con bạc tự tử sau một vài kỳ hội chợ là chuyện thường. Mấy ông bầu cũng hay tới khu cờ bạc, các nhà nghệ sĩ cũng thua rạt gáo. Nhưng chú Chín Chim thì không hề tới đó. Hình như một lúc nào đó khi còn trẻ chú cũng đã tiêu tan sự nghiệp nhà cửa vì cờ bạc chăng, cho nên hôm nay chú ngó lơ cái trò đó.
Cũng có lúc không có hội chợ, chú Chín Chim còn cái nghề kiếm sống khác là đi sửa radio. Chú cũng có một cái radio riêng. Nó đơn giản là cây “ăng-ten” cũ có sợi dây kéo dài xuống một tai nghe nhỏ và cục “dàn găm”, vậy mà cũng nghe được vài đài, tiếng nói tiếng nhạc văng vẳng léo nhéo. Có người hỏi mua nhưng chú Chín không bán. Chú còn có một cái nón luôn đội trên đầu kể cả khi ngủ, một bộ quần áo khi nào rách tả tơi thì có người cho bộ khác, một đôi dép mòn, một cây kềm sửa điện.
Hình dáng chú khá lạ, người vừa cao vừa lép kẹp, cái miệng móm xọm, trên mặt còn có cặp kính cận dầy mo. Buổi trưa tròng kính soi ánh mặt trời, đốt cháy đầu điếu thuốc lá. Có lúc hội chợ vắng người, các nghệ sĩ quảng cáo ngủ dưới gầm sân khấu. Anh chàng kêu lôtô và cô đào thò cái đầu vô cái dĩa cũng nghỉ ngủ. Chú Chín cũng xuống ngồi dưới đó nhưng hơi xa xa, tẩn mẩn nghe radio “dàn găm”. Biết chú đã lâu mà vẫn không thấy lúc nào chú ngủ, không biết lúc nào chú thức. Vì luôn có cặp mắt kính dầy che hết mắt.
Bỗng nhiên nghe tiếng chú Chín nói chuyện với một người nào đó. Đầu tiên là tiếng người đàn bà khóc nức nở. Chú Chín không nói gì, chỉ chăm chú sửa cái radio. Im lặng một chút lại nghe tiếng người đàn bà nói:
– Ông không về nhà phải hông?
Tiếng chú Chín trả lời:
– Chưa có tiền làm sao về được!
Có tiếng con nít khóc rồi người đàn bà nói:
– Ông không nhớ con sao? Nó khóc hoài ông nghe không?
Tiếng ông Chín nói nhỏ:
– Nhớ chớ sao không nhớ. Nghe sao không nghe.
Rồi hai người nói qua nói lại trong tiếng khóc của người đàn bà, tiếng nói nho nhỏ của chú Chín và tiếng con nít khóc. Trên sân khấu “kéo ton” kiếm sống, nhà nghệ sĩ “khẩu thuật” giả tiếng con gà gáy, con chim kêu, con heo ột, con chó sủa, con vịt và con ngỗng cãi nhau vui nhộn. Có khi còn có tiếng kèn, tiếng đờn cò, tiếng trống, tiếng xe lửa hay tiếng xe hơi chạy. Còn bây giờ không có khán giả, chú Chín nói chuyện một mình mà như là có vợ con của chú bên cạnh.
Người “khẩu thuật” tài ba nhưng cô độc này có một cuộc sống riêng tư ngoài sân khấu mua vui. Không biết ông từ đâu tới, tên thật là gì, nhà cửa ở nơi đâu. Ngay cả bây giờ, khi nào tôi vào một khu hội chợ đời mới, đi rảo quanh rồi dừng chân lại, nghe tiếng kêu lôtô và nhìn các gian hàng trò chơi, tôi nhớ nhưng ít khi thấy cái rạp diễn trò “cái đầu ca vọng cổ” nữa.
Nhưng tôi vẫn nhớ chú Chín Chim, người “kéo ton” làm “khẩu thuật” năm nào. Một ông già nhất y nhất quởn, mắt đeo kính cận dầy, cái miệng móm xọm. Chú đã đi khỏi, và mang theo cái gia tài khẩu thuật rất hay của người nghệ sĩ rong rêu.
MẠC CAN
(Kỳ sau: Lật mánh trò “Cái đầu để trên đĩa biết ca vọng cổ”)
Áo Trắng số 3 Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Source: Báo Tuổi Trẻ