Trò chơi vùng biên


Bên ngoài nhà, trong xa mờ đâu đó là tiếng giun dế rỉ rả, tiếng tắc kè chặc lưỡi nhịp ba nhịp bảy báo nắng gọi mưa, một tiếng cú đơn độc đi hong, một con chim rừng giật mình vỗ cánh nấc lên âm thanh thảng thốt…

Tôi đã có nhiều lần được đắm chìm trong không gian chiều biên giới buồn hiu hiu như thế.

Nhưng lại cũng nhiều lần đắm chìm trong vui nhộn của một trò chơi chỉ có ở vùng biên. Trò chơi này thuộc về lớp trung niên khi quây bên mâm rượu cạnh bếp lửa bập bùng. Đôi khi cũng có sự góp mặt của những ông già gân guốc. Đó là trò “lày cỏ, sái mạ phát sọi” của vùng Cao Bằng hoặc Hà Giang. Ai đã một lần hòa vào cuộc vui ấy thì không thể không bị hút theo cuộc chơi vô tiền khoáng hậu thâu đêm  suốt sáng đầy biến ảo này.

Tâm điểm của cuộc chơi là hai nhân vật ngồi đối nhau.

–    Này…Lày lày cỏ  này… shi tả, này… slam tỉm này…Shi húng shi…

Đó là trò chơi bung ra trong mâm rượu vào buổi tối, giống như trò oẳn tù tì của trẻ con vùng xuôi. Trò chơi chỉ bắt đầu khi hơi men đã bốc. Để chơi sái mạ, phát sọi chỉ cần có một âu rượu một cái thìa. Bên thua  phải uống một thìa rượu phạt. Tưởng chẳng thấm tháp vào đâu nhưng mỗi lần phát sọi rất ngắn đã có thể phân thắng bại, nên chỉ vài chục phút chơi có khi bên thua đã phải nhận phạt cả chục thìa, cũng không thể đùa.

Trò chơi đôi khi cũng có cãi cọ khi bên này phát hiện đối phương có dấu hiệu gian lận, nhưng kết thúc thì bao giờ cũng là những tiếng cười vui vẻ.

Sự hò hét không mệt mỏi kết hợp với vung tay hết cỡ mỗi khi xuất chiêu cũng làm cho hơi rượu tản nhanh đi, người chơi “lày cỏ” say chìm vào cõi mê khi đám cử tọa xung quanh bắt đầu hò hét, động viên mỗi bên. Cũng là cờ ngoài bài trong để cuộc chơi hai người thành cuộc chung vui của cả đám đông. Đây là trò chơi văn hóa lành mạnh và khá đặc biệt của miền sơn cước đầy sức cuốn hút đám đông không khác gì một trận cầu đối kháng quyết liệt

3. Tôi đã đi nhiều nơi, từng nhiều lần ngồi bên chiếu rượu, nhưng chưa thấy  trò chơi nào có sức cuốn hút và thư giãn cho cả đám đông  như “lày cỏ”. Đó là thứ văn hóa đặc sản. Trò chơi chỉ cần hai người là đủ, nhưng đám đông vây quanh mới là quan trọng. Thiếu cái đám đông hò reo ấy thì không bao giờ có “ lày cỏ”… Giống như xòe Tây Bắc, cồng chiêng Tây Nguyên…, trò “lày cỏ” cũng ngấm sâu trong máu người biến giới thành gen di truyền, trở thành tài sản riêng của mỗi dân tộc.

Những chiều  biên giới là như thế. Chiều biên giới không chỉ có những đám mây bông lờ lững ôm vòng núi lẩn với khói lam chiều trong tiếng mõ trâu thi thoảng vu vơ. Không chỉ tiếng nai kép kép tìm bầy, không phải chỉ có tiếng tắc kè điểm nhịp, tiếng rên rỉ của giun dế, tiếng con chim lạc đàn vỗ cánh hốt hoảng trong màn đêm. Trong cái bạt ngàn bóng tối và tiếng động thiên nhiên những âm thanh trầm bổng “lày cỏ, sái mạ, phát sọi” bập bùng như lửa trại bốc lên luôn làm bừng sáng một không gian phiêu bồng của cả vùng sơn cước. Và cuộc sống ở đâu cũng thế, nhìn thoáng qua bề ngoài tưởng là đơn điệu buồn tẻ, nhưng nhìn sâu bên trong, nhìn gần ở những lát cắt, hay những cận cảnh, sẽ vẫn thấy biết bao điều nồng ấm.

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Source: Báo Thể Thao Văn Hóa

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.