TT – Cơn sốt đồ chơi từ những bộ phim chiếu trên kênh Sao TV (Tuổi Trẻ ngày 14-2) đang trở thành mối quan tâm của nhiều người, nhất là những phụ huynh đang phải liên tục đáp ứng nhu cầu của trẻ.
Trung Quốc điên đảo với yoyo
Trở lại với “cơn sốt” này, Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến phản hồi của bạn đọc và trích dịch câu chuyện từ Trung Quốc – nơi xuất phát của những đồ chơi đang bày bán ở VN.
Đồ chơi yoyo, mặt hàng đồ chơi ăn theo phim trên truyền hình, thu hút các em học sinh chọn mua – Ảnh: M.ĐỨC |
Ðến các trường tiểu học từ nông thôn tới thành phố lớn của Trung Quốc hiện nay, từ sân nhà đến sân trường đều thấy học sinh cầm trên tay chiếc cầu yoyo, tùy hoàn cảnh điều kiện gia đình mà giá trị trái cầu yoyo cao thấp khác nhau. Có thể nói giới trẻ Trung Quốc đang phát cuồng với trò chơi yoyo.
Một trẻ vùng nông thôn Trung Quốc chơi trò yoyo trong dịp tết – Ảnh: chinanews.cn |
Yoyo được cho là có nguồn gốc từ Hi Lạp 500 năm trước, qua thời gian phát triển với tính hấp dẫn từ kỹ thuật chơi, trò chơi này bắt đầu lan truyền sang các nước phương Tây như Anh, Pháp và Nhật Bản vào thế kỷ 18, sau đó đến Mỹ. Từ thập niên 1980-1990, trò chơi yoyo bắt đầu nổi lên ở Trung Quốc khi ông Quách Đại Vương, người chơi yoyo chuyên nghiệp ở Đài Loan, đem loại hình này đưa vào Trung Quốc đại lục. Năm 1998, giới trẻ đã phát cuồng với trò chơi này. Và từ năm 2001, khi Trung Quốc tung ra bộ phim hoạt hình Yoyo siêu tốc thì yoyo gần như là trò chơi “chủ lực” của giới trẻ từ thành thị đến nông thôn nước này. Trò chơi này càng làm mưa làm gió ở Trung Quốc khi Công ty sản xuất đồ chơi Âu Địch quảng cáo chương trình dạy kỹ thuật chơi yoyo Hỏa lực thiếu niên vương vào năm 2005. Hiện công ty này còn tài trợ một số game show liên quan đến trò chơi yoyo ở Trung Quốc. |
Truyền thông Trung Quốc cho biết hiện nhiều chương trình dành cho thiếu nhi trên các kênh truyền hình ở Trung Quốc đều có chương trình dạy kỹ thuật chơi yoyo, trong đó phổ biến là chương trình Hỏa lực thiếu niên vương do Công ty Âu Ðịch (Auldey) tài trợ. Chương trình này hiện nay thu hút rất nhiều trẻ em Trung Quốc mải mê theo dõi, “thậm chí còn hơn cả chương trình phim hoạt hình của Walt Disney” – báo Kim Hoa Buổi Tối nhận định.
Trò chơi có thể phát triển được trí não của trẻ do yêu cầu kỹ thuật vận dụng trí tuệ để chơi thật nhuần nhuyễn. Tuy nhiên mặt trái của trò chơi này là sự đua đòi trong giới trẻ. Hiện nay trong học sinh Trung Quốc đang ngấm ngầm cạnh tranh xem người nào là cao thủ yoyo, người nào sở hữu trái cầu yoyo xịn nhất. Trình Hạnh – học sinh lớp 3 ở TP Kim Hoa (Chiết Giang) – sau thời gian dài dán mắt vào truyền hình, hiện được phong là ngôi sao trong làng yoyo tại Trường tiểu học Kim Hoa. Trình Hạnh đang sở hữu chiếc yoyo giá hơn 120 nhân dân tệ (18,19 USD) nhưng khi thấy một bạn học có chiếc yoyo giá hơn 1.000 nhân dân tệ (151 USD), ngay lập tức Trình đòi mẹ phải mua cho bằng được yoyo mà cậu gọi là “chuyên dùng” cho cao thủ. Một số trẻ còn dành hết tiền quà chỉ để mua cho được chiếc yoyo.
Các loại yoyo đang thịnh hành là yoyo hình cổ điển, yoyo hình bướm và yoyo hình trống. Ðồ chơi yoyo cũng đang được quảng cáo trên Internet, khá rầm rộ là loại yoyo của nhà sản xuất Âu Ðịch (đang có mặt ở thị trường Việt Nam).
Chuyện trẻ em Trung Quốc mê chơi yoyo gây ra không ít vấn đề đau đầu cho phụ huynh học sinh của nước này. Một số bà mẹ than phiền trẻ cứ nằng nặc đòi mua trò chơi yoyo thế hệ thứ hai (trò yoyo xịn). Bà mẹ có nickname “mẹ hạt trái cây” cho biết: “Gần đây con trai tôi chơi yoyo bỏ cả ăn ngủ, chơi hỏng đến ba chiếc yoyo thường. Hiện nó đòi mua cho được cái thế hệ thứ hai, không mua thì giãy nảy vì bạn bè ai cũng có, tôi thật chẳng biết làm sao đồ chơi trẻ con lại mắc đến thế”.
MỸ LOAN
(Theo báo Kim Hoa Buổi Tối, baidu, NDNB)
Sổ tay Chạnh lòng cho trò chơi Việt Trước hiện tượng trẻ em đang mê mải chơi những đồ chơi Trung Quốc được sử dụng trong bộ phim Đấu trường yoyo, lại nhớ trào lưu của giới trẻ Việt nuôi gà ảo Nhật tamagotchi, nuôi hamster nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và lãnh thổ Đài Loan. Hoặc không là trào lưu, nhưng từ lâu qua con đường phim ảnh, những nhân vật bước ra từ phim, từ sách như vịt Donald, chuột Mickey, thủy thủ mặt trăng, mèo Doraemon cũng đã dần trở thành những hình ảnh thân thuộc với trẻ em Việt Nam nhiều thế hệ. Để rồi không khỏi chạnh lòng. Chạnh lòng vì giá mà những đồ chơi Việt, trò chơi Việt cũng tạo được cơn sốt như thế, hoặc được tiếp tay tạo ra những cơn sốt như thế. Nhớ có lần đọc trong cuốn sách Trò chơi dân gian của thiếu nhi của tác giả Tiểu Kiều (Nhà xuất bản Trẻ, tháng 5-2010), thấy tác giả liệt kê đến gần 100 trò chơi (và chắc vẫn còn chưa đủ) gồm các trò chơi có lời hát, các trò chơi có đồ chơi, những trò chơi vận động… phong phú vô cùng. Thế mới thấy Việt Nam thiếu gì những trò chơi, và trong số đó tin rằng sẽ có những trò chơi có thể làm nên cơn sốt hoặc trở thành những sản phẩm kinh doanh có chỗ đứng trên thị trường. Rồi những nhân vật Việt Nam rất nổi tiếng với nhiều giai thoại thú vị từ truyền thuyết, văn học đến đời thực như dế mèn, Tễu, Cuội, Bờm, Trạng Quỳnh, trạng nguyên tuổi 13 Nguyễn Hiền, thần đồng Lê Quý Đôn, Ba Giai Tú Xuất, bác Ba Phi… có nhà làm phim nào đã khéo léo khai thác để tạo nên những trào lưu, những cơn sốt, thậm chí biến thành sản phẩm kinh doanh? Và những trò chơi như ô quan, banh đũa (còn có tên đánh chuyền – đánh đũa), đánh quay (còn có tên chơi vụ) vẫn còn phổ biến ở nông thôn hoặc các đô thị nhỏ… nhưng để trở thành hiện tượng, là “mốt” thì vẫn chưa. Đồ chơi Việt dành cho thiếu nhi thời hiện đại lại càng ít ỏi. Giá mà nhiều trò chơi Việt Nam, đồ chơi Việt Nam, nhân vật Việt Nam cũng có thể một lúc nào đó tạo được những trào lưu. Chuyện không chỉ là lòng tự hào dân tộc, không chỉ “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà còn là vì qua thời gian, những trò chơi nêu trên đã chứng minh được ý nghĩa tốt đẹp của nó. Trò chơi, đồ chơi cho trẻ em nói chung tiềm năng là thế, nên nếu khai thác tốt và được sự cộng hưởng từ phim ảnh, trẻ em Việt chắc không phải quay quắt vì những trò chơi ảo hoặc cứ phải vòi vĩnh cha mẹ những món đồ chơi đắt tiền (chưa kể là bổ ích hay không). ANH CHI |
Từ hàng ghế khán giả
Không phải con đòi là mua
* Với câu chuyện sốt đồ chơi từ phim ảnh, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao các hãng đồ chơi trẻ em Việt Nam không thể nắm bắt và phát triển theo thị hiếu, nhu cầu cần thiết của xã hội, mà đúng hơn là của trẻ em. Đừng trách kênh truyền hình hay đồ chơi Trung Quốc, đơn giản là họ biết “thời thế” mà thôi.
Nguyen Quoc Tan Trung
(nguyenquoc@…)
* Việc quảng bá sản phẩm, quảng cáo hàng hóa và việc phục vụ văn hóa giải trí là hai việc khác nhau, nhất là đối tượng phục vụ là trẻ nhỏ vì điều đó có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ý thức của trẻ. Ở độ tuổi thiếu nhi, các cháu chưa có khả năng nhận thức được hành động lạm dụng thương mại của nhà sản xuất và chưa biết tự chủ trong việc mua sắm các đồ chơi, tổ chức việc vui chơi, giải trí, nên sẽ bị lệ thuộc lớn vào nội dung của các bộ phim thiếu nhi như trên.
Chính Kiến
(anphuquehuong@…)
* Sao TV là kênh tiếng Việt và các phim nước ngoài được chiếu đều được thuyết minh tiếng Việt, thu hút được trẻ em một cách tự nhiên hơn hẳn hai kênh CN và Disney Channel. Đó là một thành công không dễ có được. Về nội dung, nhìn chung các chương trình trên Sao TV phù hợp với trẻ em, phụ huynh cần lọc ra những chương trình phù hợp với tính cách và lứa tuổi của con mình và cho con xem. Nhiệm vụ của phụ huynh là phải quản lý thời gian xem tivi của con em mình.
Tôi nghĩ khi con tôi có một chiếc ôtô sấm chớp và tốc độ và nhiều bạn nó cũng có, chúng sẽ chơi với nhau rất hứng khởi khi vừa có những “kiến thức” thu lượm được từ phim, vừa có bạn cùng chơi ăn ý, như vậy tốt hơn mỗi trẻ chơi một trò. Tất nhiên, không phải con đòi là mua. Vì đằng nào không có tivi thì mình cũng mua đồ chơi cho con, nên tôi nghĩ phụ huynh nên coi đó là một phần thưởng cho những phấn đấu của con trẻ, thì sức hấp dẫn lớn của phần thưởng sẽ tạo nên động lực rất lớn cho các cháu cố gắng phấn đấu. Tất nhiên, phụ huynh phải giáo dục con của mình. Nếu thấy những phim không phù hợp lứa tuổi thì không cho con xem. Trẻ nhỏ không được phép xem tivi một mình và không thể muốn mua gì là được nấy.
Don Quixote
(vqt218nl@…)
Source: Báo Tuổi Trẻ