Cho cháu xin một lời tha thứ!

TTO – Đã gần hai mươi năm trôi qua. Ngẫm lại mình của những ngày xưa ấy sao mà hời hợt, mải chơi và vô tâm quá!

Cho cháu xin một lời tha thứ!

Thời niên thiếu tôi sống cùng ông bà nội. Nhà ông bà rộng rãi, thoáng mát với vườn cây trái sum suê, lúc nào cũng tỏa bóng mát rượi và mấy cái ao nước trong vắt, nhìn rõ từng đàn cá lội tung tăng. Thế giới tuổi thơ của tôi đắm chìm trong những trò đánh đáo, nhảy dây hay nhởn nha bên cành ổi chín. Trong nhà, ngoài ông bà nội còn có một người già nữa là bà cụ. Cụ là mẹ của bà nội, ngoài bảy mươi rồi nên lưng cụ còng xuống, tóc bạc trắng, cụ ra vào cũng chậm chạp vì chỉ nhờ vào cây gậy tre.

Tôi không mấy chú ý đến cụ lắm bởi vì tôi còn mải chơi, lúc nào cũng chăm chăm chạy theo chúng bạn. Tôi quen có bà cụ như quen nhìn thấy cây cau cao vút trước nhà. Từ hồi nào xa xưa đã có. Những gì tồn tại thân thuộc bên mình hầu như chúng ta không mấy chú ý đến, thậm chí có lúc còn vô tình lãng quên. Tôi chỉ trò chuyện với cụ nhiều nhất là vào giờ cơm, lúc có mặt đông đủ mọi người. Cụ hay bảo: “Cháu đã rửa tay chưa?”, “Sao cháu đi chơi về muộn thế?”, “Sắp vào năm học mới rồi, cháu phải gắng tập viết nhé!” … Tôi chỉ dạ thưa cho qua chứ thật lòng không mấy chú tâm đến những lời cụ nói. Đến tối, tôi lại chạy vào lòng bà nội nghe kể chuyện rồi ngủ thiếp đi. Sáng ra lại tiếp tục với trò chơi đồ hàng, với cái cần câu cua bé tẹo và lại lang thang dưới gốc cây xoài, cây mận… Cứ như thế thời gian dần trôi, cho đến một ngày tôi nghe ông bà nội nói chuyện: “Mẹ đã yếu rồi, bác sĩ bảo mẹ bị liệt, không đi lại được nữa!”. Thế là cụ không quanh quẩn vào ra nơi thềm cửa nữa mà chỉ nằm hoặc ngồi bất động trên chiếc sập gỗ. Mọi sinh hoạt của cụ đều cần có người giúp. Bà nội loay hoay hàng ngày nấu nướng, rồi lại tắm giặt cho cụ, giúp cụ đi vệ sinh, đêm đến bóp chân tay cho cụ dễ ngủ…

Những lúc tôi chạy vào nhà uống nước, cụ hay gọi: “Cháu cho bà xin ngụm nước”, lúc thì tôi múc cho cụ, lúc thì do mải chơi, do lười nên tôi chạy đi thật nhanh. Để lại sau lưng là nụ cười hiền từ của cụ cùng cái ca đỏ trên tay. Cái ca đó dành riêng cho cụ uống nước vì tay cụ yếu nên chỉ cầm được những vật nhẹ. Bực nhất là mỗi lần không giúp cụ thì y như rằng tôi bị bà nội mắng, tâm lý một đứa trẻ con không giống người lớn ở chỗ sau khi bị mắng nó lại tiếp tục tái phạm. Những tháng ngày sau đó, tôi luôn cảm thấy phiền phức vì cụ cứ nhờ tôi làm cái này cái khác, khi thì gọi bà nội giúp, khi thì nhặt cho cụ cái khăn, lúc lại lấy hộ cái tăm hay cụ bảo “cháu ngồi đây với bà một lát!”… Một đứa trẻ 8 tuổi như tôi có bao giờ hiểu được rằng người già cô đơn thế nào, người già cần giúp đỡ ra sao!

Bữa cơm cũng vắng cụ, cụ ăn uống ngay tại giường. Thế giới của cụ bỗng dưng chật hẹp, tù túng. Khi cả nhà ngồi quanh mâm cơm, vừa ăn vừa nói chuyện công việc trong ngày thì cụ lại chăm chú lắng nghe, rồi thỉnh thoảng lại nhoẻn miệng cười, lộ ra hàm răng đen nhánh và đôi môi lúc nào cũng tươi do cụ có thói quen nhai trầu. Có lẽ đó là lúc cụ thấy vui và hạnh phúc nhất. Có lẽ thế giới của riêng cụ đẹp nhất là lúc ấy!

Rồi ông bà tôi đưa cụ về Bắc như mong ước của cụ. Vì ngoài ấy cụ còn một người con gái nữa, họ hàng cũng ở cả ngoài ấy. Bà cụ đi rồi, ngôi nhà với tôi vẫn thế, chỉ thi thoảng chạy vào nhà lấy đồ chơi hay uống nước, bất giác nhìn thấy chiếc sập bỏ không, tôi cũng có nhớ đến cụ nhưng rồi nỗi nhớ cũng nhanh chóng qua đi, vì trẻ con không nuôi dưỡng nỗi buồn, nỗi nhớ như người lớn.

Một hôm, tôi thấy cả nhà khóc rưng rức, khóc nhiều nhất là bà nội. Bà cụ đã mất. Vì quá xa xôi nên bà nội cũng không về để tang cụ được. Nhìn những tấm ảnh gửi từ Bắc vào, cụ nằm đó, mắt nhắm nghiền, xung quanh là hoa, là hương khói. Bất giác một cảm xúc khó tả len vào trái tim tôi. Tôi không hiểu rõ ràng lắm nhưng cũng biết được rằng, khi chết đi tức là mãi mãi tôi không được gặp cụ nữa.

Khi lớn thêm một chút, mỗi khi nhớ cụ, mẹ thường kể với tôi về cụ, bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “Cụ thương con lắm!”, rằng ngày mẹ sinh tôi ra, vì bà nội và mẹ còn bận đi làm nên cụ trông tôi, đút cho tôi ăn từng thìa bột được khuấy lên từ bột sắn dây do chính cụ làm. Đến chiều lại bế tôi ra cổng, ngóng mẹ về cho bú. Cụ là người dắt tôi những bước đi đầu tiên, bế tôi đi chơi quanh xóm. Dạy cho tôi biết bao câu ca dao, tục ngữ bằng chính lời ru êm ái của mình. Chăm bẵm cho tôi mỗi khi tôi đau ốm, lo lắng cho tôi hơn lo cho bản thân mình. Cực nhọc, vất vả là thế nhưng khi cụ cần tôi giúp, tôi lại làm ngơ.

Tôi ân hận lắm. Sự ân hận đó bắt đầu từ khi tôi biết nhận thức và nhớ lại những tháng ngày còn có cụ bên cạnh, còn được cụ nhắc nhở và nhìn tôi với vô vàn nỗi trìu mến trong ánh mắt (nhưng vì quá bé tôi không cảm nhận được). Nhớ lại những gì mình đã làm, tôi ước chi lúc cụ bị ốm, tôi lớn hơn một chút, đủ hiểu biết thêm một chút để thấy được giúp cụ là một niềm hạnh phúc. Tôi sẽ không ngại ngần rót nước, lấy tăm cho cụ hay ngồi bên cạnh hát cho cụ nghe… Nhưng tất cả đã trôi xa lắm rồi. Trôi xa cả thuở ấu thơ được cụ tận tay chăm sóc. Trôi xa cả thời niên thiếu mải chơi, vô tâm, lười nhác! Tất cả chỉ còn là ký ức và là niềm hối tiếc không dễ nguôi ngoai.

Mỗi khi thắp nén hương lên bàn thờ cụ, tôi lại thấy cụ cười. Chắc cụ không giận, không trách tôi đâu nhưng tôi vẫn khấn: “Cho cháu xin một lời tha thứ, cụ nhé!”./.

VO KIM ANH

Source: Báo Tuổi Trẻ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.