Kỳ thủ Lê Quang Liêm – Mê cờ không quên việc học

(Dân trí) – Mới đây, Lê Quang Liêm đi vào lịch sử giải cờ vua Aeroflot với hai lần liên tiếp bảo vệ thành công chức vô địch. Thành tích đó ở tuổi 20 rất dễ làm người ta tự mãn. Nhưng khi tiếp xúc với kỳ thủ này, điều ấn tượng nhất chính là sự khiêm tốn.

Mê cờ không quên việc học

Sau hơn một tháng “lên ngôi” , Lê Quang Liêm vẫn chưa hết hồi hộp về ván cờ quyết định bảo vệ ngôi vô địch trước kỳ thủ Rauf Mamedov (Azerbaijan). Với ván cờ hòa, chức vô địch của Liêm phụ thuộc vào kết của một cặp đấu khác. Cuối cùng, cùng điểm với người về nhì và ba nhưng hơn chỉ số phụ, Lê Quang Liêm đã bảo vệ chức vô địch với 6,5 điểm sau 9 ván đấu.


Lê Quang Liêm (áo đen) trong buổi giao lưu cùng HS – SV TP.HCM sau khi đi vào lịch sử giải cờ vua Aeroflot

“Cảm giác mình không thể quyết định số phận của mình mà phụ thuộc vào người khác thật là khó diễn tả. Một chút gì đó hồi hộp, một chút gì đó tiếc nuối và cần sự cả sự may mắn nữa”, Liêm chia sẻ.

Liêm đến với cờ vua hoàn toàn tình cờ đến cậu không nghĩ môn thể thao này lại gắn bó mới mình đến vậy. Hồi nhỏ, sau giờ học, người anh trai hay rủ Liêm chơi cờ. Ván thắng ván thua, lúc đó Liêm chưa thấy mình có tố chất đặc biệt với những quân cờ. Về sau, càng chơi Liêm càng say mê với những quân cờ đen trắng và nó “vận” vào cậu học trò khi gặp HLV Lâm Minh Châu, người thầy đầu tiên dẫn dắt Liêm.

“Ở Liêm có tố chất chăm chỉ, chịu khó và cực kỳ khoa học mà ít người có được. Hơn nữa, điểm mạnh của Liêm lúc chơi cờ luôn cờ tinh thần luôn thoải mái và vô cùng đam mê môn thi đấu của mình chứ không đặt nặng thắng thua”, HLV Lâm Minh Châu tự hào nói về học trò của mình.

Say mê cờ vua nhưng Lê Quang Liêm luôn cố gắng không để đam mê đó ảnh hưởng đến việc chính của mình là học tập. Cậu luôn là một một trong những học sinh giỏi của lớp. Hiện Liêm đang là SV năm thứ nhất khoa Tài chính Ngân hàng (ĐH Sài Gòn).


Cùng với người thầy Lâm Minh Châu

Liêm chia sẻ về cách phân bố thời gian của mình: “Khi tham gia thi đấu em gác hẳn việc học hành, tập trung cho cờ. Còn khi không thi đấu, việc học được đặt lên hàng đầu, cờ chỉ còn là một thú vui”.

Nhưng không phải lúc nào cũng có thể rành rọt giữa cờ vào học. Năm 2006, kỳ thi tốt nghiệp lên lớp 10 của Liêm trùng với lịch tham dự thi đấu Olympic cờ vua thế giới tại Ý. Đứng trước hai lựa chọn, Liêm quyết định sẽ không thi đấu tập trung cho kỳ thi. Thật may cho Liêm, đến phút cuối, Bộ GD – ĐT quyết định đặc cách vào lớp 10 cho Liêm, không phải thi tuyển.

Cậu con lớn tướng trong vòng tay mẹ

Quá trình việc học và chơi cờ của cậu con trai, cô Trần Mỹ Lệ, mẹ Liêm cho hay gia đình trải qua rất nhiều thăng trầm vì “khả năng” đánh cờ của Liêm. Cô Lệ nhớ lại khi Liêm mới 10 tuổi, được phát hiện tố chất đánh cờ, đã nhận được nhiều lời đề nghị… cho Liêm nghỉ học văn hóa để tập trung luyện cờ. Gia đình nhất quyết không chịu. “Lúc đó tôi nghĩ đơn giản lắm, không nghĩ con mình giỏi cờ gì mà nghĩ cháu nó thích vậy thôi. Sau này, thấy cháu vừa đảm bảo được việc học ở lớp mà vẫn giành nhiều giải quốc tế thì mới tin rằng chắc con mình có năng khiếu… đánh cờ”, cô Lệ cho hay.


Cô Trần Mỹ Lệ luôn động viên con trai “thắng không kiêu, bại không nản”

Liêm đã trưởng thành, có thể nói cậu kiếm được rất nhiều tiền từ việc chơi cờ của mình. Hiện, Liêm đang đầu quân cho một số CLB nước ngoài. Liêm vừa lên đường sang Đức thi đấu cho CLB Werder Bremen (Đức). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cờ vua Việt Nam có một người kí hợp đồng thi đấu cho các câu lạc bộ nước ngoài. Ngoài thi đấu ở Đức, Quang Liêm còn kí hợp đồng với những câu lạc bộ của Pháp và Trung Quốc.

Tuy vậy, trong mắt người mẹ, Liêm vẫn là cậu con trai bé bỏng, đến việc chăm sóc cá nhân… vẫn í ới mẹ. Mỗi lần thi đấu ở xa về, Liêm luôn gọi điện “đặt hàng” mẹ món ăn mình thích, đặc biệt là món canh chua, thiên lý xào. Trong những lần đi giao lưu với người hâm mộ, người mẹ với dáng hình nhỏ bé chỉ đứng đến vai… cậu con trai luôn là người bạn đồng hành của Liêm. Mẹ cũng chính là người đưa đến cho cậu tinh thần thi đấu thoải mái với suy nghĩ: “Thắng không kiêu, bại không nản”.

Với một người trẻ đạt được thành công như Liêm, người ta sợ nhìn thấy sự… tự mãn. Thế nhưng, điều ấn tượng nhất khi tiếp xúc với Liêm chính là sự khiêm tốn. Bởi với Liêm, cậu xác định rất rõ, những kết quả hiện tại chỉ là con đường mà cậu đang đi, mọi thành công cũng chỉ là con đường.
 
Hơn nữa, Liêm luôn được gia đình quan tâm rèn luyện thành tính cách không bao giờ được đưa thành công của mình để so sánh với người khác. Thành công với Liêm cũng chỉ là một đam mê ở môn thể thao nhiều may rủi, hôm nay chiến thắng nhưng rồi có thể thất bại. Điều cậu hướng tới là khẳng định bản thân mình trong cuộc sống.

Có lẽ chính vì tính cách “biết người, biết ta” như vậy cũng là tố chất giúp Liêm có thể “đánh bại” trong các trận đấu cờ, được xưng danh kỳ thì quốc tế từ năm 14 tuổi và vẫn không ngừng rèn luyện, học hỏi.Hiện Liêm cũng đang hướng tới giải cờ vua thế giới tổ chức tại Nga vào cuối năm nay và thi đấu tại SEA Games 26.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Source: Báo Dân Trí

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.