Một Việt kiều thắng máy trò chơi trúng thưởng hơn 55 triệu USD nhưng không được trả thưởng. Lý do đơn vị kinh doanh đưa ra là máy bị sự cố. Đơn khởi kiện của người chơi được chuyển đến toà.
Thua mất tiền, thắng không trả
Ông Mai Xuân Bình, chánh án TAND quận 1, TPHCM cho biết, vụ kiện đòi số tiền hơn 55 triệu USD của ông Ly Sam, Việt kiều Mỹ với công ty liên doanh Đại Dương đang được cơ quan này tiến hành giải quyết theo pháp luật. Tuy chưa có lịch cụ thể, nhưng vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất.
Vụ án bắt đầu vào ngày 25/10/2009, ông Ly Sam có đến câu lạc bộ Palazzo tại khách sạn Sheraton và chơi trò chơi trúng thưởng ở máy số 13. Sau những lượt chơi, ông Ly Sam có thua một khoản tiền rồi sau đó máy trò chơi trúng thưởng bất ngờ báo ông trúng số tiền hơn 55 triệu USD. Đại diện của công ty liên doanh Đại Dương hứa ba ngày sau trả thưởng nhưng không ký vào biên bản xác nhận.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Ly Sam tiến hành ghi hình máy trúng thưởng và xác lập một biên bản có chữ ký của những người xung quanh để làm chứng. Nhiều ngày sau đó, người chơi này đã liên hệ với công ty liên doanh Đại Dương để yêu cầu trả khoản tiền trúng thưởng kể trên. Tuy nhiên, phía công ty cho rằng máy trò chơi bị sự cố nên không đồng ý chi trả.
Đáp lại, ông Ly Sam lập luận, ông chơi trò chơi công khai, hợp pháp tại máy số 13. Hơn nữa, khi ông thua tiền thì máy vẫn thu bình thường, nhưng khi ông thắng thì tại sao không trả phần thưởng cho ông?
Ngay sau đó, ông nộp đơn khởi kiện và tạm đóng án phí hơn nửa tỉ đồng.
Phải thanh toán cho người chơi
Vụ án đòi tiền thưởng nhanh chóng trở thành đề tài sôi nổi của báo chí và các diễn đàn mạng. Ngoài ra, vụ án cũng đem lại những tranh luận thú vị về tình huống pháp lý.
Luật sư Trần Công Ly Tao, đoàn luật sư TPHCM cho rằng, công ty liên doanh Đại Dương phải thanh toán tiền thưởng cho người thắng thưởng. Thực chất của trò chơi trúng thưởng là người chơi phải bỏ tiền ra mới được chơi và nuôi hy vọng trúng. Như vậy rõ ràng có một sự thoả thuận được hiểu là nếu thua thì người chơi mất tiền. Ngược lại khi thắng thì người chơi phải được công ty kinh doanh loại hình này chi trả. Đây là giao dịch trực tiếp.
“Không thể nói máy có sự cố mà từ chối chi trả. Trong khi đó, khách hàng vẫn phải mất tiền khi bị thua nhưng không được trả lại. Thực tế có nhiều người nợ nần chồng chất, mất hết nhà cửa vì các máy trò chơi này nhưng có casino nào trả lại tiền đâu. Luật pháp Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng vào xét xử được vụ án này. Thậm chí có thể áp dụng luật hình sự để xét xử hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người ta tin tưởng bỏ tiền vào chơi để rồi bị “xù” tiền là không được”, luật sư Trần Công Ly Tao nói.
Một thành viên có nickname Tr. ở diễn đàn www.tn… com lập luận: Khả năng vụ án được đưa ra toà án quốc tế lên tới 90% vì pháp luật Việt Nam hiện chưa có điều khoản để bảo vệ và giám sát trong lĩnh vực trò chơi trúng thưởng (hình thức như chơi bạc – PV).
Thành viên này cho biết ở các nước phương Tây, thường thì công ty sản xuất máy trò chơi và sòng bạc sẽ phải trả tiền thưởng khi máy có sự cố. Như vậy, hai đơn vị này có thể trả một phần tiền thưởng chứ không thể phủ nhận hoàn toàn.
Đáng lẽ ra trong lúc giám sát khách chơi, nhân viên quản lý phát hiện đột biến trong tiền thắng thưởng thì phải báo để ngắt toàn bộ hệ thống máy ngay. Giả sử khách chơi không phải là một doanh nhân thông thường như ông Ly Sam mà là một VIP nào đó thì tính sao?
Một luật sư khác nhận định: “Ông Ly Sam đòi tiền thưởng là đòi tài sản. Trong vụ án này hai bên đều có quyền và nghĩa vụ của mình. Ông Ly Sam đã bỏ tiền ra chơi máy thưởng ở khách sạn Sheraton, nơi mà chỉ có người nước ngoài được chơi hợp pháp. Tuy nhiên hiện tại chưa có luật quy định việc giám sát, bảo vệ những tình huống thế này nên việc xét xử không phải đơn giản”.
Theo Thanh Nhã
Báo SGTT
Source: Báo Dân Trí